Thứ tư, 22/10/2014, 16h10

Nỗi buồn tượng đài, di tích: Bài cuối: Trùng tu di tích còn nhiều bất cập

Chùa Phụng Sơn (chùa Gò) nằm trong danh sách những di tích lịch sử cần được trùng tu
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 150 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích. Thế nhưng, công tác bảo tồn, trùng tu các di tích này đang gặp không ít khó khăn.
Xuống cấp và bị xâm phạm
Quy định nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã được khoanh vùng bảo vệ dường như bị nhiều người “phớt lờ” tại một số di tích văn hóa Phật giáo trên địa bàn TP.HCM. Di tích chùa Phụng Sơn (hay còn gọi là chùa Gò) tọa lạc trên đường 3-2, P.2, Q.11 từng bị bủa vây bởi nhiều tệ nạn xã hội xung quanh chùa. Đến nay, điều này đã được cải thiện nhưng vẫn khiến nhiều phật tử, du khách có tâm lý e dè khi đặt chân đến đây. Tình trạng buôn bán, lấn chiếm diện tích của chùa diễn ra cũng đã nhiều năm nay. Chùa Phụng Sơn được xây dựng năm 1802 trên nền một ngôi chùa cổ. Năm 2008, di tích này được TP.HCM đưa vào danh sách những công trình được trùng tu. Việc giải phóng mặt bằng, giải tỏa các hộ dân lấn chiếm di tích được giao cho Q.11. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lâm Quang Nới, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử TP.HCM cho biết: “Các di tích văn hóa Phật giáo đang là đối tượng bị “xẻ thịt” nhiều nhất. Nhiều ngôi chùa ở TP.HCM đang dần mất đi giá trị trước sự xâm phạm, điển hình như hệ thống những tượng quý hiếm tại chùa Giác Viên (Q.11) đang có nguy cơ mất dần. Những người làm công tác văn hóa không khỏi ngậm ngùi khi chùa Giác Viên là một trong những ngôi chùa cổ nhất nhì TP.HCM, là nơi lưu giữ, thờ cúng hàng trăm bức tượng gỗ quý hiếm lại rơi vào tình trạng này”.
Xuống cấp, bị xâm phạm hay bị “bà hỏa” viếng thăm… là những nguyên nhân làm nhiều di tích trên địa bàn TP.HCM không còn giữ được các giá trị lịch sử như ban đầu. Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt chủ trương lập dự án phục hồi di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Hội Sơn (Q.9) để có những kế hoạch phục dựng lại di tích chùa Hội Sơn. Đây cũng chính là mong mỏi của nhiều người dân và phật tử. Được biết, vào ngày 17-7-2012, chùa Hội Sơn đã bị thiêu rụi do sự cố chập điện ở khu chánh điện.
Cần nâng cao ý thức cộng đồng
Theo nhiều chuyên gia trong ngành văn hóa, những di tích lịch sử đang từng ngày bị hư hỏng hay được trùng tu một cách thiếu hiểu biết ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có cả TP.HCM. Một số công trình được trùng tu theo kiểu “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”, bất chấp những quy tắc tối thiểu về trùng tu di tích lịch sử, làm mất đi giá trị kiến trúc nghệ thuật truyền thống. Chùa Giác Lâm (Tân Bình) là một trong những ngôi chùa cổ ở TP.HCM, nổi tiếng với vẻ đẹp cổ kính theo kiểu kiến trúc tháp Nam bộ xưa. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều pho tượng cổ có lịch sử hàng trăm năm. Thế nhưng, sau khi được trùng tu lại, chùa Giác Lâm đã làm nhiều người ngỡ ngàng bởi kiểu kiến trúc “tân cổ giao duyên”.
TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử nhưng quá trình này gặp không ít khó khăn khi nhiều hạng mục bị xuống cấp nhưng kinh phí thì lại giới hạn. Có nhiều ngôi chùa dự kiến kinh phí trùng tu phải lên đến hàng chục tỷ đồng nên mọi việc vẫn còn đang nằm trên giấy. Ngoài ra, ý thức của người dân cũng là vấn đề gây khó khăn cho các cấp quản lý khi tình trạng lấn chiếm diện tích, khuôn viên của các di tích để làm nơi buôn bán, làm nhà ở. Là người hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn - bảo tàng ở TP.HCM lâu năm, ông Lâm Quang Nới không giấu được những trăn trở của mình. “Cần phải nâng cao ý thức cộng đồng cho người dân và bồi bổ kiến thức văn hóa cho những người làm quản lý văn hóa thì mới mong từng bước khắc phục được tình hình xuống cấp tại nhiều di tích lịch sử”, ông Nới nhấn mạnh.
Những di tích lịch sử chính là địa chỉ đỏ giúp cho thế hệ trẻ tìm hiểu về lịch sử, cội nguồn văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, đó cũng chính là sản phẩm văn hóa, là thế mạnh để ngành du lịch khai thác, phát triển. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số di tích thực sự phát huy những giá trị vốn có, số còn lại vẫn còn nằm trong tình trạng lãng phí, trì trệ trong công tác trùng tu, bảo tồn. Nếu không có những biện pháp trùng tu, phục dựng kịp thời thì sẽ có một số di tích bị lãng phí, mất dần trong đời sống văn hóa của người dân TP.HCM.
Bài, ảnh: Yên Hà
TP.HCM có 150 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích
Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP có 150 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt (Dinh Độc Lập); 58 di tích cấp quốc gia và 91 di tích cấp TP. Tuy nhiên, việc phát huy những giá trị thực của các di tích này chỉ mới dừng lại ở con số rất khiêm tốn. Những di tích lịch sử như: Địa đạo Củ Chi, Ngã Ba Giồng, Dinh Thống Nhất, Rừng Sác… là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Những di tích lịch sử khác như: Bàu Cò - Láng Le, địa đạo Phú Thọ Hòa… dường như ít được biết đến.