Thứ sáu, 8/4/2011, 15h04

Nhạc sĩ và ca khúc “để đời”: Bài 1: 48 năm với Nỗi buồn hoa phượng

Nhạc sĩ Thanh Sơn (ảnh nhân vật cung cấp)
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/ Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương/ Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gũi nhau mất rồi, tạ từ là hết người ơi…”. Ca khúc Nỗi buồn hoa phượng ra đời cách đây đã 48 năm nhưng cho đến bây giờ vẫn làm xao xuyến trái tim bao lớp tuổi học trò mỗi độ hè về. “Cha đẻ” của ca khúc này chính là nhạc sĩ Thanh Sơn.
Ngoài ca khúc Nỗi buồn hoa phượng, các ca khúc viết về đề tài áo trắng tươi đẹp, mộng mơ của nhạc sĩ Thanh Sơn như: Ba tháng tạ từ, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Thương ca mùa hạ, Nhật ký đời tôi, Phượng buồn... cũng in đậm trong lòng khán giả tuổi học trò lẫn người lớn.
Nỗi buồn hoa phượng làm nên tên tuổi
Nhạc sĩ Thanh Sơn sinh năm 1940 tại Sóc Trăng trong một gia đình nghèo làm nghề nông. Vì lòng đam mê nghệ thuật mà năm 1955, ông từ giã quê nhà lên Sài Gòn xin vào học lớp nhạc của nhạc sĩ Lê Thương, nhờ đó mà ông biết chép và kẻ khung nhạc. Bốn năm sau, ông được mời tham gia vào ban nhạc danh tiếng nhất ở Sài Gòn thời điểm đó là “Tiếng Tơ Đồng” do nhạc sĩ Hoàng Trọng phụ trách. Bắt đầu sáng tác từ năm 1962, Thanh Sơn chọn viết đề tài về lứa tuổi học trò để gợi nhớ khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời mình. Ca khúc đầu tay của ông mang tên Tình học sinh được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ góp ý, hướng dẫn gửi cho đài phát thanh và có rất nhiều ca sĩ hát ca khúc này trên sóng phát thanh thời ấy. Nhưng phải đến năm 1963, ca khúc Nỗi buồn hoa phượng ra đời thì tên tuổi của ông mới thật sự lẫy lừng. Ông cho biết: “Mùa hè năm 1963, trên các con đường của Sài Gòn đỏ rực màu hoa phượng, trong lòng tôi lại trào dâng nỗi tiếc nuối tuổi học trò. Hoa phượng đỏ đến nao lòng cùng tiếng ve thổn thức gợi cho tôi nhớ tới biết bao hình ảnh thân thương: mái trường xưa, thầy cô, bạn bè… trong số ấy có một người bạn gái tên Hoa Phượng… Năm 13 tuổi, đang học ở Sóc Trăng, tôi quen với một cô gái chung lớp khá dễ thương, có cái tên rất đặc biệt là Nguyễn Thị Hoa Phượng, con của một gia đình công chức từ Sài Gòn về làm việc tại Sóc Trăng. Thời gian gần gũi hơn một năm, tình cảm bắt đầu thân thiết,
“Nữ hoàng sầu muộn” Giao Linh đã bật mí rằng, dù đã thu âm và trình bày ca khúc Nỗi buồn hoa phượng tại Việt Nam cũng như hải ngoại hàng trăm lần, nhưng lần nào cô cũng không kìm được nước mắt vì đồng cảm với ca từ và tình cảm tuổi học trò trong ca khúc…
bỗng mùa hè năm sau đó, Hoa Phượng đột ngột báo cho tôi biết là gia đình được điều chuyển về lại Sài Gòn, nên cô tìm gặp tôi để chào từ biệt. Trong lúc vừa bất ngờ vừa buồn rười rượi, tôi hỏi xin địa chỉ để sau này liên lạc. Hoa Phượng cũng chỉ buồn bã nói trong nước mắt: “Tên em là Hoa Phượng, mỗi năm đến hè nhìn hoa phượng nở thì hãy nhớ đến em…”. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau. Và lúc này, trong tôi bỗng nhớ lại lời của “người xưa” lúc chia tay... Thế là vào một đêm hè oi bức, lòng đầy hoài niệm, tôi đã viết ca khúc Nỗi buồn hoa phượng bằng ca từ và giai điệu dễ nghe, dễ thuộc… Bài hát sau đó được thu qua giọng hát của ca sĩ Thanh Tuyền nhanh chóng được khán giả yêu thích…”. Và cho đến thời điểm này, đã có rất nhiều thế hệ ca sĩ trình bày Nỗi buồn hoa phượng thành công như Giao Linh, Hương Lan, Bảo Yến, Ngọc Sơn, Cẩm Ly, Chế Thanh, Đàm Vĩnh Hưng… Tuy nhiên, ít có ca sĩ nào biết được bài Nỗi buồn hoa phượng lại có lời hai, ông viết sau 27 năm kể từ khi ca khúc này ra đời. Ông cho biết lời hai của bài hát ấy là viết cho riêng lòng mình, tặng riêng cho cô bạn có cái tên Hoa Phượng mà ông chưa có dịp gặp lại chứ không công bố trong làng âm nhạc “Lời xưa đã hứa xin nhớ nhau luôn/ Mỗi mùa hè sẽ có phượng/ Phượng ơi biết không tôi còn nhớ mãi…”. Năm 1965, ông viết ca khúc Nhật ký đời tôi, được ca sĩ Hoàng Oanh hát cho Hãng dĩa Việt Nam, tiếp tục tạo “cơn lốc” hâm mộ trong lòng công chúng. Ông bật mí: “Ngày đó, mỗi tháng tôi đi làm chỉ được lãnh 150 đồng. Nhưng tiền tác quyền nhạc của tôi một tháng lên đến 6.000 đồng. Nhờ vào tiền sáng tác mà tôi mua nhà, mua xe và… cưới vợ”. Mặc dù “gia tài” của nhạc sĩ Thanh Sơn hiện tại lên đến hàng trăm ca khúc nổi tiếng, nhưng ông vẫn xem Nỗi buồn hoa phượng là ca khúc thành công nhất của mình. Cũng qua ca khúc này, ông muốn nói với các bạn trẻ rằng: Mùa hè là mùa kỷ niệm một thời để nhớ. Hãy biết giữ màu hoa phượng đỏ chói như hoa điểm 10 trong mỗi trang vở cũng như đừng bao giờ mang tâm trạng ủy mị trước những cuộc chia tay.
Sáng tác tặng… vợ

 

Nhạc sĩ Thanh Sơn rất tự hào và yêu mến vùng quê Sóc Trăng hiền hòa, trù phú nơi mình sinh ra, lớn lên. Ông muốn khoe với mọi người quê hương của mình đẹp như thế, con người miền Tây chất phác, đôn hậu như thế. Đặc biệt trước tiên là khoe với… vợ ông - người con gái miền Trung. Và thế là, những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ rất gần gũi với đời sống người lao động, dễ lan tỏa và sống mãi trong lòng người nghe ra đời như: Hành trình trên đất phù sa, Hình bóng quê nhà, Giấc ngủ đầu nôi, Hoài cổ, Em bỏ dòng sông, Yêu dấu Hà Tiên, Quê hương ba miền… Tuy nhiên, có hai ca khúc ông sáng tác tặng riêng cho bà xã của mình là Mùa hoa anh đàoHương tóc mạ non mà khán giả cũng rất yêu mến. Ông kể: “Năm ấy, vợ chồng tôi lên Đà Lạt chơi đúng mùa hoa anh đào nở. Nhiều người thường khen vợ tôi có vẻ đẹp của một thiếu nữ Nhật Bản. Và gương mặt đó, cùng với sắc hoa anh đào hồng phai của xứ lạnh đã tạo thành cảm hứng cho Mùa hoa anh đào mang âm hưởng âm nhạc Nhật Bản để tôi tặng bà xã. Còn ca khúc Hương tóc mạ non bắt nguồn từ tên Hương của vợ tôi. Thoạt đầu, tác phẩm này có tên Tóc em thơm mùi mạ nhưng sau đó tôi đổi thành Hương tóc mạ non: “…Mùi mạ non thơm tóc em, biết bao kỷ niệm nhắc lại thấy thương nhau thật nhiều”. Năm 2007, Nhà hát TP.HCM đã tổ chức chương trình ca nhạc tôn vinh nhạc sĩ Thanh Sơn với chủ đề Nỗi buồn hoa phượng được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tháng 10-2010 vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình Nhạc sĩ Thanh Sơn - Hình bóng quê nhà cũng đã diễn ra rất thành công.
Song Minh
Bài 2: Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng và “thương hiệu bolero”
Tên tuổi của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng gắn liền với những ca khúc bolero nổi tiếng Giã từ, Sao em nỡ đành quên, Tiễn biệt… Vẻ mộc mạc, rất Nam Bộ của ông được “đóng dấu” vào trong từng ca khúc. Và cuộc đời thăng trầm của Tô Thanh Tùng cũng được trải nghiệm trong từng lời ca, giống như “Tuổi đời chân đơn côi/ gót mòn đại lộ buồn/ Đèn đêm bóng mờ nhạt nhòa…” (Giã từ).