Thứ tư, 23/6/2010, 14h06

"Ngàn vàng" sinh ra đã quý

Tuy mai một khá nhiều nhưng màng trinh vẫn còn nguyên giá trị “ngàn vàng”. Không tính việc chủ nhân có ý thức bảo vệ “ngàn vàng” lúc lớn không hay không? Chuyện cần bàn là màng trinh có từ lúc mới sinh nên nếu đặt vấn đề gìn giữ thì rõ ràng phải bắt đầu từ rất sớm.
“Kiếp hồng nhan” của tấm màng tự nhiên này khá đa đoan. Chủ nhân chỉ cảm nhận giá trị đích thực của nó khi đủ trưởng thành, trong khi cả quãng thời gian dài trước đó nó chẳng ra “gờram” gì với phần lớn bé gái. Tình cảnh giống một cô bé có một thỏi vàng và mang ra... thảy lò cò, đến khi đủ hiểu biết mới giật mình với sự khinh xuất của mình.
Muộn nhưng giữ được tài sản là còn hên, nhiều trường hợp không may như thế. Bằng sự tò mò, không khó đoán cách mà nhiều bé gái đối xử thô bạo với “thỏi vàng”: ngón tay, que củi, thậm chí qua tay của… “người khác phái” đồng lứa.
Những bé gái hay chạy nhảy thì “cái ngàn vàng” thọ nạn theo các động tác xoạc chân, trèo tường, leo cây hết biên độ. Nhiều tân nương, từng là những bé gái khinh suất ngày xưa, đến tận đêm tân hôn mới biết mình không còn con gái mà không hiểu tại sao.
Phụ huynh, mặc nhiên là người “giữ của” gần như duy nhất cho con gái. Thế nhưng vì nhiều lý do tế nhị, chủ quan, coi thường, không phải ông bố bà mẹ nào cũng đủ quan tâm đến chức trách của mình. Nhiều người sẵn sàng sừng sộ nếu ai đó đề nghị với họ chỉ dẫn con gái về màng trinh, dù ở mức sơ sài nhất là gieo cho trẻ một khái niệm gìn giữ, cẩn thận, không cần giải thích gì thêm.
Nhiều người từ chối còn vì cảnh giác… “vẽ đường hươu chạy”. Cái lý cẩn tắc này không phải vô lý, bởi tâm lý cắc cớ của nhiều đứa trẻ: không nói thì thôi hễ đe nẹt, hăm he cái gì thì y như rằng đương sự bập ngay vào cái đó. Tuy nhiên đừng quên, nếu không cần giải thích hay nhấn mạnh, thì với một bé gái, vùng kín và màng trinh cũng “tầm thường” như cái rốn, hốc mũi trên cơ thể chúng. Thành công ở đây là thuyết phục được trẻ làm người giữ kho báu mà không cần chi tiết với trẻ trong hang có vàng bạc châu báu gì.
Thật ra, không chỉ các bé gái mà nhiều thiếu nữ, thậm chí sinh viên đại học, lắm khi còn nghĩ và làm với “thỏi vàng” của mình một cách toát mồ hột (không kể những trường hợp ăn cơm trước kẻng). Có cô gái trẻ giật mình nhớ lại lần ngã xe thời niên thiếu, lo lắng cho chiếc then cài, nên tự kiểm tra thực hư, có được “bằng chứng” bết trên ngón tay, cô mừng rỡ thở phào: “mình vẫn còn màng trinh”.
Một cô sinh viên đến phòng khám tư khám phụ khoa. Bác sĩ hỏi: “Có gia đình chưa?” - trả lời “Chưa”. Hỏi “Có bạn trai chưa?” - trả lời “Có”. Hỏi “Có gì với bạn trai chưa? (ý hỏi chuyện ấy) - nữ bệnh nhân thật thà nghĩ bác sĩ quan tâm chuyện… cưới hỏi nên đỏ mặt gật đầu “Rồi”. Thế là vị bác sĩ yên tâm ghi toa thuốc đạn cho bệnh nhân về dùng
Nhiều cô tuy có ý thức gìn giữ tài sản riêng nhưng sau một thời gian dài mắc tật “tự biên tự diễn”, đến khi hiểu ra mới bấn lên lo cho tồn nguy “chiếc then cài” với hy vọng mong manh “chơi bóng đá trong viện bảo tàng đồ gốm cổ mong không có chiếc bình nào vỡ”. Những cô nghĩ đi xa hơn nhưng cũng chỉ choàng tỉnh sau buổi hẹn hò với anh bạn trai táy máy tay chân.
Màng trinh, gần như vô tích sự về mặt tự nhiên, nhưng lại “vô giá” về mặt xã hội (ít ra đến khi chủ nhân lập gia đình). Quý tất cần gìn giữ, thế nhưng trong nhiều trường hợp chúng ta lại bỏ trống cả một khoảng thời gian dài không trông coi. Chúng ta, chỉ người lớn, bởi bản thân các “chủ nhân ông” hầu như không có khái niệm biết trong nhà có vàng chứ đừng nói bảo vệ nó.
Theo BS. Đỗ Minh Tuấn
SK&ĐS