Thứ ba, 26/8/2014, 22h08

Giảm lý thuyết để phát huy tính sáng tạo

Một tiết dạy học theo dự án của Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1) đã giúp HS được trải nghiệm thực tế
Đổi mới chương trình sách khoa (SGK) là một trong những mục tiêu hàng đầu của quá trình đổi mới giáo dục. Những năm gần đây, nhiều giáo viên (GV) trên địa bàn TP.HCM đã chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy qua việc tăng thực hành, giảm lý thuyết để học sinh (HS) tiếp nhận tri thức dễ dàng, sâu sắc hơn.
Chương trình mang tính hàn lâm
Theo đánh giá của nhiều GV, chương trình SGK hiện nay còn nặng lý thuyết, thời lượng chỉ có 45 phút/tiết nên việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn.
Cô Lê Thị Chín, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền (Q.7), cho biết: “Một trong những điểm hạn chế tồn tại lâu năm trong nền giáo dục nước nhà, theo nhiều chuyên gia về giáo dục đã nhận định, là chương trình hiện hành về cơ bản vẫn tiếp cận theo hướng nội dung chạy theo khối lượng kiến thức, còn nặng tính hàn lâm. Sau khi cải cách, chương trình bước đầu chú ý đến 3 phương diện: Kiến thức, kỹ năng và thái độ nhưng vẫn là những yêu cầu rời rạc, riêng lẻ, chưa liên kết, thống nhất và vận dụng tổng hợp thành năng lực hành động, năng lực thực hiện gắn với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng bị cắt khúc theo kiểu cấp trên - cấp dưới, các môn không liên thông nên kiến thức bị thừa mà thiếu. Mục tiêu giáo dục hiện nay theo hướng toàn diện, HS như nhau nên không chú ý đến tính phân hóa, dẫn tới nặng về chương trình”.
Mới đây, trong chuyên mục “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” của Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận điều này khi trả lời câu hỏi của một người dân về đổi mới chương trình SGK. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: Chương trình SGK còn nặng về lý thuyết làm cho kiến thức dạy và học trong trường phổ thông mang tính hàn lâm, không gần với cuộc sống nên HS không thể tự học là điều dễ hiểu. Điều này đã hạn chế tính sáng tạo - vốn là một đặc trưng rất quan trọng của HS. Vì thế, nghị quyết 29 đã đi đến một quyết định chiến lược là chúng ta phải chuyển giáo dục từ sự chú trọng kiến thức một chiều sang nền giáo dục phát triển năng lực và phẩm chất, kiến thức, tri thức. Việc truyền thụ kiến thức cho HS trước đây được coi là nhiệm vụ số 1 của nhà trường thì nay việc truyền thụ kiến thức đó là mục tiêu trung gian, thậm chí được coi là một công cụ giúp HS từng bước phát triển, bộc lộ, củng cố và nâng cao kỹ năng phẩm chất”.
Gắn bài học với thực tiễn
Mục tiêu giáo dục hiện nay theo hướng toàn diện, HS như nhau nên không chú ý đến tính phân hóa, dẫn tới nặng về chương trình.
Đổi mới chương trình SGK là một vấn đề cần thiết để giảm tính hàn lâm, tăng cường tính thực tiễn, khả năng nghiên cứu sáng tạo của HS. Vậy nhưng, để thực hiện điều này phải có một quá trình. Và trong khi chờ những tín hiệu đổi mới tích cực từ Bộ GD-ĐT, nhiều GV cần phải tự tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy để tăng cường tính sáng tạo của HS nhưng vẫn đảm bảo những kiến thức cần truyền đạt là vấn đề cấp bách hiện nay.
Cô Trần Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường TH Trần Quốc Toản (Q.7), chia sẻ: “GV cần phải có một phương pháp dạy tốt, gây hứng thú, hấp dẫn và phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS; đồng thời phải hướng dẫn HS cách học, tự chiếm lĩnh tri thức… Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trên diện rộng, lấy HS làm trung tâm, theo tinh thần phát huy tính chủ động, độc lập, sáng tạo của người học. Đồng thời sử dụng các phương pháp đánh giá kết quả học tập hợp lý, đúng năng lực. Qua đó, giúp HS tự tin, rèn luyện cho người học tính chủ động, sáng tạo, có khả năng tư duy độc lập, biết làm chủ quá trình học tập ở lớp cũng như ở nhà”.
Thực tế, nhiều GV trên địa bàn thành phố cũng đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý thuyết với thực hành qua những tiết dạy học theo dự án, dạy học liên môn. Chẳng hạn, dự án Học văn để sống - sống để yêu thương của cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, GV Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (Q.7), được thực hiện trong hai năm trở lại đây đã đưa HS trực tiếp tiếp xúc với những mảnh đời khác nhau trong xã hội và để các em kể lại những điều mà chính mình cảm nhận thông qua các lời bình; từ đó tự rèn luyện kỹ năng tạo lập văn bản, phân tích, giải quyết vấn đề… Hay phương pháp giảng dạy của cô Tô Thụy Diễm Quyên, GV Trường THCS Đức Trí (Q.1), thu hút HS bằng những phương pháp giảng dạy độc đáo như sử dụng CNTT để giảng bài, đưa HS thực địa trên đồng ruộng để học kiến thức…
Bài, ảnh: Dương Bình
Còn tình trạng GV đòi hỏi HS nhớ thật nhiều
Mặc dù GV đã có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy học nhưng theo một số vị hiệu trưởng, các GV này chủ yếu là những người trẻ, nhiệt huyết với nghề. Một vị hiệu trưởng (xin được giấu tên) thừa nhận: “Hiện vẫn còn một số GV chưa thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, dạy học còn chú trọng truyền đạt thật nhiều kiến thức và đòi hỏi HS phải nhớ thật nhiều, dạy khô khan, thiếu sự liên hệ thực tiễn. Một số GV lớn tuổi còn bảo thủ trong phương pháp dạy học…”.