Thứ năm, 3/11/2011, 16h11

Những “linh hồn” của đoàn tàu không số: Bài 5: Chỉ huy biên đội giải phóng Trường Sa

Ông Trần Phong tại nhà riêng

Lần đầu lên tàu với nhiệm vụ chiến đấu giải cứu tàu không số gặp nạn, chỉ huy biên đội giải phóng Trường Sa vào tháng 4-1975 chính là Trần Phong, thuyền trưởng, nguyên Lữ đoàn phó, quyền Tham mưu trưởng Lữ đoàn 125, người con của huyện Núi Thành, Quảng Nam. 
Trần Phong tham gia kháng chiến năm 18 tuổi. Lúc bấy giờ, ông là chiến sĩ Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 108 anh hùng, đơn vị chủ lực lập nhiều chiến công vang dội của Quân khu 5. Là người vinh dự được Bộ Tư lệnh chọn tham gia duyệt binh đón Bác về thủ đô vào ngày 1-1-1955. Ông là một trong số ít người được đào tạo tại Học viện Hải quân Nam Kinh.  Năm 24 tuổi, ông về làm thuyền trưởng tàu chiến đấu hỗ trợ cho những con tàu không số làm nhiệm vụ.
Ngày cầm súng lên tàu
Tháng 11-1962, tại căn cứ 2 - Nghệ An, Trần Phong lên tàu với nhiệm vụ vô cùng nặng nề là đi cứu tàu không số gặp nạn trên biển. Đó là tàu Bình Minh đang chở 100 tấn vũ khí vào Khu 5 thì bị địch bao vây. Lúc bấy giờ, trạm gác, đài quan sát, do thám của địch đặt ở khắp nơi, khó khăn lắm tàu 42 mới ra được cửa Hội. Sau nhiều giờ, tàu 42 tiếp cận tàu Bình Minh nằm cách phía Đông Hòn Mê - Thanh Hóa khoảng 15 hải lý với hơn chục thủy thủ được giải cứu an toàn. Từ chiến công đầu ấy, tháng 4-1963, ông nhận quyết định về Đoàn 125. Thời chiến tranh ác liệt, Trần Phong cũng như những thanh niên khác, nhiệm vụ lên đường cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc được đặt lên hàng đầu.
Ông Phong có mặt trên nhiều chuyến tàu không số. Chuyến đầu tiên là con tàu số 5 do xưởng đóng tàu Số 3 Hải Phòng đóng với bí số C55 xuất phát từ Đồ Sơn vào tháng 7-1963. Chuyến tàu ông nhớ nhất là chuyến thứ hai, cũng tàu số 5 do chính ông làm thuyền trưởng và chính trị viên Hồ Đức Thắng. Khi tàu vào Cà Mau, chưa xác định được hướng vào bến thì trời sáng, nước cạn, anh em cho ngụy trang, kéo bạt trắng, kéo cờ ba que ngụy trang. Bên trên máy bay Mỹ lượn nhiều vòng, bên dưới chiến sĩ nấp mình dưới bạt để vận chuyển vũ khí. Ông Phong kể lại cứ như chuyện mới vừa xảy ra hôm qua: “Ở chuyến này, tưởng mình không còn gặp lại đồng đội. Bom dội ác liệt lắm. Tôi ấn tượng nhất là lãnh đạo bến tên Ba Cụt (ông ta bị cụt tay) vừa chỉ huy vừa tham gia chuyển vũ khí. Vũ khí nặng, nhiều lúc mất thăng bằng mà vẫn chống tay cụt, mặt ngập ngụa sình để gượng dậy. Một lãnh đạo bến khác nữa là ông Mười Thượng cũng vừa lãnh đạo vừa cởi trần lội xuống dắt tàu, ngụy trang. Chúng tôi rất vui, hạnh phúc khi nhiệt huyết tuổi trẻ dành cho cách mạng lớn đến nhường ấy”. Đâu vào đó, ông Mười Thượng nói: “Miền Nam nghèo lắm, không có gì thết đãi mấy chú ngoài Bắc vào. Thôi để tôi đi bắt kỳ đà, rắn, ba khía để đãi anh em vậy”. “Như thế này thì nói chi đến nghèo, các anh quá giàu đấy chứ”. Trần Phong nói khi đã ăn món đặc sản đồng quê. Lần đầu tiên trong đời ông biết các món ăn dân dã, ngon đến vậy. Sau chuyến tàu thứ hai hoàn thành nhiệm vụ, Trần Phong bị ốm nặng phải đưa về điều trị ở Bệnh viện 108. Ông bị đau dạ dày nặng và viêm đại tràng thể xung huyết. “Những ngày nằm viện, tôi cảm thấy buồn vì không được đi tàu. Vừa điều trị tôi vừa nghe ngóng tình hình. Tàu liên tục chở vũ khí thành công, dường như tôi cũng hết bệnh”. Ông Phong nói.
Chỉ huy biên đội giải phóng Trường Sa
Đồng chí Huỳnh Công Đạo, lúc bấy giờ là đoàn phó Đoàn 125 luôn gần gũi, động viên Trần Phong không nên đi tàu nữa mà về làm tham mưu, đóng góp kế hoạch chỉ đạo Đoàn 125. Sau “Sự kiện Vũng Rô” với trận đánh tám ngày đêm, có thể khẳng định rằng thời “hoàng kim” của con đường vận chuyển vũ khí vào Nam đã qua. Trong những năm sau đó, nhiều chuyến tàu xuất phát nhưng chỉ số ít cập được bến an toàn. Bên cạnh đó, một số đảo ở Trường Sa bị địch chiếm đóng. Nhiệm vụ đặt ra là vừa phải đảm bảo vũ khí cho chiến trường miền Nam và giải phóng Trường Sa. Tháng 8-1968, Trần Phong lên tàu số 42 được cải trang dạng tàu cá Trung Quốc mang tên Nguyên Sương Nhất Hiệu (ông Phong là người viết) để ghi nhận tình hình trên biển. Tàu 42 đi từ sông Đá Bạc, Hải Phòng ra Trường Sa, vùng biển phía Nam Đông Nam Á, qua Vịnh Thái Lan, Nam Du, Thủ Chu rồi trở về Hoàng Sa để nắm tình hình trên biển. Sau chuyến đi, Trần Phong kết luận: Địch vẫn theo dõi gắt gao; địch chưa thể nhận rõ ta đang chở vũ khí và không dễ dàng đánh ta; biển có nhiều tàu thuyền vận tải, đánh cá… đó là lợi thế để chúng ta ngụy trang đi tiếp. Trần Phong báo cáo ngay với Bộ Tư lệnh. Đoàn trưởng 125 Nguyễn Văn Tê giao nhiệm vụ cho Trần Phong thảo kế hoạch điều động chuyển quân và trực tiếp thông qua bản kế hoạch với Bộ Tư lệnh Hải quân tại Hải Phòng. Trần Phong - lúc bấy giờ là Quyền tham mưu Trưởng đoàn 125 cùng một số đồng chí nhận lệnh vào cảng Tiên Sa, Đà Nẵng chuẩn bị giải phóng Trường Sa. Ngày 9-4-1975, biên đội giải phóng Trường Sa, Đoàn 125 do đồng chí Trần Phong chỉ huy lên đường vượt qua sóng gió. Biên đội Trường Sa có ba tàu: Tàu 673, thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm; Tàu 674, thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức (người có mặt trên chuyến tàu gỗ Phương Đông 1 đầu tiên từ Bến Tre ra Bắc để nắm tình hình đường biển chuẩn bị cho vận chuyển vũ khí vào Nam); Tàu thứ ba do thuyền trưởng Phạm Duy Tam cùng nhiệm vụ chở đại đội đặc công hải quân tiến ra đảo Song Tử Tây vào sáng 11-4-1975. Ba con tàu dũng mãnh đi ngang Hạm đội 7 của Mỹ một cách kiên cường. Tàu vượt qua san hô, đá ngầm, đài canh, trạm chỉ huy của địch và cả nhiều lô cốt ngầm để chuẩn bị cho trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh trên biển. Trần Phong ở lại Đà Nẵng, hồi hộp chờ tin của biên đội Trường Sa báo về. 1 giờ sáng 14-4-1975, cả ba con tàu áp sát đảo. Sau 30 phút chiến đấu, 6 giờ sáng ngày 14-4-1975, cờ giải phóng của ta đã tung bay trên đảo Song Tử  Tây bắt sống 33 tên và tiêu diệt được 7 tên địch. Tại Sở Chỉ huy tiền phương Đà Nẵng, Trần Phong nhận tin báo diễn biến trận đánh. Trần Phong lệnh cho tàu 647 chở tù binh trên đảo Song Tử Tây lên cảng Tiên Sa. Cùng thời điểm, biên đội Trường Sa được tăng cường thêm tàu 641 do ông Trần Tú làm thuyền trưởng từ Khu 5 ra hỗ trợ. Ngày 21-4, ông Trần Phấn làm thuyền trưởng tàu 642 cũng nhận lệnh tiến về đảo Nam Yết. 2 giờ 30 phút ngày 25-4, ta tiếp tục trận đánh bằng hỏa lực. Nửa giờ sau, ta đã làm chủ đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn…
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Bài cuối: Người thầy của thuyền trưởng tàu không số