Thứ năm, 13/5/2010, 09h05

Nhức nhối nạn móc túi ở trạm trung chuyển xe buýt

Đã có rất nhiều bài báo phản ánh về nạn móc túi ở trạm trung chuyển xe buýt khu vực Cầu Giấy. Đã có nhiều băng nhóm móc túi bị bắt giữ, đã có nhiều bài học được rút ra… Thế nhưng chuyện người dân đi xe buýt bị “sờ mó” và mất ví tiền, điện thoại vẫn xảy ra như cơm bữa.
Bức xúc của hành khách đi xe buýt
Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân, cán bộ ngân hàng Agribank chi nhánh Mê Linh cho biết, cách đây một tháng chị vừa bị móc túi lấy mất điện thoại khi đi xe buýt. Khi chị chuẩn bị bước lên xe buýt thì có 3 thanh niên ăn vận quần áo rất lịch sự theo sát chị. Một tên chạm vào bên trái người chị để đánh lạc hướng, trong khi tên khác thò tay vào túi quần bên phải của chị móc điện thoại. Vì có kinh nghiệm đi xe buýt nhiều năm nên chị nhận ra ngay, bèn lập tức quay lại tóm cổ tên móc túi. Tuy nhiên chỉ trong nháy mắt hắn đã chuyền chiếc điện thoại ăn cắp cho đồng bọn phía sau, tên này nhanh chóng tẩu thoát, nên mặc dù “bắt” được trộm chị cũng không làm được gì.
Lượn lờ qua lại để thăm dò.
Chị tâm sự: “Lúc ấy tôi ức lắm, hét toáng lên, chỉ muốn đánh vào mặt tên trộm nhưng vì sợ chậm giờ làm, với lại dù sao cũng mất rồi nên đành ngậm ngùi lên buýt đi làm tiếp”. Khi được hỏi có tiếp tục đi xe buýt nữa không, chị Vân nói: “Tôi vẫn phải đi chứ, vì cơ quan tận bên Mê Linh cơ mà. Nhưng bây giờ tôi không đi cái bến ấy nữa, đành đi xa hơn một chút, chuyển sang điểm chờ xe buýt ở gần khách sạn Cầu Giấy”.
Cũng ở bến đó, Trần Thị Thanh Xuân, sinh viên trường ĐH Công đoàn lại bị móc túi khi đang đợi xe buýt đi đám cưới bạn. Do sơ hở, Xuân bị kẻ gian móc mất 2 chiếc điện thoại và tiền trong túi mà không hề hay biết. Thấy dễ, tên trộm lại tiếp tục thò tay vào túi Xuân để “mò” tiếp, và khi “mò” trúng chùm chìa khóa thì bị Xuân phát hiện. Khi Xuân đến gặp tên móc túi ngỏ lời xin lại sim điện thoại, hắn tỉnh bơ: “Điện thoại nào? Đây có biết đâu. Có cần thì đây cho mượn điện thoại gọi kiểm tra xem sao”. Biết là 2 chiếc điện thoại của mình chắc chắn nằm trong tay bọn trộm và đã bị tắt máy nên Xuân gọi cho một người bạn. Thấy vậy, nhóm 4 tên móc túi vây Xuân lại đòi đánh, nhưng thấy đông người nên một lúc sau bọn chúng tản đi. Kể lại sự việc trên Xuân vẫn còn bức xúc: “Cạch đến già, tôi chẳng bao giờ đi xe buýt nữa đâu”.
Một đồng bọn lợi dụng đám đông để móc túi.
Những điều “tai nghe mắt thấy” ở bến xe buýt
9h sáng, chúng tôi có mặt tại bến trung chuyển xe buýt tại cổng trường ĐH GTVT. Cứ khoảng vài phút là có một xe, thậm chí có khi 3,4 xe cùng qua bến này một lúc, chính vì vậy mà khung cảnh nơi đây luôn náo nhiệt. Đông người, ai cũng vội, nên bến xe này luôn có điều kiện thuận lợi cho bọn móc túi hoạt động. Sau nửa tiếng quan sát, chúng tôi thấy một nhóm móc túi gồm có 5 tên. Hai thanh niên đội mũ lưỡi trai chia nhau địa bàn, thường xuyên lượn lờ và giả vờ hoà vào dòng người đổ xô lên các xe buýt để móc túi, hai tên khác canh chừng xung quanh đồng thời rao bán đồ ăn cắp, và một phụ nữ ngồi ở nhà vệ sinh công cộng gần đó để nhận và cất giấu các “chiến lợi phẩm” mà đồng bọn vừa “ăn” được.
Khi chúng tôi đang quan sát và ghi lại hình ảnh của những kẻ móc túi trên cầu vượt dành cho người đi bộ, một người đàn ông mặc áo phông trắng, kẹp mũ cối bên hông tiến đến hỏi nhỏ: “Mua máy ảnh không em? Máy ảnh tốt giá rẻ…” Tôi ngỏ ý muốn xem hàng và quan tâm giá cả, gã kia giơ chiếc mũ cối ra, kéo tấm vải che, để lộ chiếc máy ảnh và bảo: “Máy ảnh Toma xịn của Hàn Quốc, bọn anh vừa lấy được của một con bé người Hải Phòng, em lấy đi mà dùng rồi đưa cho anh bao nhiêu thì đưa”. Khi thấy tôi thắc mắc máy còn dùng được không mà bán giá rẻ thế, gã vừa quảng cáo vừa ngầm dọa dẫm: “Máy xịn đấy, ngoài cửa hàng bán phải mấy triệu, nhưng bọn anh đang cần tiền chích hút nên để rẻ cho em. Mấy thằng bạn anh đang làm ăn dưới kia kìa, toàn nghiện cả thôi”. Gã cũng kỳ kèo thêm: “Hay là thích điện thoại, bọn anh cũng có điện thoại nữa”. Sau khi tôi cương quyết từ chối mua, gã lườm lườm rồi bỏ đi, tiếp tục gạ gẫm những người khác.
Đây là chuyên gia tẩu tán hàng ăn cắp (X). Hắn ta đang gạ gẫm các sinh viên mua những món đồ mà đồng bọn vừa chôm được. Ảnh chụp trên cầu vượt lúc 10h30.
Chỉ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, ổ nhóm móc túi này đã thực hiện trót lọt gần chục vụ móc túi, đó là chưa kể những lần “móc” hụt. Có một điều lạ là chúng tôi không hề thấy phản ứng của người bị hại. Khi được hỏi, một số bị hại nói rằng không biết mình bị móc túi, một số biết mà không dám tố cáo, vì họ biết là không làm được gì, nên đành im lặng. Chính sự bất cẩn và thái độ của người bị hại đã góp phần tạo điều kiện cho tội phạm trộm cắp móc túi lộng hành nơi đây.
Trị “móc túi” - Chuyện không chỉ của Công an phường
Xác định điểm trung chuyển xe buýt lớn nhất Hà Nội này là một địa bàn nhức nhối nhất về nạn móc túi, Công an phường Ngọc Khánh đã tham mưu cho Công an quận Ba Đình, đồng thời phối hợp với Phòng PC14 Công an TP Hà Nội truy quét và trấn áp nhiều đối tượng, vụ việc. Chỉ tính trong quý I năm nay, CA phường Ngọc Khánh đã bắt và xử lý 10 đối tượng, đặt biệt các đối tượng này đều bị HIV giai đoạn cuối. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến công tác truy quét vẫn còn nhiều phức tạp, bất cập.
Người phụ nữ này đang kiểm tra chiếc ví mà đồng bọn vừa móc được.
Trước hết là do địa bàn bến xe này số lượng khách đông, lên tới hàng vạn người mỗi ngày, đặc thù của bến là bến hở, không nằm trong khuôn viên, nên công tác quản lý ANTT bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các đối tượng trộm cắp, móc túi có thủ đoạn và phương thức hoạt động rất tinh vi, manh động, khi gặp trinh sát chúng lẩn trốn, hoặc lưu động, bỏ sang bến khác “làm ăn”. Các đối tượng có sự liên kết với nhau nên việc tẩu tán tang vật rất nhanh, khiến cơ quan điều tra gặp khó khăn trong việc bắt giữ và khởi tố.
Ngoài ra, phải kể đến một nguyên nhân chủ quan là sự phối hợp giữa Công tyxe buýt và địa phương chưa chặt chẽ. Công an phường Ngọc Khánh đã làm việc với Công ty xe buýt Hà Nội đề nghị gắn loa phát thanh tuyên truyền, nhắc nhở người dân ở các bến, đồng thời bố trí người giữ gìn ANTT thường xuyên ở các điểm trung chuyển lớn nhưng hiện tại vẫn chưa thấy Công ty này hồi âm.
Bàn về giải pháp cho tình trạng trộm cắp, móc túi ở bến xe trung chuyển Cầu Giấy, Trung tá Lê Thanh Tân, Trưởng Công an phường Ngọc Khánh cho biết: “Hằng ngày chúng tôi luôn cử trinh sát đi thực tế địa bàn, đồng thời tiến hành xây dựng hồ sơ, mạng lưới các đối tượng. Công an phường cũng đang đề nghị phối hợp với phòng bảo vệ hành chính của ĐH GTVT tăng cường lực lượng sinh viên cùng tham gia giữ gìn ANTT ở bến”. Tuy nhiên, một đặc điểm của các đối tượng móc túi là khi lực lượng Công an tiến hành tuần tra, truy quét ở bến này thì chúng lại tìm đến bến khác hoạt động.

Theo Quỳnh Vi (CAND Online)