Thứ hai, 29/9/2014, 09h09

Hoại tử chỏm xương đùi

X quang chỏm xương đùi trái bị hoại tử
Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là bệnh lý thường gặp ở độ tuổi từ 25-45. Nếu không được phát hiện sớm, bệnh nhân phải thay khớp háng nhân tạo.
Bệnh thường gặp ở tuổi 25-45
Cách đây gần một năm, việc đi lại, sinh hoạt của anh Nguyễn Văn Chiến (37 tuổi, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trở nên khó khăn hơn vì cả vùng đùi trái anh đau nhức kinh khủng. Ban đầu anh còn đi bộ được vài chục mét trên đường gồ ghề, cầu thang hoặc leo dốc nhưng gần đây anh không thể tự đi, dù chỉ vài bước chân. Kinh tế gia đình có phần khó khăn nên anh Chiến không đi khám chuyên khoa mà chỉ đi bệnh viện tuyến huyện. Với gần chục toa thuốc nhưng bệnh tình không thuyên giảm mà còn nặng hơn.
Anh Chiến kể, nhấc từng bước nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng cảm nhận rất rõ như có kim đâm đau nhói trong đùi mỗi khi bàn chân tiếp đất. Cắn răng đi được vài bước phải tìm một chỗ ngồi nghỉ nhưng khi đứng dậy đi tiếp thì bị mất thăng bằng vì chân trái không thể trụ được. Quá lo lắng, mới đây, người thân đưa anh đến khám và chụp hình tại Bệnh viện Sài Gòn ITO. Qua phân tích phim X quang, BS kết luận anh đã bị hoại tử chỏm xương đùi (hay còn gọi hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi) trái ở giai đoạn cuối. Anh Chiến cho biết thêm, hơn 20 năm nay anh sống bằng công việc bán hàng nước ở nhà, cũng không hề bị tai nạn hay chấn thương gì liên quan đến chân, đùi.
Một trường hợp khác cũng với triệu chứng đau nhức ở vùng đùi khi bước nhưng bệnh nhân Trần Văn Minh (41 tuổi, KP.2, P.Tân Kiển, Q.7, TP.HCM) cứ nghĩ rằng do căng cơ khi làm việc nặng. Tuy nhiên, dù đã nghỉ ngơi, tập thể dục đều đặn nhưng vẫn đi lại với bước chân “cà nhắc” và thường xuyên bị quỵ xuống bất ngờ vì quá đau. Nặng hơn anh Chiến, cả hai chỏm xương đùi trái và phải của anh Minh đều bị hoại tử. Theo lời anh Minh, BS Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cho biết chỏm xương đùi phải của anh bị hoại tử nặng và chỏm xương đùi trái đang có dấu hiệu hoại tử vì tắc nghẽn mạch nuôi dưỡng, mắc bệnh rối loạn đông máu. Từ khi phát hiện bệnh đến nay, dù chỉ quẩn quanh trong nhà nhưng anh phải nhờ đến khung trợ đỡ hoặc người thân dìu.
BS. Nguyễn Thanh Phong, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM cho biết có nhiều nguyên nhân gây bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là do tắc nghẽn, mất mạch nuôi dưỡng khi bị gãy cổ xương đùi di lệch hoặc trật khớp háng, bị nhiễm độc... Trong đó có những cơ chế gây hoại tử mà bệnh nhân không hề hay biết như tắc mạch do cục máu đông, bệnh hồng cầu hình liềm hoặc rối loạn đông máu.
Giai đoạn cuối: Thay khớp
Tuy nhiên, theo BS. Phong, nhiều trường hợp khi phát hiện ra bệnh thì đã ở giai đoạn cuối vì triệu chứng lâm sàng không rõ ràng. Theo đó, triệu chứng lâm sàng rõ ràng hay không còn tùy vào bệnh nhân bị nghẽn mạch nuôi dưỡng gây ra vùng nhồi máu thuộc diện khớp hay không. Khi mạch nuôi dưỡng bị giảm (hoặc tắc nghẽn) vài giờ thì tủy và tế bào xương sẽ chết dần. Giai đoạn này, bệnh lý chỉ hoại tử xương ở chỏm xương đùi. Nhưng một thời gian sau, khi dịch khớp không còn để nuôi dưỡng bè xương và sụn chỏm xương đùi sẽ gây sụp chỏm, dẫn đến giai đoạn thoái hóa tiến triển, lúc này giữa mặt chỏm và sụn không còn chịu được lực tỳ (bám) lên nhau mà phải chịu lực tỳ bất thường nên bệnh nhân đi lại rất khó khăn.
Cũng theo BS. Phong, nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân có thể phục hồi hoặc kéo dài thời gian hoại tử bằng phương pháp điều trị không phẫu thuật như phòng tránh các yếu tố nguy cơ (hạn chế làm việc nặng, không uống rượu bia, hút thuốc lá...), điều trị bằng thuốc... Nhưng với những bệnh nhân hoại tử vô khuẩn ở giai đoạn cuối thì bắt buộc phải điều trị phẫu thuật như đục, ghép xương... Trường hợp bệnh nhân bị hoại tử quá nặng phải thay khớp háng nhân tạo. Chi phí phẫu thuật thay khớp nhân tạo hiện nay khá cao, ngoài 100 triệu đồng nhưng vận động tốt được bao lâu thì còn tùy thuộc vào chế độ sinh hoạt của người đó.
Bài, ảnh: Trần Anh
Ngoài các cơ chế gây hoại tử nói trên, BS. Phong còn cho biết những người uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, người có lượng mỡ trong máu cao, bị gút cũng có nguy cơ mắc chứng bệnh hoại tử chỏm xương đùi. Bệnh lý thường gặp ở độ tuổi từ 25-45 và tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới thường cao hơn nữ giới.