Thứ hai, 2/9/2013, 16h09

Học sinh chán học văn: Lỗi do ai?

Một tiết học môn văn của HS THPT. Ảnh: Anh Khôi
“Khi học sinh học sử chán sử, học văn ghét văn là vì người dạy chứ không phải vì người học”, tôi đã đọc được dòng này trên một trang mạng có nhiều người tham gia…
Là một giáo viên (GV), được đào tạo chuyên ngành văn - sử, lâu nay, tôi chỉ đọc những bài viết có cùng đề tài chứ chưa một lần lên tiếng về vấn đề này. Thế nhưng hôm nay, khi đọc dòng này, tôi thực sự muốn trao đổi một vài điều.
Có người bạn nói với tôi, trên các diễn đàn Văn học đương đại, có rất nhiều những cây bút trẻ  tài ba, vậy sao người ta cứ nói, học sinh (HS) bây giờ ngại học văn, không giỏi văn?
Người ta kết luận như vậy có cơ sở đấy chứ vì đã có rất nhiều những diễn đàn công khai những bài văn không giống ai của HS, rồi những vụ lùm xùm từ những sai sót của người dạy. Chúng ta đã đọc truyện Thầy bói xem voi rồi. Cái gì cũng hãy nhìn một cách toàn diện rồi mới đưa ra nhận xét. Nếu chúng ta chỉ nói trách nhiệm việc HS chán văn - sử là do GV, nhận xét này có “oan” lắm đối với những người cầm phấn không? Đầu tiên, xin nói việc học văn.
Thứ nhất, về phía GV. Tôi không ủng hộ việc GV áp đặt cách cảm nhận tác phẩm văn chương cho HS. Hãy để các em cảm nhận theo cách của các em, GV chỉ nên đóng vai trò là người hướng dẫn, giúp các em khám phá hết cái hay cái đẹp của tác phẩm theo chiều hướng đúng. Bởi lẽ, không nên để các em tự do, đôi khi các em sẽ cảm nhận một cách lệch lạc… Thế nhưng, thực tế khi dự giờ, tôi đã thấy có rất nhiều tiết văn, GV cứ “gà”, “bắt” HS đi theo đúng hướng mà mình đã vẽ, dù rằng, cảm nhận văn học thì đâu thể nhất định 1+1 = 2. Cụ thể: Nếu như cô thấy câu thơ “Có đám mây mùa hạ. Vắt nửa mình sang thu” là hay nhất trong bài Sang thu thì em lại thích hai câu “Sấm cũng bớt bất ngờ. Trên hàng cây đứng tuổi”. Hai lí do mà cô và em đưa ra đều thuyết phục mà. Như vậy, rõ ràng, cảm nhận văn học không thể có công thức, nói như vậy cũng không có nghĩa để HS tự do thái quá trong tiết học!...
Tâm lý HS thường ngại học những môn xã hội nên đến với những môn học không đòi hỏi chủ động, cứ ngồi đó để lĩnh hội máy móc chứ ít phải  khám phá, tái hiện.
HS chán học văn, không thể phủ nhận nguyên nhân người dạy không lôi cuốn được các em. Tôi là GV, cũng từng đi học. Tôi thích những tiết học bắt đầu bằng một câu hỏi có tính đặt vấn đề, kích thích tâm thế khám phá. Tôi thích những giờ văn với những câu hỏi dẫn dắt hay, thích GV bình giảng thật lôi cuốn, thích kiểu vừa học vừa chơi… tiết học nhẹ nhàng nhưng khi hết tiết phải tiếc ngẩn ngơ. Tôi nhớ mình đã từng hóa thân vào nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ trong một tiết học ngoại khóa mà thầy giáo đã tổ chức. Thiết nghĩ, mô hình câu lạc bộ văn học trong nhà trường với từng chủ đề cho từng tháng, với những chương trình như: Chuyển thể tác phẩm văn học thành tiểu phẩm kịch, sân khấu hóa những tác phẩm dân gian, những bài viết hay sẽ được đọc trong chương trình phát thanh măng non của trường… sẽ kích thích phần nào hứng thú của các em với môn học.
Thứ hai, về phía HS. Thực tế, có rất ít HS đam mê văn học dù có năng khiếu văn chương. Các em lí lẽ rằng học những môn xã hội khó vào được các ngành nghề “hái ra tiền”. Rồi những em không có năng khiếu văn chương? Các em không chịu rèn luyện, cứ đổ lỗi: “Môn văn là môn năng khiếu, nó có khiếu nên giỏi, mình khô khan nên không học được văn!...”. Đúng là môn văn cần chút năng khiếu nhưng hãy nhớ “Sự thành công chỉ có 1% của năng khiếu và có tới 99% của rèn luyện”.
Các em học văn với một tâm thế miễn cưỡng nên kết quả không cao cũng không có gì lạ. Không chịu khó rèn luyện, lười đọc lười viết. Cảm nhận một tác phẩm mà các em học thuộc lòng những bài tham khảo trong sách học tốt. Tôi luôn nói với HS của mình: Sách đó là sách tham khảo, nó được gọi là bài văn mẫu có nghĩa đó là một trong những bài văn hay minh họa cho dạng văn mình đang học. Các em hãy đọc nhiều để tham khảo và sao không nghĩ, bài của mình cũng sẽ làm mẫu để các bạn trong lớp còn tham khảo!...
Là một GV có tuổi đời không bằng tuổi nghề của nhiều đồng nghiệp, tôi xin không dám lạm bàn về vấn đề này. Nhưng thiết nghĩ, môn học nào cũng vậy, hãy cố gắng kích thích hứng thú cho người học và theo chủ quan tôi, việc HS chán văn - sử có nguyên nhân từ hai phía. GV có, HS có (đó là không bàn đến sách giáo khoa và nhiều thứ khác không tiện nói ra…).
Nguyễn Thị Bích Nhàn
(GV Trường THCS và THPT Sơn Giang, Sông Hinh, Phú Yên)
Học sử cũng cần phải tư duy
Môn sử thì tôi chỉ dạy thay mỗi khi GV trong trường có việc nghỉ phép, thế nhưng cũng xin có vài dòng thế này: Học sử, đừng nên nghĩ cứ “vẹt” giỏi, học gạo giỏi là tốt. Tôi không tán thành. Việc học sử cũng cần phải tư duy, nếu không có một động cơ, một phương pháp học đúng đắn thì dù có “vẹt” giỏi tới đâu cũng công cốc. Học là để chiếm lĩnh tri thức, khám phá lịch sử không có nghĩa là thuộc lòng. Làm sao mà thuộc nằm lòng nổi mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đó là chưa kể đến lịch sử thế giới. Dạy sử, đâu có nghĩa thầy chép, trò ghi, dò bài là HS phải thuộc ro ro như vở. Hãy để HS khám phá lịch sử, chủ động lĩnh hội kiến thức lịch sử để thêm tự hào về lịch sử quật cường của dân tộc, để yêu thêm đất nước mình. Những câu chuyện lịch sử cũng làm cho giờ học sử thêm sinh động và giáo dục cho các em những bài học sâu sắc nữa. Hãy kích thích tư duy của người học sử bằng các câu hỏi tư duy, hãy giảm khô khan cho giờ sử bằng việc tích hợp những kiến thức liên môn…