Thứ hai, 22/12/2008, 15h12

“Sống hiến máu, chết hiến xác”

Anh Hùng và chị Thủy

Một gia đình có 6 người tình nguyện hiến xác cho khoa học, lặng lẽ trong suốt 10 năm “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, làm công việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn mọi người thực hiện nguyện vọng hiến xác. Người làm nên “kỳ tích đó” là ông Nguyễn Phi Hùng và vợ là Nguyễn Thị Thanh Thủy, quận Bình Thạnh. TP.HCM.
Nghề không công
Trong ngôi nhà trang trí đơn giản với vài vật dụng cần thiết, còn lại là nơi để hồ sơ, sổ sách phục vụ cho công việc tư vấn bảo hiểm của hai vợ chồng. Mỗi ngày hai người mất hơn 10 tiếng đồng hồ cho việc chăm sóc và thăm viếng khách hàng mua bảo hiểm, đó là những người đã giúp ông bà đến với quyết định hiến xác và trở thành “Người vận động hiến xác chuyên nghiệp”.
“Trong một lần tư vấn cho khách hàng tôi nhận được một câu hỏi đùa nhưng khá hóc búa của khách: “Khi chết tôi có mang lại lợi ích gì cho cuộc sống ngoài tiền bảo hiểm cho người thân?” Về nhà tôi luôn băn khoăn, suy nghĩ về câu hỏi đó. Và cuối cùng tôi cũng tìm ra được câu trả lời: Hiến xác! Xác của khách hàng sẽ là quà tặng cho cuộc sống, cứu giúp những người bệnh trong đó có cả con cháu của khách hàng.” Ông Hùng cho biết.
Thời gian đó là năm 2004, khi đã suy nghĩ kỹ lưỡng, ông Hùng tự nguyện làm đơn và vận động vợ con, người thân làm theo. “Hồng Phúc, con trai đầu của tôi là người đầu tiên thực hiện ý nguyện hiến xác, không ngờ nhanh như vậy?”. Ông Hùng ngậm ngùi. Hiện gia đình ông Hùng đã có 6 người chấp nhận hiến xác và cô con gái út cũng đang chờ đủ tuổi để tiến hành làm thủ tục. Cả vị khách đưa ra câu hỏi khá hóc búa với ông năm nào nay cũng đã làm đơn xin hiến xác. “Bao giờ đi gặp khách hàng hay dự đám cưới, đám tang ngoài việc tư vấn bảo hiểm ông đều nói chuyện hiến xác và kêu gọi sự quan tâm của mọi người và trở thành “nghề tay trái” lúc nào không hay. Nói nghề cho vui vậy thôi, công việc vợ chồng tôi làm là hoàn toàn tự nguyện, không lương bổng gì”, ông vừa nói vừa cười. 
Cái khó nhất là làm sao giúp cho khách hàng hiểu hiến xác để khoa học nghiên cứu, giúp thế hệ sau ít bệnh tật, bớt khổ đau hơn chứ không vì mục đích vụ lợi. Bà Thủy phân trần, giọng chùng xuống, nghẹn ngào: “Nhớ ngày Hồng Phúc mất, bệnh viện cho xe đến lấy nó đi, nhiều người không hiểu, có người độc mồm độc miệng nói: Không biết vợ chồng nhà đó bán con được bao nhiêu tiền? Tôi nghe mà chết lặng người”. Người cha đã khích lệ con mình hiến xác và trớ trêu thay con ông ra đi quá sớm, lúc bấy giờ nhìn người ta mổ xẻ thân xác con mình lòng ông Hùng vui buồn lẫn lộn. Trong suốt một thời gian dài người dân ở khu phố nhỏ ấy vẫn xôn xao không ngớt tin “Vợ chồng ông Hùng bán xác con”. Mãi cho đến một ngày họ thấy báo chí tri ân tấm lòng của vợ chồng ông đối với khoa học thì họ mới vỡ lẽ.
Nỗi niềm người trong cuộc
Các thành viên tham gia hiến xác trong gia đình: Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Quang Tuyến (anh trai cô Thủy), đã hoàn thành ý nguyện hiến xác; con trai Nguyễn Hồng Phúc, đã hoàn thành ý nguyện hiến xác; con trai Nguyễn Hồng Minh; con nuôi Nguyễn Hồng Phước; con gái Nguyễn Hồng Hạnh đã làm thủ tục chờ đủ tuổi sẽ ký.
Đôi khi sự hời hợt vô tâm của mọi người, ngay cả chính từ cơ quan tiếp nhận xác đã vô tình giẫm lên nỗi đau và tạo tâm lý không yên tâm cho người hiến cũng như người thân của họ. “Đáng lẽ phải tổ chức một nghi lễ nhỏ và trang nghiêm trước khi tiếp nhận xác thì họ lại lấy xác đi như nhận một món quà mà không biểu lộ một sự cám ơn”. Một người chứng kiến cảnh nhận xác bức xúc. Chính vợ chồng ông Hùng tự nguyện xin thành lập câu lạc bộ tiếp nhận xác, nơi nào có người gọi là sẵn sàng đến bất kể giờ giấc. Vì từng nếm trải nỗi đau mất người thân nên ông bà hiểu cần phải làm gì để giảm bớt sự hụt hẫng của người thân những người đã khuất. Mặc dù vào tháng 12 hằng năm, các cơ quan tiếp nhận xác như Trường ĐH Y dược TP.HCM, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đều tổ chức lễ tri ân những người hiến xác nhưng trong những ngày lễ, giỗ chẳng thấy cơ quan gửi đến một lời thăm hỏi. “Thay vì tổ chức lễ tri ân tại cơ quan tiếp nhận xác thì tại sao không tổ chức lễ tri ân ngay tại gia đình lúc đến nhận xác, vừa an ủi vong linh người đã khuất vừa có tính giáo dục để người dân làm theo”, bà Nguyễn Thị Mến bộc bạch.
“Xác của con trai tôi hiện đang được bộ môn giải phẫu của Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM xử lý và nghiên cứu nhưng cứ vào dịp tết, chúng tôi lại nhận được thiệp chúc tết gửi cho con. Cơ quan tiếp nhận xác không quan tâm đến yếu tố tâm lý, làm vậy chẳng khác nào khiến cho người nhà tủi thân”. Bà Thủy cho chúng tôi xem thiệp chúc tết gửi con trai, lắc đầu buồn bã.
Vẫn biết hiến xác là tự nguyện, người hiến máu nhân đạo được cấp thẻ thì nên chăng người có ý nguyện hiến xác cũng được hưởng những quyền lợi tương tự. Muốn làm được điều này cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng có thẩm quyền đặc biệt là Bộ Y tế. Phải làm điều gì thiết thực để người hiến xác và người thân của họ cảm nhận được sự cống hiến của mình là ý nghĩa, để ý nguyện hiến xác ở nước ta mang tính xã hội hơn.
Trường Xuân Hối

 

 

Đến nay, ông bà đã giúp cho hơn 20 người làm hồ sơ hiến xác. Trong đó gia đình bà Nguyễn Thị Mến (phường 21, quận Bình Thạnh) có đến 5 người; gia đình bà Phạm Thị Anh (huyện Củ Chi ) và gia đình ông Phạm Anh Dũng (quận Tân Phú) đều có 2 người hiến xác… “Sống hiến máu, chết hiến xác” là phương châm sống của gia đình nên vợ chồng ông Hùng rất nhiệt tình trong việc kêu gọi mọi người hiến máu nhân đạo hiến xác cho nghiên cứu khoa học. Các thành viên trong gia đình đều tích cực hưởng ứng, riêng ông đã 6 lần và bà được 5 lần hiến máu.