Thứ bảy, 21/5/2011, 11h05

Cô y tá của Người đẹp Tây Đô: Kỳ 1: Hơn cả ruột thịt

Người đẹp Tây Đô Lâm Thị Phấn. (Ảnh tư liệu)

Đầu hạ 2011, tôi may mắn được gặp lại người phục vụ, cũng là con nuôi của bà Phấn, chị Lê Ánh Hồng. Câu chuyện cảm động mà chị Hồng kể hôm ấy là nguồn tư liệu quý giá bởi chị chưa nói với bất kỳ ai ngoài tôi. Càng quý hơn khi chị Hồng tiết lộ một số chi tiết về cuộc đời bà Phấn lâu nay tài liệu ghi chưa chính xác. Nhờ đâu mà chị Hồng biết được cuộc đời đầy gai góc, nhiều nước mắt của “Người đẹp Tây Đô”?
Có lẽ nhiều người biết đến cuộc đời, sự nghiệp của nhân vật Bạch Cúc do diễn viên Việt Trinh thủ vai trong phim Người đẹp Tây Đô (kịch bản nhà văn Trầm Hương, đạo diễn Lê Cung Bắc) nhưng chưa biết Bạch Cúc là ai?
Nguyên mẫu Bạch Cúc ngoài đời là bà Lâm Thị Phấn, còn có tên Lâm Thị Elise, nguyên Thiếu tướng, đảng viên Đảng CSVN, tình báo viên của Việt Minh, Thiếu tá tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam, Anh hùng lực lượng vũ trang… Bà nổi tiếng tài sắc vẹn toàn ở vùng đất Tây Đô, Cần Thơ nên được mệnh danh là “Người đẹp Tây Đô”.
Bạch Cúc - Nữ tình báo Lâm Thị Phấn
Từ lúc tham gia Ban liên lạc An ninh T4, chị Hồng là người kề vai sát cánh với bà Phấn trên mọi nẻo đường. Lúc bấy giờ, bà Phấn được Ban binh vận phân công vào Nam, có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là tiếp cận với em trai (tướng Lâm Văn Phát) để vận động tướng Phát đứng về phía cách mạng. Lúc ấy, tướng Phát đang là Tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa.
Đẹp - đôi khi trở thành bi kịch cuộc đời người con gái. Bà Phấn cũng không thoát khỏi định mệnh trớ trêu ấy. Bà bị ép duyên với một người gia đình nổi tiếng giàu có ở địa phương. Người chồng ăn chơi khét tiếng, cũng thuộc hạng “công tử Bạc Liêu”. Chính vì thế mà có một số tài liệu ghi nhầm bà bị ép gả làm dâu nhà công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Cuộc đời bà Phấn bị vùi dập, đau đớn và tủi nhục trong gia đình chủ đồn điền nổi tiếng hung bạo thời ấy.
Lần đầu tiên bà Phấn kể lại quãng thời gian làm dâu đầy tủi nhục cho người phục vụ của mình nghe. Đó là những tháng ngày bà được xem như một món đồ chơi, là trò đổi chác của người chồng với bọn lính Pháp mỗi khi chán chường.
Người con gái mới lớn, chưa biết yêu là gì như chị Ánh Hồng nghe chuyện mà nước mắt cứ giọt vắn giọt dài. Đến giờ này, ngồi kể chuyện tôi nghe, chị Hồng vẫn còn luống cuống vì không thể tả nổi niềm hạnh phúc trào dâng khi được bà Phấn nhận làm con nuôi. “Dù may mắn không mỉm cười với mình nhưng mẹ Phấn luôn là một con người lạc quan. Về làm dâu, sống trong vũng sình lầy tội lỗi của nhà chồng, mẹ vẫn cười tươi. Mẹ biết chấp nhận đau khổ để tìm lối thoát. Với mẹ, tôi là một người quá nhỏ bé”, chị Hồng nhìn nhận.
Cảm hóa người em trai
Bà Phấn là con gái đầu của ông Lâm Văn Phận, hiệu trưởng một trường THPT ở Cần Thơ. Sau 1945, ông tham gia Việt Minh; Đảng Lao động Việt Nam và có thời gian giữ chức Chủ tịch Ủy ban Liên Việt tỉnh Cần Thơ. Trước nỗi đau mất mát của đất nước, bà Phấn ý thức được rằng mình phải đứng lên đấu tranh, vượt qua ách thống trị của bọn thực dân phong kiến. Bà Phấn ly dị chồng để chống lại chế độ hà khắc, tàn bạo khi ấy. Thoát khỏi vòng vây tội ác của bọn thực dân, bà Phấn về với cách mạng. Đó là con đường duy nhất để bà có thể góp phần công sức của mình trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Em trai bà, tướng Lâm Văn Phát (1927-1998) hoạt động trong chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Tướng Phát rất thông minh, học một biết mười. Năm 1945, tướng Phát tham gia lực lượng Thanh niên tiền phong và tham gia cướp chính quyền tại Cần Thơ. Cũng trong năm ấy, ông tốt nghiệp tú tài và bị Pháp trưng dụng phong cấp thiếu úy của quân đội Pháp. Một năm sau, ông bỏ trốn về Khu 8 và được phân công làm Trung đội trưởng Vệ Quốc Đoàn (1946-1948), nhưng sau đó ông lại trở về nhà bà Phấn. Tại đây, tướng Phát được ông Trần Hiếu, lúc bấy giờ làm phiên dịch cho Pháp đưa sang Pháp học nghề cơ khí. Chỉ một thời gian ngắn sau, bà Phấn và ông Hiếu (sau này là chồng của bà Phấn) bị nghi ngờ là tình báo của Việt Minh nên cả hai phải trốn. Tướng Phát cũng phải đối mặt với án tử hình vì tội đào ngũ nhưng nhờ có người đỡ đầu là ông Hiếu nên đã thoát án tử. Trong thời gian cùng người chồng thứ hai (ông Hiếu) tập kết ra Bắc, bà Phấn được Ban binh vận phân công vào Nam để vận động người em trai ra đầu hàng sớm.
Tướng Phát từng đứng vào hàng ngũ quan trọng của chính quyền lúc bấy giờ với nhiều chức vụ khác nhau. Sau nhiều lần cầm đầu và tham gia đảo chính lật đổ chính quyền, năm 1964, ông bị Nguyễn Khánh tuyên bố cách chức và buộc giải ngũ. Từ đó, tướng Phát sống thu mình. Năm 1975, tướng Phát lại xuất hiện với vai trò cựu tướng lĩnh trong lực lượng thứ 3 do tướng Dương Văn Minh cầm đầu. Ông được cử làm Tư lệnh Biệt khu thủ đô vào ngày 28-4-1975 thay tướng Trần Văn Minh vừa đào nhiệm. Trong thời gian ngắn ngủi tồn tại của chính quyền, ông trực tiếp chỉ huy lực lượng còn lại phòng thủ với hy vọng đạt được lợi thế đàm phán. Đến trưa ngày 30-4-1975, ông nhận lệnh từ Dương Văn Minh phải buông súng để bàn giao chính quyền. Tướng Phát qua đời vào ngày 30-10-1998 tại Mỹ. Ông chính là nguyên mẫu tướng Lâm trong Ván bài lật ngửa, một trong những tiểu thuyết tạo được tiếng vang của nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý.
Sau ngày đất nước giải phóng, bà Phấn về sinh sống ở Cần Thơ cùng người chồng thứ ba. Thời gian còn sức khỏe để đi lại, nơi bà Phấn dừng chân đầu tiên trong mỗi chuyến đi là nhà của chị Hồng, người phục vụ và cũng là đứa con nuôi mà bà một mực yêu quý. Hai mẹ con chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng đi tìm lại đồng đội, về những nơi mà hai người đã từng đi qua… để ôn lại kỷ niệm và dành những tình cảm đặc biệt với bao nhiêu người đã anh dũng hy sinh.
Trần Tuy An
Tướng Phát “say” với chức vụ nhưng hữu danh vô thực nên bất mãn, nung nấu ý định lật đổ chính quyền. Nhận thấy có quá nhiều điểm bất lợi khi tiếp cận để vận động tướng Phát ra hàng, nhưng không vì thế mà bà Phấn nao núng. Suốt nhiều năm hoạt động tình báo, bà đạt được nhiều công trạng lớn, đặc biệt là đã góp phần buộc Dương Văn Minh phải buông súng, bàn giao chính quyền vào trưa ngày 30-4-1975. Bà Phấn qua đời vào năm 2010 tại Cần Thơ.

 

Kỳ 2: Sáu tháng với một bộ đồ rách