Thứ sáu, 22/8/2014, 11h08

Sĩ số tăng, chất lượng giảm!

Còn chưa đầy hai tuần nữa, lễ khai giảng năm học 2014-2015 chính thức diễn ra trên cả nước. Tuy nhiên thời điểm này, không ít phụ huynh có con học mầm non và tiểu học vẫn đang lo sốt vó không biết con mình có tên trong danh sách được học bán trú hay không. Trong khi đó theo dự báo của nhiều đơn vị, số lượng lớp học 2 buổi/ngày năm nay có nguy cơ giảm. Vì sao?

Học bán trú cũng chờ xét duyệt

Mới đây, theo báo cáo tổng kết năm học 2013-2014 của Sở GD-ĐT TPHCM, tỷ lệ trẻ mầm non được học bán trú 2 buổi/ngày là 97%. Nhưng lên đến bậc tiểu học, chỉ còn 460 trên tổng số 498 trường có tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với tổng số 348.266 học sinh (chiếm tỷ lệ 63,9%). Hai bậc THCS và THPT còn ít hơn với 180/259 trường THCS và 78/188 trường THPT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đạt tỷ lệ chưa đến 45%.

Hiện nay, rất ít trường tiểu học hoàn thành được chỉ tiêu 35 học sinh/lớp theo quy định của điều lệ trường tiểu học.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, mặc dù hàng năm TP đều triển khai thêm hàng loạt dự án xây dựng trường, nhưng tốc độc xây chưa theo kịp đà tăng dân số. “Mặc dù chủ trương chung của Bộ GD-ĐT là tăng dần tỷ lệ các trường dạy học 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, nhưng với áp lực gia tăng học sinh hiện nay nên khó có thể làm được điều đó. Một số quận, huyện có tốc độ gia tăng dân số cao như Gò Vấp, Thủ Đức, 12… tỷ lệ trường bán trú còn có nguy cơ sụt giảm”, ông Sơn bày tỏ.

Đơn cử như quận Thủ Đức, năm học 2013-2014 chỉ có 16/24 trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Thủ Đức, cho biết: “Mặc dù năm học này quận có thêm Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây (phường Bình Chiểu) nhưng dự báo tỷ lệ học sinh học bán trú không thể quá 70%”. Đây cũng là lý do giải thích vì sao năm học này, nhiều trường phải tính đến phương án “hy sinh” lớp lớn để dành cơ sở vật chất cho lớp nhỏ được học bán trú.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Gò Vấp thừa nhận: Theo hướng dẫn của Phòng GD-ĐT, sau khi kết thúc tuyển sinh đầu cấp, các đơn vị căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, sĩ số học sinh để quyết định số lượng các lớp bán trú, lớp học 2 buổi/ngày. Nhưng với tình hình quá tải hiện nay, chúng tôi dự tính chỉ có thể tổ chức bán trú cho các khối 1, 2, 3, hai khối 4 và 5 phải chờ xem điều kiện phòng ốc có đảm bảo.

Đó là chưa kể nhiều nơi, theo phản ảnh của phụ huynh, học sinh nào muốn nộp đơn xin vào lớp bán trú phải chờ thứ tự xét duyệt ưu tiên của nhà trường. Phụ huynh có con đang học một trường THCS ở quận 5 bày tỏ: “Muốn con vào học bán trú, cả cha và mẹ đều phải là cán bộ công chức nhà nước. Nếu chỉ có cha hoặc mẹ là cán bộ công chức hoặc cả hai đều làm ở khu vực tư nhân thì cơ hội xét tuyển chỉ còn một nửa”.

“Lên ngôi” suất ăn công nghiệp

Sĩ số học sinh gia tăng, trong khi điều kiện phòng ốc không kịp “nở nồi” đã khiến nhiều đơn vị trường học phải tận dụng tối đa diện tích trường, lớp làm phòng học cho học sinh. Thống kê của Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm học 2013-2014 toàn TP chỉ có 251/498 trường tiểu học có tổ chức bếp ăn, 247 đơn vị còn lại phải hợp đồng với các công ty cung cấp suất ăn sẵn cho học sinh. Đơn cử như ở quận 4 và huyện Cần Giờ, mỗi nơi chỉ có 1 trường tổ chức bếp ăn ngay tại đơn vị, quận 12 có 2 trường, huyện Bình Chánh có 3 trường, hai quận 7 và Bình Thạnh có 4 trường…

Lãnh đạo một trường tiểu học cho biết, khi quyết định chọn đơn vị cung cấp suất ăn, nhà trường phải tìm hiểu rất kỹ về nguồn gốc, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Song trước tình hình vật giá leo thang hiện nay, các đơn vị lại đòi tăng giá gây khó cho nhà trường. Thực tế đã từng xảy ra nhiều trường hợp phụ huynh phản ảnh chất lượng bữa ăn của học sinh không đảm bảo, thức ăn có mùi ôi, thiu do quá trình bảo quản, vận chuyển không đúng cách, khiến bộ phận bán trú phải tìm đơn vị khác thay thế.

Qua đó cho thấy áp lực quá tải về mặt sĩ số đã khiến các trường dù “căng” mình ra hết sức cũng không thể đạt chất lượng chăm sóc học sinh tốt nhất. Thiếu hụt này chính là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của hàng rong, hàng bày bán thức ăn không đảm bảo chất lượng trước cổng trường. Trong khi đó, trên cùng địa bàn quận, có nơi học sinh được thụ hưởng bữa ăn bán trú khá tươm tất, có nơi các em phải tự túc, đặt cược sức khỏe của mình vào độ hên xui chất lượng phục vụ của các hàng quán trước cổng trường.

Thực tế này không chỉ đòi hỏi sự ra tay của riêng ngành giáo dục mà cần thêm nhiều sự chung tay, đóng góp của các ban, ngành, đoàn thể trong xã hội. Bởi mục tiêu chính của giáo dục không phải chỉ bao gồm những con số thống kê thành tích, tỷ lệ phần trăm học sinh xếp loại học lực khá, giỏi mà cần quan tâm nhiều hơn nữa đến những yếu tố mang tính chất lâu dài đến quá trình phát triển của các em như vóc dáng, thể trạng, tỷ lệ thấp còi, suy dinh dưỡng để có những biện pháp can thiệp kịp thời, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.

NGUYỄN QUÂN

(SGGP)