Thứ hai, 27/12/2010, 15h12

Chiến thắng nỗi đau: Bài 1: Ba anh em da cam

Ba anh em da cam Cong, Quẹo và Phước. Ảnh: T.T.A

Những gì mà quân đội Mỹ gây ra cho người dân Việt trong chiến tranh qua thảm họa chất độc da cam/Dioxin là không thể nào kể xiết.
Một gia đình trong số hàng ngàn gia đình có những người con lần lượt chào đời đã mang số phận nghiệt ngã mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đã vượt lên nỗi đau như là cách để cho mọi người tin rằng: Tật nguyền không phải là chấm hết. Và trên hết, ý chí và nghị lực phi thường của họ còn mở ra một con đường rộng lớn để chính họ đi đòi lại sự công bằng cho những nạn nhân chất độc da cam.
Cứ đi sẽ thấy con đường
Xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận có một gia đình nổi tiếng nghèo lại còn mang trên mình nỗi đau xé lòng bởi trong số 7 người con có đến 3 người chịu di chứng chất độc da cam. Bao năm gõ cửa cơ quan chức năng những mong con mình được công nhận là nạn nhân của thảm họa này mà vẫn không thành, người cha nguyên là bộ đội, chiến sĩ công an của huyện buồn rồi đâm ra đổ bệnh.
Ba anh em đều chịu di chứng chất độc da cam ấy là Lê Văn Quẹo (28 tuổi); Lê Văn Cong (26 tuổi) và Lê Thị Phước (22 tuổi). Cái tên và hình dạng của hai anh em là một. Cơ thể cong quẹo, tay chân không có xương, các bộ phận của cơ thể nối kết với nhau bằng gân và các cơ sụn. Chiều cao của họ không quá 0,4m. Những người con dị tật này lớn lên nhờ vào củ sắn, củ khoai mà cha mẹ đi mót trên rẫy. Lên 10 tuổi, Cong đòi đi học. Cha mẹ em không lấy đó làm vui vì thể trạng của con và quan trọng nhất là lấy đâu ra tiền cho con đến trường? Rồi Cong cũng được đi học. Thấy Cong học hành chăm chỉ, người anh như được tiếp thêm nghị lực. Sợ tăng thêm gánh nặng cho gia đình, Quẹo xin đi học bổ túc văn hóa vào ban đêm. Chuyện tập viết của hai anh em họ đã trở thành một kỳ tích. Hai anh em Cong và Quẹo học giỏi đến kinh ngạc. Ngoài giờ học chính, họ còn nán lại trường để kèm cặp các bạn có học lực yếu hơn. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, cả hai phải tạm gác lại chuyện học hành vì gia cảnh ngày một khốn khó. Lúc ấy, Cong “tốt nghiệp” hết lớp 5, còn Quẹo chỉ vừa bước sang lớp 3. “Dù không được tiếp tục đi học nhưng anh em bảo nhau tự học, mượn sách về nhà đọc. Chúng tôi phải cố gắng làm một điều gì đó, chí ít là cho chính bản thân mình”, Cong nói. May mắn hơn hai anh, Phước có thể đi lại, tự phục vụ cho mình. Thế nhưng, vì hoàn cảnh gia đình quá túng thiếu nên em phải tạm gác lại việc học khi chưa lấy được tấm bằng tốt nghiệp THCS. Sau nhiều nỗ lực đáng khâm phục, đến nay cả ba anh em đều đã có việc làm ổn định. Họ không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn dành dụm gửi tiền về cho gia đình. Cong tự tin cho chúng tôi biết: “Mình chưa đầy 30 tuổi. Với cơ thể như thế này mà đã làm được việc tưởng chừng như không thể. Thời gian còn dài phía trước, nếu mình đi đúng hướng thì sẽ có con đường thênh thang”.
Và sẽ gặp được “Bụt”

Thể trạng không lành lặn nhưng bù lại Quẹo có khá nhiều tài lẻ như thổi sáo, đàn giỏi, hát hay và thành thạo vi tính. Ý chí, nghị lực phi thường của Quẹo là nguồn động viên tinh thần cho các em và nhiều người cùng cảnh ngộ. Quẹo thường xuyên đau bệnh, nhưng không lúc nào em rời xa quyển sách và chiếc máy vi tính. Được cái thông minh nên Quẹo học gì cũng nhanh. Hiện Quẹo được phân công phụ trách văn phòng tại một cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật, một công việc không hề đơn giản với thể trạng của em. Yêu đời, yêu cuộc sống là “chìa khóa” để vượt qua nghịch cảnh. Đó là những gì mà Quẹo luôn nhắc nhở các em phải hướng tới nếu không muốn bị người khác coi thường.
Quẹo chia sẻ: “Đã nhiều lần tôi suy sụp tinh thần, nghĩ đến cái chết vì cảm thấy mình quá vô dụng, là gánh nặng lớn cho gia đình. Nhưng nghĩ lại, con đường tìm đến cái chết là hèn nhát, không đáng làm. Từ đó tôi luôn tự bảo mình phải biết chấp nhận cuộc sống mà vươn lên”. Nói đến ước mơ, Cong cười bẽn lẽn: “Nói ra thì người ta bảo mình “đu dây điện” nhưng ngay từ nhỏ tôi đã có ước mơ sau này trở thành một bác sĩ. Nhưng học hành thế này thì…”.
Ba anh em Quẹo còn là tấm gương giàu nghị lực để các bạn, các em cùng cảnh ngộ học tập, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Cong nhìn nhận: “Mọi người thường nhìn nạn nhân chất độc da cam bằng ánh mắt thương hại, cảm thông. Rõ ràng, đó là điều cần thiết để tiếp thêm sức mạnh giúp chúng tôi vượt qua số phận, nhưng chúng tôi không muốn như vậy. Bởi hơn ai hết, những mảnh đời như chúng tôi luôn tìm cách chống lại sự nghiệt ngã bằng chính khối óc, ý chí của mình”.
Trần Tuy An
Những lần đi khám bệnh, bác sĩ đều bảo hai anh em không phẫu thuật được nữa. Tuy nhiên, chưa một ai nản chí, vẫn thầm ước ngày nào đó có đấng linh thiêng về ban cho mình những điều ước. Như Quẹo nói: “Cứ tin rồi sẽ gặp được ông Bụt”.
 
Bài 2: Mang trong mình gần chục căn bệnh ung thư nhưng cô đã 5 lần vượt dãy Trường Sơn bằng xe đạp để ra Hà Nội viếng lăng Bác. Cô là Huỳnh Thị Kiều Thu, nữ biệt động Sài Gòn nổi tiếng gan dạ một thời.