Thứ ba, 18/10/2011, 15h10

Thực hiện chương trình giảm tải: Sẽ có sự phân hóa học sinh?

Theo nhiều GV, một số bài được giảm tải nhưng liên quan đến kiến thức chung thì vẫn phải dạy. Ảnh: N.Anh

Hiện nay, vấn đề mà các trường phổ thông và trung tâm GDTX quan tâm nhất là thực hiện chương trình giảm tải các bộ môn mà Bộ GD-ĐT đưa ra.

Từ giữa tháng 9-2011, ngay khi tiếp thu sự chỉ đạo của Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh (TP.HCM), thầy Cao Quốc Lộc - Phó hiệu trưởng chuyên môn Trường THCS Phú Mỹ - đã triển khai chương trình giảm tải đến từng tổ bộ môn trong trường.
Giảm tải nhưng không dám bỏ
Theo đánh giá của thầy Lộc, chương trình giảm tải môn toán đã đưa những bài tập hóc búa (thường có dấu *) chuyển sang phần đọc thêm hoặc phần tham khảo. Tuy không đưa ra khỏi chương trình học nhưng phần nào cách giảm đó cũng làm HS (nhất là HS có học lực TB trở xuống) không cảm thấy “ngán ngẩm” nữa. Đầu tháng 10, Trung tâm GDTX Q.1 đã đưa kế hoạch thực hiện chương trình giảm tải của các môn lên “bàn nghị sự” tại cuộc họp toàn Hội đồng sư phạm. Thầy Vương Toàn Quốc - Phó giám đốc trung tâm - khẳng định: “Việc giảm tải chương trình phải được thống nhất trong từng tổ bộ môn. GV có thể điều chỉnh nội dung phù hợp với thời gian và đối tượng nhưng phải thông qua ý kiến của các nhóm bộ môn và có sự thống nhất chung”. Tuy nhiên, thầy Quốc cho biết thêm, có một số bài bỏ dạy trong chương trình giảm tải nhưng liên quan đến kiến thức chung thì vẫn phải dạy. Đồng quan điểm trên, cô Mai Thị Khánh Linh - GV Trường THPT Thanh Đa - cho biết mặc dù bộ môn sinh học khối 12 chỉ giảm hai bài (Quá trình hình thành đặc biệt thích nghi sinh vật và Tiến hóa lớn về chiều hướng chung của sinh giới) nhưng nếu bỏ hẳn thì sẽ bị “đứt mạch” kiến thức, vì thế GV phải giới thiệu cho HS biết. Nếu bỏ - theo cô Linh - thì bỏ một số đề mục, phần kiến thức không cần thiết như “Hình thức tiến hóa” của La-mác, “Chọn lọc tự nhiên” của Đác-uyn mà thôi. Trong khi đó, cô Trần Tuyết Thanh - tổ trưởng môn tiếng Anh Trường THCS Phú Mỹ - lại thắc mắc không hiểu vì sao chương trình hai khối đầu cấp giảm nhiều trong lúc đó khối 9 lại giảm rất ít. “Những bài giảm của khối 6 và 7 chủ yếu là phần nghe máy và băng cát-sét (bài 15), còn chương trình khối 9 thì chỉ giảm mấy câu hỏi nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến chương trình”, cô Thanh trao đổi. Đánh giá về chương trình giảm tải của bậc tiểu học, cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) đưa ra ý kiến: “Trừ môn tự nhiên xã hội và thủ công, còn lại các môn khác đều được áp dụng chương trình giảm tải. Cách điều chỉnh của các trường là không dạy đối với những bài quá khó, chưa cần thiết đối với HS…”. Tuy nhiên, cô Hà cũng thống nhất lại chủ trương: “GV không tự ý đưa các nội dung, bài học khác vào dạy để thay thế cho các bài, các phần đã giảm mà dùng thời gian còn lại đó để củng cố kiến thức và rèn luyện các kỹ năng cho HS. Nếu được thì tổ chức cho các em tham gia các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp sẽ bổ ích hơn”.
Không giảm tải chương trình nâng cao
Khi đề cập đến chương trình giảm tải, cô Nghiêm Thị Xoa - GV Trường THPT Thanh Đa - tâm tư: “Biết đó là những nội dung trùng lắp cần phải bỏ vì HS đã được học ở lớp dưới. Tuy nhiên do đầu vào kém nên nhiều HS lên lớp 10 đã quên hết kiến thức của THCS. Vì thế nói là bỏ nhưng thầy cô vẫn phải nhắc lại cho các em nhớ để vận dụng vào công thức hay làm bài tập như kiến thức về phương trình bậc 2”. Theo cô Xoa, có khi GV còn dạy lại cả cách tính 4 phép cộng trừ nhân chia vì các em có thói quen lệ thuộc vào máy tính cầm tay.
Dù phải thực hiện đúng theo chủ trương của Bộ GD-ĐT về chương trình giảm tải, nhưng cô Nguyễn Thị Tuất - tổ trưởng bộ môn ngữ văn Trường THCS Phú Mỹ - tiếc rẻ khi chương trình bỏ mất một vài bài được coi là quan trọng không nên bỏ. Theo cô Tuất, bài “Con Rồng cháu Tiên” (khối 6) được xây dựng với nhiều kiến thức hay mà lại có ý nghĩa giáo dục về cội nguồn truyền thống dân tộc. “Không biết thế nào mà những người biên soạn chương trình lại cắt bỏ một cách uổng phí? Chúng tôi cũng không hiểu lý do vì sao?”, cô Tuất thở dài nói.
Nhiều GV còn lo lắng khi chương trình văn khối 9 không có bài dạy về kỹ năng viết văn nghị luận xã hội. Trong lúc đó lý thuyết Kể chuyện không những không nằm trong giới hạn và cấu trúc đề thi mà còn trùng lắp với kiến thức lớp dưới thì vẫn chiếm tỷ lệ quá cao trong chương trình. Cũng có ý kiến là tổ chuyên môn nên thống nhất đưa phần Nghị luận xã hội vào dạy thay thế cho các tiết Kể chuyện nhưng trong thực tế thì không trường nào dám làm chuyện “vượt rào” đó. Vì thế đây là vấn đề mà nhiều năm nay các trường vẫn chưa tìm cho mình được một “lối thoát” thích hợp.
Trong lúc “phong trào” giảm tải đang lan rộng trong chương trình cơ bản thì các trường dạy chương trình nâng cao vẫn “lặng im như tờ” vì không hề có một chủ trương nào hết. Đây chính là điều băn khoăn của các thầy cô dạy ở các trường chuyên và các trường có chương trình nâng cao. Theo thầy Nguyễn Minh Tân - GV tiếng Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) - hình như chương trình nâng cao không được ai quan tâm về chuyện giảm tải. “Chính sự giảm tải trong chương trình cơ bản đã làm phân hóa rõ hơn giữa hai đối tượng HS. Trong cái hay chắc chắn cũng sẽ có cái dở khi hai chương trình có sự cách biệt quá xa. Cứ đặt giả thiết là chương trình nâng cao không quá tải nhưng điều đó không có nghĩa là không có bất hợp lý. Tốt nhất nên lấy ý kiến của GV (người trực tiếp đứng lớp) để xem có chỗ nào bất hợp lý hay vẫn đang còn quá tải không?”, thầy Tân bức xúc.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang

“Đặt giả thiết chương trình nâng cao không quá tải nhưng không có nghĩa là không có bất hợp lý. Nên lấy ý kiến của người trực tiếp đứng lớp để xem có chỗ nào bất hợp lý hay có quá tải không?”, thầy Nguyễn Minh Tân - GV tiếng Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nêu ý kiến.