Thứ bảy, 8/5/2010, 14h05

Nhân lực du lịch: Thừa mà thiếu

Theo dự báo của Tổng cục Du lịch VN, năm 2010, ngành du lịch cần khoảng 1,4 triệu lao động. Trong đó, lao động trực tiếp khoảng 350.000 người; lao động nghiệp vụ (lễ tân, hướng dẫn viên, nhân viên bàn - bar - buồng...) chiếm số lượng lớn nhất, khoảng hơn 308.000 người vào năm 2010 và hơn 467.000 người vào năm 2015.
Số lượng lao động qua đào tạo cần tăng thêm khoảng 19.000 người mỗi năm. Trong khi đó, tổng số học sinh, sinh viên ra trường khoảng 13.000 người.
Ngộ nhận từ người học
Một cuộc khảo sát khoảng 20 đơn vị trong ngành dịch vụ du lịch tại TP.HCM có sử dụng nhân viên tốt nghiệp từ các trường  đào tạo du lịch cho thấy, gần như 100% phải đào tạo lại. Về phía người học, không ít học viên khi ra trường mới biết mình học trật ngành, nhiều em không hợp với công việc phải chuyển sang làm nghề khác, hoặc cố bám theo nghề cũng chẳng thành công.
Bạn L.N.K. đang thực tập tại một nhà hàng ở Q.1, TP.HCM nói: "Em học ngành quản lý nhà hàng – khách sạn tại một trường trung cấp nghề (TCN), lý ra phải cho em vào bộ phận kinh doanh để biết cách quản lý một nhà hàng, họ lại bắt em làm bồi bàn. Hai tháng trôi qua, em chẳng biết tí gì về quản lý ". Ý kiến của nhiều đơn vị tuyển dụng cho biết, đa số các em học ngành du lịch (lữ hành, khách sạn, nhà hàng...) khi được phỏng vấn để tuyển dụng đều không hiểu một cách thấu đáo về ngành mình học. Có em cho rằng, vì thấy ngành này hay hay, thấy bạn bè theo học nên cũng đăng ký học theo. Những lý do đó đã dẫn đến hậu quả là chất lượng của nguồn nhân lực du lịch không ổn định, không mang tính bền vững, rơi vào tình trạng thừa vẫn thừa mà thiếu thì vẫn thiếu.
Phục vụ du khách cũng là nghiệp vụ ngành du lịch
Ông Nguyễn Phát Thảo – Giám đốc khách sạn New Epoch nói: "Do ngộ nhận và ảo vọng nghề nghiệp, các em "chết" vì những chữ "quản lý” hay "quản trị” trong văn bằng hay ngành học của mình. Đa số các em cho rằng, khi đi thực tập hay lúc ra trường thì sẽ được làm quản lý ngay. Thực tế, muốn trở thành một quản lý nhà hàng trong tương lai, các em cũng phải đi lên từ người phục vụ bàn, phụ bếp; muốn trở thành một giám đốc khách sạn giỏi, các em phải biết phục vụ buồng, phòng, thậm chí phải biết cọ rửa toilet... Tất nhiên, không phải ai cũng vậy, nhưng một khi các em đã thấu hiểu nghiệp vụ ở các bộ phận thì mới có thể làm quản lý tốt được".
Bỏ ngỏ chất lượng
Hiện cả nước có 88 trường ĐH, CĐ, TCCN đào tạo ngành du lịch, nhưng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Riêng TP.HCM có trên 50% số lao động trong ngành chưa qua đào tạo.
Hiệu trưởng một trường TCN du lịch cho biết, từ bốn năm nay, khi ngành hướng dẫn viên du lịch không chiêu sinh được (và hiện ngành này ở các trường cũng rất khó chiêu sinh), trường ông phải chuyển hướng mở các lớp có từ "quản lý” hay "quản trị” như quản trị/quản lý nhà hàng – khách sạn, quản trị du lịch... như mốt thời thượng. Vì mang tiếng là học quản lý nên cái gì người học cũng biết một chút, phần lớn lại là lý thuyết. Hậu quả: khi ra trường, kiến thức các em rất mơ hồ. Trong khi đó, ở bậc TC và cao đẳng là bậc nghề, đòi hỏi phải xoáy vào những kỹ năng mang tính chuyên ngành thì nhà trường lại không chú trọng.
Ông Trần Long – Tổng giám đốc Công ty du lịch Việt thẳng thắn: "Ở trường, các em chủ yếu được học lý thuyết. Cũng có trường dạy thực hành nhưng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, trong khi ra thực tế lại phải thực hiện từng công việc, quy trình hết sức cụ thể, nên các em hầu hết đều không đáp ứng được yêu cầu". Nhiều lãnh đạo các đơn vị du lịch cũng cho biết, do các trường du lịch hầu hết là dân lập, tư thục nên nhiều trường mở ra để kiếm lợi nhuận, họ chỉ quan tâm đến số lượng, còn chất lượng thì bỏ ngỏ.
Ở các quốc gia có nền công nghiệp du lịch phát triển, đào tạo ngành du lịch theo công thức rất bài bản gồm: knowledge + skill = job (kiến thức + kỹ năng = thành nghề), còn ở Việt Nam thì chỉ có knowledge = job (kiến thức ra nghề nghiệp), nên  học viên ra trường thường thiếu kỹ năng.
Ông Hà Kim Vọng – Hiệu trưởng Trường du lịch Khôi Việt cho rằng, không ít doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn có khuynh hướng xem thường nhân viên phục vụ tiếp tân, dẫn đến việc huấn luyện chuyên môn, các chế độ lương bổng không được quan tâm đúng mức, khiến đội ngũ này làm việc không ổn định. Nhưng, chính đội ngũ nhân viên cấp dưới mới là những người thường xuyên giao tiếp với khách, là đối tượng để khách đánh giá về chất lượng phục vụ chứ không phải là người quản lý.
Ngọc Vinh / Phụ Nữ