Thứ hai, 30/8/2010, 15h08

Diễn đàn Đổi mới phương pháp dạy học - Làm sao tránh đọc - chép?

Đọc - chép là cách dạy “an toàn” nhất

Tổ chức tiết dạy bằng cách chia HS theo tổ để thảo luận giúp lớp học luôn sôi nổi, hào hứng. Ảnh: P.N.Q

Từ trước đến giờ, cách dạy thầy đọc - trò chép là một phương pháp giảng dạy phổ biến trong trường phổ thông, được nhiều thế hệ giáo viên (GV) sử dụng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã chỉ ra những hệ quả không tốt từ việc đọc - chép. Thực chất có đúng như vậy?
1. Hiện nay, ở bậc THCS và THPT, nhiều GV đã bắt đầu biết rút tỉa những gì cần thiết của bài học để cho học sinh (HS) ghi chép, phần còn lại chủ yếu sử dụng phương pháp đàm thoại, phát vấn, nêu vấn đề làm tiết học thêm sinh động, phát huy được tính tích cực của HS. Không giống như bậc tiểu học, việc ghi nhớ kiến thức của HS bậc THCS và THPT đã được “nâng cấp” ở mức độ cao hơn, ngoài những bài học thuộc lòng các em có thêm kỹ năng phân tích, phán đoán, tổng hợp…
Do đó, cần phải nhìn nhận là sẽ không có những giờ dạy đạt chất lượng nếu người thầy chỉ biết ngồi một chỗ cầm sách đọc như đọc chính tả. Tuy nhiên, đối với các môn khoa học xã hội như lịch sử, địa lý, ngữ văn, GDCD… vẫn còn tình trạng thầy đọc - trò chép do lượng kiến thức nhiều. Vì vậy, chỉ cần đọc cho HS chép bài là GV đã làm tròn bổn phận đứng lớp của mình. Không vào lớp trễ - ra lớp sớm, GV vẫn đảm bảo 45 phút trong một tiết học; thầy “đi” hết chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT, trò chép bài đầy đủ không thiếu mục nào. Không ít HS than phiền sau một tiết học mỏi cả tay vì cầm bút chép bài như một người… thư ký.
Những tiết học này thường mang nặng chất hành chính, không chỉ có thầy mà trò cũng biến thành “cái máy” không hơn không kém. Giáo sư Trần Thanh Đạm từng khẳng định: “GV chỉ biết đọc cho HS chép từ đầu đến cuối là điều không thể chấp nhận được”. Chính vì thế mới xảy ra tình trạng thầy nói mặc thầy, trò có nghe hay không cũng mặc trò. HS có thể nhớ thuộc lòng nhưng không hiểu sâu kiến thức, không biết phân tích, phán đoán vấn đề.
2. Có một câu hỏi được đặt ra là: Đọc - chép là cách dạy không đem lại nhiều hiệu quả nhưng tại sao GV không chịu từ bỏ phương pháp đó? Trước hết chúng ta phải thấy rằng đây là cách dạy “an toàn” nhất, những kiến thức mà HS tiếp nhận từ GV không đến từ nơi khác mà có ngay trong sách giáo khoa theo kiểu “nói có sách, mách có chứng” nên chẳng ai dám bắt bẻ. Tâm lý của người dạy thường sợ mình không truyền thụ đủ, truyền thụ hết kiến thức cho HS nên chỉ còn cách “bấu víu” vào sách là chắc nhất. Ngoài ra, lý do mà nhiều GV ngại sử dụng phương pháp dạy mới là sợ mất thời gian và HS không đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu mà mình đưa ra. Trong khi đó, có người cho rằng chuyện đọc - chép không hề có tội, quan trọng ở chỗ là đọc như thế nào, lúc nào thì cần đọc - chép... Theo giáo sư Trần Thanh Đạm, GV có tài ứng khẩu có thể thoát ly giáo án để giảng bài cho HS nhưng có những đoạn cần thiết phải đọc cho HS chép. Việc đọc chép sẽ đem lại độ chính xác cao nhất là những câu trích dẫn đảm bảo đúng về mặt nội dung và cả ngữ pháp. Các định lý, công thức nếu không đọc - chép thì dễ dẫn đến chuyện “chữ tác đánh thành chữ tộ”. Nhất là những GV mới ra nghề, thiếu tài ứng khẩu thì họ phải bám sát bài giảng không dám thoát ly ra ngoài giáo án. Nhiều ý kiến cho rằng phải sau 10 năm đứng lớp GV mới có bản lĩnh thoát ra ngoài sách giáo khoa và giáo án của mình. Như vậy trong những năm đầu mới ra nghề, việc thầy đọc - trò chép vẫn có thể chấp nhận được và không có gì đáng phải phê bình. Khi đã thuộc giáo án, nhuần nhuyễn với bài giảng của mình, GV mới bỏ chuyện đọc - chép. Vì lúc đó kiến thức đã trở thành máu thịt nên việc đọc - chép không cần thiết, chính tự thân GV mang đến cho HS niềm hứng thú trong học tập bằng các phương pháp linh hoạt trong quá trình lên lớp.
Nguyễn Anh (Thủ Đức)

Cách dạy đọc - chép phù hợp với những GV luôn tự bằng lòng với những gì mình đã có, không muốn cải tiến đổi mới phương pháp, cứ dạy những gì thầy có chứ không phải dạy những gì trò cần.

Không phủ nhận hoàn toàn phương pháp dạy - học truyền thống
Theo tôi, cùng với việc đổi mới nội dung chương trình, cần phải tích cực đổi mới phương pháp dạy - học nhằm phát huy tính tích cực của HS trong học tập. Để đạt được mục tiêu nói trên, bản thân người GV cũng phải thường xuyên sáng tạo, rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy. Sự kết hợp các phương pháp dạy - học với ứng dụng CNTT sẽ giúp nâng cao hiệu quả của bài giảng.
Phương pháp dạy - học một chiều, thầy giảng, trò thụ động tiếp thu không còn phù hợp với những chuyển biến theo xu hướng hiện đại. Phương pháp dạy - học rất đa dạng, trong một tiết dạy, GV có thể áp dụng nhiều phương pháp. Vì ngoài việc truyền thụ kiến thức, người GV còn giúp HS rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng vận dụng tri thức vào cuộc sống, biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, có trình độ lý luận vững chắc để bảo vệ lẽ phải, cư xử hợp đạo lý, sống có trách nhiệm…
Song song với đổi mới phương pháp dạy - học, cũng phải đổi mới cách kiểm tra, đánh giá HS. Nội dung kiểm tra phải phù hợp với trọng tâm bài giảng trong lớp, nên có phần liên hệ thực tế, giải quyết tình huống và câu hỏi mở rộng để HS suy nghĩ, lập luận, trình bày quan điểm, tránh học vẹt.
Với những ưu điểm do CNTT mang lại, việc thiết kế bài giảng trình chiếu trên phần mềm: Power Point, Violet, Activboard đã tạo thuận lợi cho GV và HS tiếp cận thông tin, phim, ảnh, âm thanh sống động… Song vai trò của người thầy trong việc nắm bắt thông tin mới, sáng tạo trong giảng dạy, lựa chọn phương pháp dạy - học phù hợp có ý nghĩa quyết định sự thành công của một tiết dạy. Trong phương pháp dạy - học mới người thầy với tư cách là người hướng dẫn, trọng tài, đạo diễn… ở bên cạnh HS để tác động vào quá trình tự học của các em để đảm bảo cho tiết học dân chủ, sinh động.
Việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của HS không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn phương pháp dạy - học truyền thống. Trong tiết dạy có sự hỗ trợ của phương tiện nghe - nhìn hiện đại, cũng cần có sự kết hợp nhịp nhàng giữa bài giảng trình chiếu và phần viết bảng của GV. Bởi lẽ cho đến nay, sử dụng phấn trắng, bảng đen khi đứng lớp vẫn luôn là nét đẹp sư phạm của người GV.
Vũ Thị Bích Thúy (Trường THPT Bùi Thị Xuân)