Thứ tư, 20/1/2010, 15h01

TỪ “TIẾNG NÓI TRẺ THƠ” NHÌN VỀ SÂN KHẤU DÀNH CHO TRẺ EM: Kỳ 1: “Tiếng nói trẻ thơ” chinh phục học đường

Chương trình “Tiếng nói trẻ thơ” tại Trường Tiểu học Kim Đồng

Sau 3 năm (2007-2009) thực hiện dự án sân khấu “Tiếng nói trẻ thơ (Chidren’s voice) với sự tài trợ của quỹ Hợp tác và phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida) thông qua văn phòng Hiệp hội Sân khấu quốc tế tại Thụy Điển (ITI) trên nửa triệu trẻ em Việt Nam khắp mọi miền đã được xem sân khấu miễn phí. Dự án với sự tham gia của 3 nhà hát được ITI “chọn mặt gửi vàng”: Nhà hát Tuổi Trẻ, nhà hát Kịch Thành Phố và sân khấu nhỏ Thành Phố.
Ban ngày… cũng khóc!
Sân trường Trường Tiểu học Minh Đạo quận 5, buổi chiều một ngày cuối năm diễn ra vở kịch “Chuyện hai đứa trẻ”. Gần kết kịch, nhân vật chính là một đứa bé đi bụi thật khuyên một đứa bé đi bụi “dỏm” (là “công tử” vì giận cha mẹ mà bỏ đi bụi) rằng: “Hãy tin mình đi! Ba mẹ không bao giờ bỏ con, chỉ có con cái mới bỏ cha mẹ mà thôi! Cậu về nhà đi”. Và lúc ấy, trời mưa! Kết kịch, cậu bé công tử được về với gia đình, cậu bé bụi đời thật với niềm tin vĩnh cửu vẫn ngồi dưới đêm khuya chờ mẹ của mình, em đã chờ hơn 14 năm rồi. So với đầu buổi diễn các em còn ồn ào, náo nhiệt với phần quản trò vui nhộn thế nhưng khi vở kịch đến cao trào thì thay cho tiếng cười nói là những tiếng nấc, tiếng thút thít. Tất cả các em đôi mắt đỏ hoe. Thầy cô cũng khóc. Dường như lúc đó tất cả những người chứng kiến điều quên mất khoảng cách của mình, mình là ai và đang làm gì? Quên luôn cả sân trường còn đang nắng nóng…
Đến phần “diễn đàn” là lúc mà các em có thể tự do nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình sau khi xem xong vở kịch. Nhiều câu trả lời đã làm cho các bạn… khóc thêm. “Em thương ba mẹ em quá! Em không dám làm cho ba mẹ buồn nữa”. “Em sẽ không chơi game nhiều”. “Em sẽ không bao giờ lấy tiền của cha mẹ”. “Em sợ mất ba”. Và khi tôi hỏi: “Có bạn nào đã từng “mượn tiền” của ba mẹ mình đi chơi game hay “mượn tiền” làm việc gì mà không xin trước không?”. Bạn nào xung phong kể cho chú và cả trường cùng nghe nào?”. Sân trường im lặng, tôi tiếp: “Hôm nay chúng ta được tự do trao đổi mà, không sao đâu?”. Những cánh tay đưa lên và tôi đưa miccro cho một em. “Trước đây con có lấy một lần”. “Con lấy làm gì?”. “Con chơi game, giống như bạn trong kịch đó!”. “Con có bị ba mẹ đánh đòn như bạn ấy không?”. “Dạ không, chỉ bị la chung chung vì không biết ai lấy hết!”. “Thế xem xong vở kịch con nghĩ gì?”. “Con nghĩ là sẽ về xin lỗi ba mẹ và nói thật, lần sau con không dám như vậy nữa?”. “Lỡ ba mẹ đánh đòn con sẽ làm sao?”. “Con nói thật và xin lỗi chắc ba mẹ không đánh đâu!”. “Nếu bị đánh, có bỏ đi bụi như bạn trong kịch vừa rồi không?”. “Dạ không bao giờ, vì ba mẹ lúc nào cũng thương con mà” – tiếng vỗ tay dành tặng cho em vang cả sân trường. Buổi diễn kết thúc trong niềm xúc cảm vô hạn của cả thầy lẫn trò và cả các nghệ sĩ tham gia biểu diễn.
Trong buổi biểu diễn tại Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp), cô Hiệu trưởng Lê Thị Hồng Việt đã phát biểu trước toàn thể học sinh: “Buổi diễn là một bài học quí giá về đạo đức, có khi chúng tôi lên lớp dạy hàng tháng trời thậm chí cả năm trời về vấn đề này, nhưng không thể bằng một buổi biểu diễn thế này! Buổi diễn là một giờ học ngoại khóa rất có giá trị”.
Xem kịch xong nhớ… nhặt rác các em nhé!
Đó là lời của người dẫn chương trình dặn dò các em sau khi nói lời tạm biệt các em học sinh tại Trường Tiểu học Kim Đồng (Gò Vấp) và nhiều nơi khác. Trong buổi tọa đàm kết thúc dự án “Tiếng nói trẻ thơ” tại nhà hát Kịch Thành Phố được tổ chức vào cuối năm 2009. Cô Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng Phan Thúy Trang đã tâm sự: “Đây là lần đầu tiên Trường Kim Đồng được xem một vở diễn do các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, được miễn phí hoàn toàn và chủ đề rất phù hợp với lứa tuổi của các em học sinh. Tôi rất thích hình ảnh sau buổi diễn các em học sinh cùng nhau nhặt rác tại sân trường. Bằng những lời nói và hành động cụ thể của các nhân vật trên sân khấu đã giúp các em hiểu rõ hơn và có những hành động thật tích cực khi xem vở diễn nói về môi trường như vở “Chuyện của Tí”. Chúng tôi rất mong nhà hát Kịch và các đơn vị tìm cách phát triển dự án để đưa những vở diễn có giá trị thiết thực như thế này đến với các em nhiều hơn nữa.” Thiết nghĩ trong cuộc sống hiện nay thì việc thực hiện những vở diễn có nội dung và chủ đề gắn liền với cuộc sống hàng ngày của các em là rất có giá trị. Chính cô Hiệu trưởng Trường Kim Đồng còn đề nghị nếu kinh phí sắp tới không có nhiều thì các trường sẽ lo một phần kinh phí cho các suất diễn này.
Đạo diễn HOÀNG DUẪN
Những vở diễn của dự án “Tiếng nói trẻ thơ” nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các em, sự ủng hộ nhiệt tình của các thầy cô giáo và các tổ chức xã hội. Bởi vì chương trình đã đề cập đến những vấn đề mà các em đang gặp phải hàng ngày, giúp các em biết cách ứng xử trước những mối quan hệ trong xã hội và tự tin hơn trong cuộc sống.