Thứ sáu, 9/12/2011, 11h12

Đổ vỡ vì thói hư tật xấu

Cha mẹ ly hôn vì không tha thứ được những thói hư tật xấu của nhau, con cái vẫn là người chịu thiệt thòi nhất (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.G

Có 1.001 nguyên nhân khiến hạnh phúc nhiều gia đình tan vỡ. Nhưng chủ yếu vẫn là những thói hư tật xấu của vợ hoặc chồng trong quá trình chung sống.
Tức nước vỡ bờ
Anh Nguyễn Văn Hoàng (Bà Rịa - Vũng Tàu) vốn là một người hiền lành, chất phác. Từ ngày lấy vợ, Hoàng càng tu chí làm ăn và rất ít giao du với bạn bè. Mọi người trong khu phố ai cũng thầm khen Hoàng và mừng cho Mỹ Lệ lấy được người chồng tốt. Nhưng rồi mọi chuyện diễn ra gần như “đảo ngược”. Từ ngày chị Lệ sinh đứa con thứ hai lại là con gái. Mới đầu, Hoàng chỉ hơi buồn, nhưng càng về sau anh càng tỏ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với vợ con. Hoàng ngày càng trở nên lười nhác với công việc xây dựng, được đồng nào là “nướng” vào lô đề, cờ bạc nên nợ nần chồng chất phải cắm vào tiệm cầm đồ bất kể những thứ gì đang có. Những lần về thăm vợ con, trên người anh không một xu “dính túi”, khi bị vợ nặng lời thì “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Không những lười nhác làm ăn, Hoàng còn “chôm” tiền của vợ và mang đồ đạc nhà đem ra tiệm cầm đồ thế chấp lấy tiền tiêu xài. Có lần Hoàng còn mang cả sổ đỏ đất ra ngân hàng vay tiền để ghi đề và cá độ bóng đá. Mâu thuẫn gia đình ngày càng tăng theo cấp số nhân, cả hai đành ra tòa ly dị… Trường hợp của Kim Lan quê ở Thanh Hóa, cựu hoa khôi Khoa Văn Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM thì lại khác. Có nhan sắc nên sau khi tốt nghiệp ra trường, Kim Lan không về quê mà trụ lại thành phố để tìm cơ hội đổi đời. Sau hai năm không xin được việc làm, vẫn phải ở nhà thuê, tiền bạc luôn thiếu hụt nên Kim Lan bỏ người yêu cũ thời sinh viên để tìm “bến đỗ” cuộc đời. Một lần tình cờ đi dự sinh nhật người bạn, Kim Lan “bén duyên” với Cường - giám đốc một doanh nghiệp lớn, hơn Kim Lan một con giáp, góa vợ. Mới quen nhau “sơ sơ”, hai người đã quyết định kết hôn. Được làm vợ một “đại gia”, Kim Lan chẳng thiếu thứ gì, nhà lầu, xe hơi, ăn mặc sung sướng, tiền bạc rủng rỉnh nên… sinh tật. Kim Lan thường mang tiền bạc đi chơi bài, ghi số đề. Mười triệu đồng hàng tháng chồng đưa tiêu “vèo” chưa đầy tuần đã hết. Thương vợ thời “bão giá”, Cường lại đưa tiếp 20 triệu đồng mỗi tháng để vợ đi chợ và lo toan công việc gia đình. Đứa con 5 tuổi cả năm mới sắm được bộ quần áo, còn bao nhiêu Kim Lan lập “quỹ đen” để chơi đề. Một lần tình cờ, Cường phát hiện ra sự việc nhưng vì thương vợ, Cường bỏ qua. Nhưng chứng nào tật ấy, Kim Lan vẫn không sửa đổi, cuối cùng cả hai phải dắt nhau ra tòa ly dị.
Những đứa trẻ “giữa hai làn đạn”
Hôm ra tòa, anh Hoàng và chị Lệ quyết giành quyền để nuôi con. Chị Lệ tố cáo chồng trước mặt con cái mình, còn anh Hoàng thì nói xấu vợ bằng những ngôn ngữ không hay. Hai đứa con của anh chị vừa khóc vừa hét thật to rồi bỏ chạy ra khỏi phiên tòa: “Con muốn có một gia đình đoàn tụ, có đầy đủ cha mẹ”. Còn đứa con 5 tuổi của Kim Lan thì còn quá nhỏ chưa cảm nhận hết sự thiếu vắng của ba hoặc mẹ trong mái ấm của mình sau này. Nhưng trước sự tranh giành quyền nuôi con của ba mẹ tại tòa, đứa trẻ này thật sự bị hoảng loạn, sốc lẫn tổn thương. Có thể nói, cha mẹ ly hôn, những đứa trẻ là người phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất. Thực tế đã minh chứng, đa số đứa trẻ bị hư hỏng, chiếm tới 60-75% là do bố mẹ ly hôn. Theo NGƯT Lê Minh Nga - chuyên viên tư vấn tình yêu hôn nhân và gia đình TP.HCM thì: “Việc yêu nhau, tiến tới hôn nhân là chấp nhận một con người nên chúng ta phải suy tính thật kỹ lưỡng. Đó là yêu đích thực hay chỉ là sự toan tính lợi dụng. Trước khi đặt bút kí vào tờ giấy đăng ký kết hôn nên suy nghĩ cho thật thấu đáo. Và khi đã chấp nhận lấy nhau chính là đã quyết định xây dựng hạnh phúc trăm năm, mỗi người phải biết trân trọng giá trị hạnh phúc của mình. Nếu mỗi bên mắc sai lầm, khuyết điểm nào đó thì nên mở rộng lòng vị tha để sửa chữa sai lầm nhằm giữ “lửa” cho ngôi nhà luôn hạnh phúc”.
Thanh Hải