Thứ tư, 15/2/2012, 17h02

Thúy Kiều quyết định nghe lời Bạc bà, đúng hay sai?

Sống trên đời, ai cũng phải tự mình đưa ra những quyết định. Nhỏ có đến hàng trăm, hàng ngàn. Lớn, nhiều khi số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có quyết định dẫn đến ấm no, hạnh phúc. Có những quyết định “nhắm mắt đưa chân”. Có quyết định, nghĩ lại chỉ thấy hối tiếc, “muốn quay đầu lại đã trăm năm”. Thúy Kiều có bảy lần quyết định cho đời mình. Bán mình chuộc cha là quyết định người đời ngợi khen. Tự tử tại lầu xanh trước mặt Tú bà là quyết định của tấm lòng trong trắng không chịu ô nhục. Nghe lời Sở Khanh chạy trốn là sự nhầm lẫn nhưng đáng thương. Quyết định lấy Thúc sinh cũng có điều dễ thông cảm. Nay quyết định nghe theo lời Bạc bà, đúng hay sai? Sau đấy, Thúy Kiều còn quyết định: Khuyên Từ Hải ra hàng và không chịu nên duyên chồng vợ với Kim Trọng lúc tái hồi.
Hoàn cảnh nào Thúy Kiều quyết định nghe lời Bạc bà? Nguyễn Du đã khéo léo đưa vào tình huống bị bắt buộc. Thúy Kiều ở thế không quyền lựa chọn: Nghĩ mình đúng đất sẩy chân! Mụ Bạc kia lại là tay xảo quyệt lắm mưu mô. Mụ thấy nàng mặn phấn tươi son (không cần tô điểm son phấn mà vẫn đẹp), bụng đã mừng thầm được món bán buôn có lời. Kiều đâu có hiểu Bạc bà học với Tú bà đồng môn!
Nếu Tú bà bày ra kế đà đao để Kiều theo Sở khanh rồi ép buộc Kiều phải tiếp khách, Bạc bà cũng cao tay không kém. Mụ liền giở trò dọa nạt Thúy Kiều. Mụ biết rõ Kiều đang sợ Hoạn thư truy bắt về tội ăn cắp chuông vàng khánh bạc. Kiều đang lớn sợ (Nàng đà lớn sợ rụng rời lắm phen!). Thông thường ngôn ngữ bình dân có các từ: Sợ quá, sợ lắm… còn cụ Nguyễn cho Kiều một khối sợ cứ như to ra, sờ sờ trông thấy. Một chữ lớn sợ mà lại lắm phen, đủ biết Kiều đang hãi hùng, lo sợ cho thân phận thế nào! Nhằm vào điểm yếu ấy mụ Bạc đã xoáy sâu, mụ tìm lời hung hiểm dọa nạt, uy hiếp Kiều, bắt Kiều phải nên duyên Châu Trần với cháu mụ!
Lí lẽ của mụ Bạc vừa tung những vòng vây dọa nạt, vừa thắt gút mỗi lúc càng chặt thêm. Trước hết, mụ nhắc đến tấm thân lưu lạc không nơi nương tựa của Thúy Kiều. Kiều chỉ có một thân lại ở muôn trùng xa lạ (muôn dặm một thân). Đã cô thế lại mang tiếng không tốt việc dữgần việc lành còn xa (dữ gần lành xa). Đã mang tiếng xấu lại có thể xảy ra việc tày đình, ai còn dám chứa Thúy Kiều!
Chỉ còn có cách là kiếm chốn xe dây… Mà chốn ấy là nơi nào? Mụ phân tích:  Nơi gần thì chẳng tiện nơi, mà nơi xa nhưng ta lại có người chẳng xa. Và sau đấy là chân dung thằng cháu của Bạc bà, Bạc Hạnh: Này chàng Bạc Hạnh cháu nhà/ Cũng trong thân thích ruột rà chẳng ai/ Cửa hàng buôn bán Châu Thai/ Thiệt thà có một đơn sai chẳng hề…
Một người cháu có lai lịch như vậy làm sao Thúy Kiều có thể từ chối. Nào là thân thích ruột rà, nào là làm ăn buôn bán ở nơi xa (Châu Thai), nào là tính tình thật thà, trung thực. Theo mụ tìm người thật thà thì chỉ có Bạc Hạnh, bởi cái con người mà đức hạnh lại bạc bẽo, phản bội ấy chưa bao giờ có điều sai hẹn, chưa bao giờ thất hứa!
Nếu ở người khác nghe mụ Bạc nói vậy đã bằng lòng ngay, nhưng Thúy Kiều như con chim đã bị bắn sợ cành cong. Nàng do dự: Biết người, biết mặt biết lòng làm sao? Kiều đã suy nghĩ đúng như lời tiền nhân nói: Họa hổ, họa bì nam họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm…
Nhưng biết làm sao được. Trời đã dành cho Thúy Kiều một kiếp số như vậy. Thôi đành, kèo nài thêm một tý: Hãy thề thốt trước trời đất lòng thành không bỏ nhau. Bài sau ta sẽ thấy Bạc Hạnh thề…
Lê Xuân Lít