Thứ hai, 14/12/2009, 15h12

Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp: Bằng cấp và bảng giá trị xã hội của Việt Nam

Ngày xưa các cụ đi học trước là để làm quan, sau là làm người. Điều đó còn chi phối đến tận bây giờ: Làm quan, làm người trên thực tế được coi là quan trọng hơn, có giá trị hơn làm việc.
Bằng cớ là vẫn làm việc như thế nhưng khi “làm quan” thì được tôn trọng hơn, được đánh giá cao hơn. Cách nghĩ này của xã hội làm lệch lạc động lực tiến thân của mỗi cá nhân. Lỗi này thuộc về bảng giá trị.

Thí sinh thi ĐH, CĐ 2009 trao đổi sau giờ thi (ảnh mang tính minh họa). Hàng năm có hàng trăm ngàn thí sinh đăng ký thi vào ĐH, điều này chứng tỏ xã hội vẫn còn nặng tư tưởng “làm thầy hơn làm thợ”. Ảnh: T.Tr

1. Một trong những căn bệnh trầm trọng của giáo dục - đào tạo Việt Nam trong mấy mươi năm qua vẫn tồn tại nạn “lạm phát” văn bằng. Còn một số nhận thức sai lầm về bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ: mục tiêu đào tạo tiến sĩ là tạo ra một đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học; bằng tiến sĩ không phải nhằm đào tạo nhà quản lý hoặc lãnh đạo. Nhà nước có suy nghĩ rất đơn giản: để phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải có một đội ngũ những nhà khoa học, cụ thể là đội ngũ của những người có học vị tiến sĩ.
Không biết từ bao giờ đã có một quan niệm sai lầm rằng bất cứ người làm trong ngành nào, kể cả quan chức và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, người có học vị càng cao càng “lãnh đạo” giỏi! Người thuần túy quản lý doanh nghiệp hoặc quản lý hành chính không cần văn bằng tiến sĩ. Dĩ nhiên có trường hợp một số quan chức hoặc lãnh đạo doanh nghiệp có bằng tiến sĩ. Đó là trường hợp những người đã có dự định theo con đường nghiên cứu hoặc giảng dạy ở đại học nhưng sau đó tìm thấy khả năng của mình ở lĩnh vực quản lý doanh nghiệp hoặc nhà nước.
Ở Nhật hay ở Mỹ người có bằng tiến sĩ khó tìm việc ở cơ quan hành chính nhà nước hoặc doanh nghiệp hơn là người chỉ có bằng đại học.
2. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ là một nước công nghiệp. Tuy nhiên, điều này đang bị coi nhẹ do sự thiếu ý thức về “bảng thang giá trị trong xã hội” và đã mang đến sự chậm chạp và thiếu năng lực trong công việc. Vô hình trung tạo nên một cái nhìn phản cảm trong con mắt của bạn bè quốc tế. Điều này đã trở thành một rào cản cho sự phát triển kinh tế.
Ngày xưa các cụ đi học là để làm quan, sau đó là làm người. Điều đó còn chi phối đến tận bây giờ: “làm quan”, làm người trên thực tế được coi là quan trọng hơn, có giá trị hơn làm việc. Khi còn “làm quan” thì được mọi người tôn trọng hơn và khi về hưu lại bị lãng quên. Khả năng của người làm quan không được quan tâm bằng chức vụ và bằng cấp.
Ở người Việt, những giá trị như cần cù, hiếu học, tôn trọng cộng đồng, gia đình, huyết thống... thường đứng đầu bảng trong các nấc thang đánh giá. Nhưng với phương Tây, tiêu biểu là người Mỹ thì những phẩm chất như sáng tạo, tự lực cánh sinh, tìm tòi suy nghĩ... lại là giá trị đầu bảng. Ở phương Tây, có những nhà khoa học còn rất trẻ nhưng đã đi thuyết giáo cho học thuyết mới của mình. Bảng giá trị ở đó chấp nhận rằng, bất kể bạn trẻ hay già, có bằng cấp cao hay thấp, nếu quan điểm mới của bạn đủ lý lẽ, có sức thuyết phục, không bắt bẻ được về mặt logic và về mặt thực tiễn... thì bạn đáng được đánh giá cao.
3. Vì thế hệ quả đối với phụ huynh:Để giúp cho con em được vào “trường tốt”, thay vì để con em tự thể hiện năng lực, phụ huynh đã tự mình dùng mọi biện pháp để đạt được mục tiêu thay cho con em. Để làm hài lòng phụ huynh, các bạn trẻ phải làm mọi cách để đạt được điểm cao ở trường… Các phụ huynh đã vô tình biến các em thành những con mọt sách, mà quên đi trách nhiệm lớn nhất là đào tạo con em mình: bản năng tự lập và sinh tồn, kỹ năng thích nghi mọi hoàn cảnh, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục… Đó là “bản lĩnh” để vào đời. Còn đối với nhà trường:Phương pháp đào tạo của Việt Nam cũng biến các em thành những con mọt sách.
Các em phải chạy theo kịp bài học và không có thì giờ để nghỉ ngơi, để tư duy… Các em chỉ là những chiếc máy “photocopier”, thiếu khả năng sáng tạo.
4. Năng lực của giới trẻ Việt Nam: Ưu điểm siêng năng, cần cù, chăm học. Vì vậy, việc thiếu nguồn nhân lực có tay nghề là điều khó chấp nhận. Hiện nay nguồn nhân lực phục vụ cho xã hội cần nhiều lao động trình độ trung cấp. Đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo tôi được biết rất nhiều nghề học trung cấp có giá còn cao hơn cả đại học và cùng có nhiều ngành nghề “hot” như: hàn G6, G8, hướng dẫn viên, quản lý nhà hàng khách sạn, dược, điều dưỡng, ngân hàng… Thậm chí hiện nay cánh cửa học liên thông mở ra cơ hội cho các em học trung cấp học lên đại học thậm chí cao hơn. Đây là cơ hội học suốt đời đối với nhiều học sinh. Vì vậy tôi khẳng định rằng học trung cấp là con đường song song đại học.
TS. Nguyễn Xuân Thu
(Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển GD Viễn Đông)
Ở người Việt, những giá trị như cần cù, hiếu học, tôn trọng cộng đồng, gia đình, huyết thống... thường đứng đầu bảng trong các nấc thang đánh giá. Nhưng với phương Tây, tiêu biểu là người Mỹ thì những phẩm chất như sáng tạo, tự lực cánh sinh, tìm tòi suy nghĩ... lại là giá trị đầu bảng.