Thứ ba, 4/8/2009, 15h08

Chương trình tín dụng đối với học sinh - sinh viên: Vẫn ít người vay

Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với học sinh - sinh viên (HSSV) do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 3-8, Phó Chủ tịch UBND TP Đào Văn Bình nhận định, chương trình đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn học tập của nhiều HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Song các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ hơn để chương trình này đến được nhiều đối tượng hơn nữa…

Không để học sinh, sinh viên bỏ học vì khó khăn tài chính

Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có 50.303 HSSV được vay hơn 517 tỷ đồng. Trong đó, cho vay thông qua gia đình là 511,5 tỷ đồng (47.388 hộ vay); còn lại là cho HSSV vay trực tiếp. Dư nợ với HSSV học đại học, cao đẳng là 409 tỷ đồng (chiếm 78,8% tổng dư nợ); dư nợ với HSSV học trung cấp là 94,5 tỷ đồng (chiếm 19,1%); còn lại là cho HSSV học nghề. Ông Bùi Quang Vinh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Hà Nội cho biết, chi nhánh đã giải ngân cho vay kịp thời, không để HSSV nào phải bỏ học vì những khó khăn về tài chính. Thủ tục vay vốn liên tục được cải tiến theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, phù hợp với trình độ người vay. Mạng lưới hoạt động của chi nhánh rộng, với 436 điểm giao dịch cấp xã, thông qua hơn 6.000 tổ tiết kiệm.

Làm thủ tục cho HSSV vay vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội  quận Hai Bà Trưng. Ảnh: TTXVN

Bà Nguyễn Thị Lợi, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Yên Thị (thuộc Hội Phụ nữ xã Tiến Thịnh - Mê Linh) cho biết, ngay khi có Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, Hội đã phổ biến chính sách và đề nghị tổ trưởng các tổ tiết kiệm, chi hội trưởng phụ nữ tổng hợp danh sách những hộ có nhu cầu vay vốn để bảo đảm cho vay đúng đối tượng. Hiện, tổ Yên Thị nhận vốn ủy thác cho vay 4 chương trình tín dụng từ NHCSXH huyện, trong đó chương trình cho vay HSSV chiếm tỷ trọng dư nợ lớn (926,6 triệu đồng). Nhờ chương trình này, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn vẫn có điều kiện cho con theo học tại các trường đại học, cao đẳng…

Điều chỉnh mức vay lên 1,2 triệu đồng?
Mặc dù chương trình tín dụng đối với HSSV phát huy hiệu quả, nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại. Công tác điều tra số lượng HSSV trúng tuyển, đang theo học tại các trường, số hộ gia đình HSSV có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn ở mỗi địa phương chưa đầy đủ, thiếu chính xác để làm căn cứ xây dựng kế hoạch hằng năm. Việc xác nhận cho HSSV của một số trường đào tạo còn chưa đầy đủ, chưa đúng nội dung quy định hoặc giấy xác nhận của HSSV bị sửa chữa, tẩy xóa, nên không đủ yếu tố pháp lý để NH xác định thời hạn vay, số tiền vay. Việc bình xét, phê duyệt đối tượng cho vay còn chưa chặt chẽ. Một số hộ gia đình, HSSV vay vốn sử dụng chưa đúng mục đích… Tỷ lệ cho vay HSSV học nghề vẫn còn thấp (chiếm 0,9% tổng số HSSV vay vốn), chưa tương xứng với số lượng các trường dạy nghề. Đại diện một số phòng giao dịch NH CSXH cũng nhận xét, chính quyền một số địa phương chưa bám sát tiêu chí về đối tượng được vay vốn, nên xác nhận chưa chính xác. Nhiều phòng giao dịch chưa có chương trình phần mềm tin học hỗ trợ việc thống kê nợ đến hạn, gây khó khăn trong việc quản lý, thu hồi nợ...
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, ngành chức năng nên mở rộng đối tượng được vay vốn. Chương trình tín dụng với HSSV nên cho vay đến tất cả các HSSV có nhu cầu. Với mức vay hiện nay là 800.000 đồng/tháng, nhiều HSSV không đủ để trang trải chi phí cho việc học tập, vì vậy Chính phủ nên điều chỉnh mức vay lên 1,2 triệu đồng/tháng.
Phó Chủ tịch UBND TP Đào Văn Bình nhận định, chương trình tín dụng đối với HSSV đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, số HSSV vay vốn để học nghề vẫn còn thấp do công tác tuyên truyền chưa tốt. Phó Chủ tịch đề nghị các phòng giao dịch của NHCSXH phối hợp với các quận, huyện liên tục cập nhật số liệu HSSV thuộc đối tượng được vay vốn. Ngoài ra, ngành chức năng cần tăng cường phổ biến về chính sách cho vay HSSV đến các gia đình để chương trình này có thêm nhiều đối tượng được vay vốn.
Thanh Nga (HNM)