Thứ năm, 30/10/2014, 20h10

Chuyện về “ông vua nhạc sến” Vinh Sử

Nhạc sĩ Vinh Sử trong căn nhà nhỏ ở quận 7
Sở hữu một gia tài âm nhạc với rất nhiều ca khúc được khán giả yêu thích như “ông vua nhạc sến” Vinh Sử là ước mong của biết bao người theo đuổi con đường sáng tác. Giờ đây ở tuổi 71, ông đang phải ngày đêm chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo.
Nhạc sĩ của người bình dân
Nhẫn cỏ cho em, Mưa bụi, Qua ngõ nhà ai, Không giờ rồi, Nhành cây trứng cá, Chuyến xe lam chiều… là những ca khúc của nhạc sĩ Vinh Sử đã ghi dấu ấn trong lòng người yêu nhạc. Cho đến giờ, ông cũng không nhớ rõ là mình đã sáng tác được bao nhiêu ca khúc. Âm nhạc của ông không khoa trương mà gần gũi, gắn bó với tầng lớp bình dân. Thấp thoáng trong những sáng tác ấy là bao cuộc tình buồn nhuộm màu ly biệt cũng bởi cảnh nghèo đưa lại. Ngồi giữa căn phòng chật hẹp, ông chậm rãi kể về những ngày tháng hoàng kim của mình khi hầu hết các tác phẩm đều được công chúng đón nhận, đặc biệt là tầng lớp bình dân. Ông bảo mỗi bài hát đều được viết lên từ những kỉ niệm thời ông còn cắp sách đến trường cho đến lúc ông lận đận trên đường đời, đường tình.
Nhạc sĩ Vinh Sử đến với âm nhạc như đã có mối lương duyên từ kiếp nào. “Thời gian tôi theo học ở Trường Nguyễn Văn Khuê, con đường tôi đến trường thường đi qua đường Hồ Văn Ngà (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm) - một con đường nổi tiếng với nhiều tiệm bán đàn và dạy nhạc. Tôi chọn tiệm đàn Phùng Đinh là nơi để tập tành học những nốt nhạc đầu tiên. Rồi tôi thi vào Trường Quốc gia Âm nhạc. Tuổi trẻ ham chơi, tôi bị đuổi học. Một thời gian sau, con đường sáng tác của tôi bắt đầu”, nhạc sĩ Vinh Sử chia sẻ. Nhắc về thời hoàng kim của dòng nhạc mà mình theo đuổi, nhạc sĩ Vinh Sử không giấu được niềm tự hào: “Có niềm vui nào hơn khi những đứa con tinh thần của mình ra đời đều được công chúng đón nhận. Tôi còn nhớ ca khúc Vòng nhẫn cưới, Chuyến xe lam chiều bán được hơn 200 ngàn bản/ tháng, Trả nhẫn kim cương, Yêu người chung vách,  Nhẫn cỏ cho em bán được 500 ngàn bản/ tháng… Tôi đã sống dư dả với nghề của mình vì thời đó, tiền tác quyền cũng khá cao”.
Đấu tranh với bệnh tật
Chất phóng khoáng và đầy kiêu bạc dường như vẫn còn đâu đó trong tâm hồn nhạc sĩ Vinh Sử dù cho những năm gần đây, ông gặp phải nhiều chuyện không may. Đời sống kinh tế sa sút, ông sống lặng lẽ trong một hẻm lao động nghèo ở quận 7, TP.HCM. Căn nhà nhỏ vỏn vẹn 5m2, ông được người ta thương tình nên cho mua trả góp dần dần để không phải nay đây mai đó đi thuê trọ nữa. Hầu như không có đồ đạc nào giá trị, chỉ có vài vật dụng sinh hoạt đơn giản, cây đàn guitar treo cạnh chỗ ông nằm, vài xấp bản thảo đang viết dở nhưng những cơn đau hành hạ nên đành gác lại. Chiếc nệm cũng là do vợ chồng ca sĩ Giao Linh trong một lần đến thăm thấy nhạc sĩ nằm dưới đất nên đã mua tặng.
Ba năm chiến đấu với căn bệnh ung thư trực tràng, nhạc sĩ Vinh Sử bảo mình may mắn khi vẫn còn nhiều khán giả, nghệ sĩ nhớ đến. Những đêm nhạc được tổ chức để gây quỹ tặng ông chữa bệnh đều được người yêu nhạc ủng hộ. Trong những ngày ông nằm trên giường bệnh, người vợ cũ là bà Nguyễn Ngọc Lệ cũng đã quay về để chăm sóc ông. Niềm cô đơn tuổi già cũng vơi đi khi có bà sát cánh, chia sẻ những muộn phiền, đớn đau. “Các con tôi cũng chẳng khá giả gì nên tôi không muốn phiền lụy chúng. Cuộc sống hiện tại có bão táp nào ập đến thì cũng phải học cách chấp nhận thôi. Tôi chưa từng tiếc nuối những hào quang trong quá khứ bởi mình đã sống, đã sáng tác bằng trọn trái tim của mình”, nhạc sĩ Vinh Sử bộc bạch chân tình.
Những ngày này, nhạc sĩ Vinh Sử vừa trải qua một tiểu phẫu sau 4 lần phẫu thuật trước đó. Bệnh tật bào mòn cả tâm hồn và thể xác. Hiện, sức khỏe của ông vẫn còn rất yếu, không thể ngồi lâu được. Khép lại cuộc trò chuyện ngắn ngủi, ông gắng gượng nói: “Tôi chỉ mong sức khỏe ổn định lại được phần nào để tôi có thể tiếp tục sáng tác”.
Bài, ảnh: Yên Hà
 
Sáng tác đến hơi thở cuối cùng
Nhạc sĩ Vinh Sử chia sẻ: “Dù cuộc đời  thăng trầm nhưng tôi có cái may mắn khi con đường nghệ thuật được nhiều người ủng hộ. Công chúng bình dân đón nhận âm nhạc của tôi đầy chân tình, nên tôi chỉ có nguyện vọng được sáng tác nhạc phục vụ họ cho đến hơi thở cuối cùng…”.