Thứ tư, 4/3/2015, 07h03

Có ép trò học thêm không?

Một tiết học tại Trường TH Phan Văn Trị, Q.1, TP.HCM (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: H.Triều

Tình huống: Tôi công tác tại Trường Tiểu học Đ., quận T. (TP.HCM). Đầu tháng 10, ban giám hiệu nhận sự phản ánh trực tiếp từ phụ huynh (PH) về việc giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 5/5 (tên là P.) cho học sinh (HS) làm bài kiểm tra toán quá nhiều. Trong một tháng, cô cho 7-8 bài kiểm tra, HS không thể làm hết các bài trong một tiết 45 phút nên các em đạt điểm dưới trung bình nhiều, làm cho PH lo lắng về sức học của con em mình. PH hiểu theo hướng cô làm thế là ngụ ý buộc các em học yếu phải đi học thêm ở nhà cô. Do đó, PH trong lớp nhờ ban đại diện cha mẹ HS thông tin đến hiệu trưởng nhà trường và có nguyện vọng xin đổi GV chủ nhiệm.
Cách giải quyết của hiệu trưởng
Sau khi ghi nhận sự phản ánh của PH, hiệu trưởng nhà trường xin có thêm thời gian để xác nhận thông tin và sẽ trao đổi lại với PH khi có kết quả. Riêng vấn đề PH lớp xin đổi GV chủ nhiệm, hiệu trưởng trả lời ngay rằng không thể giải quyết theo nguyện vọng đó.
Sau đó, hiệu trưởng mời tôi, là phó hiệu trưởng nhà trường cùng tham gia giải quyết sự việc. Ban giám hiệu xác định, đây là GV có kinh nghiệm dạy lớp 5 nhiều năm ở trường và chưa bao giờ dính nghi án hoặc bị kỷ luật về vi phạm dạy thêm - học thêm. Hiệu trưởng giao nhiệm vụ cho tôi mời cô P. xuống làm việc để nắm bắt thông tin, xem những vấn đề PH phản ánh có chính xác không.
Tôi mời cô P. xuống phòng làm việc, yêu cầu cô mang theo tất cả các bài kiểm tra của HS trong tháng (được HS lưu lại trong bìa đựng bài kiểm tra) và nghe cô trình bày về sự việc trên. Cô P. xác nhận là có cho HS làm toán theo các dạng đề kiểm tra, nhưng không phải là bài kiểm tra thường xuyên mà là bài củng cố, ôn tập kiến thức sau tiết toán chiều (tiết toán ôn tập trong buổi học thứ hai). Ý định của cô là cho HS làm quen với các dạng đề kiểm tra cuối năm, với số lượng câu và thời gian quy định khi đi thi, để các em không lo lắng khi thi cuối cấp - đơn giản thế, chứ không có ý định nào khác. Cô cho HS làm bài trên giấy đôi in sẵn (có đề chữ kiểm tra) nên có lẽ vì thế mà PH hiểu nhầm. Mặt khác, cô cho biết thêm, PH của những em học yếu yêu cầu cô đầu năm nên cho các em làm bài trong vòng 50 phút, rồi từ từ giảm xuống 45-40 phút, và cô cũng đã chiều theo ý kiến của họ.
Sau khi lắng nghe cô P. trình bày và xem qua các bài kiểm tra của HS trung bình và yếu, tôi đã trao đổi với cô P. ngay về ý kiến của mình. Thứ nhất, tôi ghi nhận việc làm của cô là tốt nhưng cô quá nóng vội khi cho HS làm quen sớm với các dạng đề kiểm tra cuối năm. Thời điểm đầu năm, GV nên tập trung ôn tập và rèn luyện từng dạng toán cơ bản cho HS. Sau khi tất cả HS hiểu tốt và vận dụng thành thạo (như phép chia số thập phân, các dạng tìm x, giải toán có lời văn) thì GV mới chuyển qua cho các em làm bài ôn tập dưới dạng đề tổng hợp. Thứ hai, GVchưa chú ý đến tính cá thể hóa trong giảng dạy. Trong 45 phút làm bài, với HS trung bình và yếu, GV chỉ yêu cầu các em làm 3/5 bài, HS khá giỏi thì làm hết, như vậy GV mới thật sự quan tâm đến tính vừa sức với HS, giúp cho những em trung bình, yếu tự tin hơn và ngày một tiến bộ. GV không thể cào bằng sức học của các em, rồi vội vàng cho điểm 1 - 2 vào vở mà không kèm theo lời nhận xét, đánh giá để PH hiểu thêm. PH nghĩ ngợi về việc cô buộc HS học thêm là có cơ sở. Thứ ba, đối với HS yếu môn toán thì GV chủ động mời PH lên gặp để trao đổi trực tiếp, phân tích cho họ hiểu và cùng thống nhất biện pháp hỗ trợ, giáo dục các em. Có như thế thì sự việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Và GV phải đảm bảo thời gian 1 tiết dạy là 45 phút, không có lý do phải thay đổi thời lượng theo lời đề nghị của PH, vô tình mình lại vi phạm quy chế chuyên môn. Tiếp theo, tôi trình bày lại toàn bộ sự việc với hiệu trưởng và cùng thầy thống nhất một số nội dung. Thầy mời PH để trao đổi rõ lại cách giảng dạy của GV để hai bên cùng hiểu và tiếp tục hợp tác vui vẻ trong thời gian tới. Và hiệu trưởng cũng đại diện ban giám hiệu xin ghi nhận những thiếu sót, sự nóng vội của GV đã khiến cho PH có sự hiểu lầm đáng tiếc và khẳng định một lần nữa, GV không có ý định cho HS làm bài tập nhiều với nhiều bài khó, chấm điểm thấp để buộc các em học thêm; nhà trường không thể đổi GV chủ nhiệm lớp theo nguyện vọng của PH vì bộ máy tổ chức của nhà trường đã được hoạch định chặt chẽ ngay từ đầu năm, không thể xáo trộn, gây ảnh hưởng không tốt trong tập thể sư phạm nhà trường. Đồng thời thầy hiệu trưởng cũng nói PH nên thẳng thắn trao đổi trực tiếp với GV chủ nhiệm khi có những sự việc xảy ra nhằm phối hợp kịp thời để giải quyết theo hướng tốt nhất cho HS.
Cuối cùng, thầy hiệu trưởng mời cô P. xuống trao đổi thêm một số ý kiến, và đề nghị cô, tốt nhất là đối với HS yếu nên phụ đạo ngay trong các tiết học. Và nếu được, sẵn sàng nhận dạy kèm cho các em đó không thu phí, để PH hiểu được tấm lòng của cô, tránh gây hiểu lầm đáng tiếc. Cô P. vui vẻ tiếp nhận các ý kiến đóng góp của ban giám hiệu, sẽ chấn chỉnh ngay và trình bày rõ quan điểm giảng dạy của mình cho PH biết trong đại hội cha mẹ HS sau đó. Kết quả, sau buổi họp PH đầu năm cho đến nay, bầu không khí của lớp 5/5, quan hệ giữa GV và PH luôn vui vẻ, tốt đẹp nhằm hướng tới kết quả tốt nhất cho tập thể HS trong năm học cuối cấp tiểu học.
Nhận xét
Theo tôi, cách giải quyết của thầy hiệu trưởng trong tình huống trên vừa đảm bảo tính nguyên tắc quản lý trong nhà trường, vừa thể hiện tính nhân văn trong hoạt động giáo dục. Người quản lý đã vận dụng học thuyết theo trường phái hành vi của bà Mary Parker Follett, quan tâm đến GV trong quá trình giải quyết vấn đề, sắp xếp gặp trực tiếp các đối tượng để nắm thông tin trước khi ra quyết định; đảm bảo sự phối hợp trong ban giám hiệu, giữa ban giám hiệu với GV trong tình huống cụ thể để nắm bắt vấn đề… Tóm lại, trong quá trình quản lý, người lãnh đạo phải hết sức sáng suốt, bình tĩnh, vững tin vào đồng nghiệp, nhân viên của mình. Phải tìm hiểu rõ tận tường mọi việc để đưa ra quyết định xử lý, giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất, mang đến niềm vui và sự thỏa mãn cho đôi bên…, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc quản lý hành chính trong nhà trường.
Nguyễn Minh Quân - Long Phụng Sơn