Thứ tư, 13/4/2011, 10h04

Mười chị em mồ côi vượt khó

“Gia tài” cha mẹ để lại chỉ là căn nhà rách nát, mười chị em mồ côi ở cuối xóm nghèo làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị) sống cảnh nheo nhóc, nháo nhác như đàn gà con mất mẹ. Trong tận cùng khốn khó, họ đã biết cùng nhau vượt qua nghịch cảnh của cuộc đời bằng một nghị lực sống phi thường và một ý chí vươn lên mãnh liệt.

Về làng Mai Xá hỏi gia đình nào nghèo nhất, hoàn cảnh nhất, chắc chắn người ta sẽ chỉ ngay đến ngôi nhà xơ xác ở cuối đội 1 của mấy chị em Trương Văn Quý. Bố Quý vốn là người rất hiền lành và chất phát, suốt đời đi làm thuê cuốc mướn với hai công việc sở trường là bổ củi và đào ao.
Năm 2005 mẹ mất, Quý cùng hai người chị đầu và một người em lần lượt bỏ học giữa chừng để đi làm thuê, kiếm tiền phụ cha nuôi các em nhỏ. Từ đó đến nay, người chị đầu của Quý vẫn đi ở giúp việc cho những gia đình khá giả trong vùng. Để bớt đi một miệng ăn cho gia đình, người chị thứ hai của Quý đã đi lấy chồng năm 17 tuổi. Ngày nào mấy đứa em nhỏ của Quý cũng được thuê đi giữ trâu.
Dù học rất giỏi, nhưng đến năm lớp 10 Qúy phải bỏ học để đi làm thuê. Mỗi ngày đi phụ thợ hồ, Quý được trả 80 – 90 nghìn đồng và mỗi tháng làm được 15 – 20 ngày, thu nhập bình quân trên dưới 1,5 triệu đồng.
Hàng tháng, người chị đầu của Quý gởi về 1 – 1,5 triệu đồng để phụ thêm nuôi bảy đứa em. Nỗi đau mất mát mẹ vẫn chưa nguôi ngoai, đến năm 2008, do suy kiệt thể lực vì lao lực mà người cha cũng qua đời. Là người anh cả còn sống ở nhà, gánh nặng gia đình từ đây đã đè lên đôi vai gầy của Quý. Dù năm nay chỉ mới 23 tuổi, nhưng Quý là lao động chính của gia đình và cũng là người đứng tên chủ hộ trong sổ hộ khẩu hộ nghèo.
Mỗi bữa ăn, mấy anh em Quý phải chia ra thành hai lần. (Bưng cơm ăn, Quý rưng rưng nước mắt). Ảnh: Lê Tấn Lộc.
Ghé thăm mấy anh em Qúy đúng lúc gia đình đang chuẩn bị bữa cơm tối, tôi không khỏi ngạc nhiên trước một gia cảnh quá éo le của những đứa trẻ mồ côi. Trong lúc Quý đang ngồi tiếp chuyện tôi, thì một “đoàn tàu há mồm” ôm bụng la đói…Nhìn tới nhìn lui, đồ đạc trong gia đình anh em Quý chẳng có gì đáng giá ngoài một cái bàn thờ, một cái bàn tiếp khách cùng mấy cái ghế, một cái tủ đựng áo quần, một cái sập và một… dấu chấm hết! Mấy anh em Qúy tự bảo nhau để sống. Mỗi đứa tự biết đi nấu ăn, rửa chén bát, quét dọn nhà cửa, giặt giũ áo quần, tự động ngồi vào bàn học trước khi đi ngủ hay gấp chăn màn sau khi thức dậy… và dần dần mọi thứ trong gia đình đã đi vào nề nếp.
Quý có đứa em út là Trương Văn Tiến, năm nay đang học lớp mẫu giáo. Cách nay chưa lâu, mỗi lần có người đến xin nhận đưa về nuôi thì Tiến sợ tái mặt, chạy sang nhà hàng xóm trốn. Đến khi họ đi rồi, người nhà sang gọi nhưng cậu bé vẫn còn sợ không dám về. Nhưng gần đây, hễ có ai hỏi là Tiến đồng ý liền. Tôi hỏi, sao cháu không ở nhà với các anh chị mà thích đi? Tiến trả lời rằng, vì ở nhà cháu ăn không ngon, nhiều bữa trời mưa nhà dột ướt lạnh lắm…
Chỗ ngả lưng duy nhất của anh em Quý trong nhiều năm nay. Ảnh: Lê Tấn Lộc.
Xét hoàn cảnh trớ trêu và số phận éo le của những đứa trẻ mồ côi, chính quyền địa phương đã quan tâm giúp đỡ gia đình Trương Văn Quý một phần nào. Bà con xóm làng người giúp viên gạch, kẻ cho ít tiền, xây một căn nhà tuy tạm bợ nhưng mấy anh em Quý có chỗ chui vào, chui ra.
Nhờ có chính sách miễn giảm học phí đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo mà đến nay 6 đứa em của Quý vẫn còn được đến trường. Tuy điều kiện gia đình thiếu thốn là thế, ăn uống kham khổ, bữa đói bữa no là thế, nhưng mấy đứa em của Quý học rất giỏi. Trong nhiều năm liền, các em không chỉ đứng đầu trong tốp học sinh giỏi của trường mà còn giành được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện.
Khi được hỏi có ước mơ gì, anh em Quý chân thành cho biết: “Chúng cháu muốn cố gắng học tập tốt hơn nữa để sau này lập thân lập nghiệp, có điều kiện báo đáp công ơn cha mẹ sinh thành, đền đáp những người đã giúp đỡ mình trong cơn hoạn nạn và giúp đỡ lại những đứa trẻ có cùng cảnh ngộ giống mình”.


Theo Lê Tấn Lộc - Lao động