Thứ tư, 1/12/2010, 16h12

Những người lính chiến đấu với “giặc lửa”: Bài 1: Tôi đi làm lính phòng cháy chữa cháy

Các chiến sĩ trẻ thuộc Đội PCCC quận 9 đang làm nhiệm vụ tại buổi tập giả định

Hình ảnh người lính phòng cháy chữa cháy (PCCC) xông vào “biển lửa” để cứu người, cứu tài sản luôn luôn đẹp và rất gần gũi với mọi người. Tò mò muốn tìm hiểu xem hình ảnh ấy được hun đúc từ những yếu tố gì, tôi quyết định thử học làm “người lính màu áo xanh”.
Một ngày ở đội PCCC
Có mặt tại Phòng Cảnh sát PCCC quận 9, TP.HCM, tôi được Thượng tá Phan Minh Quyền - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận dẫn đi tham quan một vòng. Dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn, khoảng 30 chiến sĩ trẻ mới được tiếp nhận về đội vẫn tích cực luyện tập các thao tác cơ bản dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Văn Đông. Mặc cho những giọt mồ hôi trên trán từ từ chảy xuống, thấm dần lên chiếc áo xanh, trên gương mặt mỗi chiến sĩ vẫn thể hiện sự quyết tâm trong tập luyện bởi như chính lời nói của họ thì “sức nóng của lửa còn không ăn thua huống chi là nắng”. Thượng tá Phan Minh Quyền cho biết, các chiến sĩ trẻ này lần lượt được học các môn nghiệp vụ chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn. Sau thời gian phục vụ 3 năm, nếu thực hiện tốt nghĩa vụ, các chiến sĩ sẽ được tuyển vào ngành, còn không thì phải ra quân. Mỗi lần khoác lên người bộ quân phục màu xanh là các chiến sĩ từ già đến trẻ đều tự nhắc mình phải hết lòng với công việc. Vẫn biết nhiệm vụ của mình đầy khắc nghiệt và lắm áp lực nhưng với những chiến sĩ này, đây là niềm tự hào và là niềm tin để họ phấn đấu hoàn thành tốt mọi trọng trách được giao. Nét rất chung của cán bộ chiến sĩ phòng chữa cháy tại nơi tôi đến thăm là tuổi đời còn rất trẻ, rất khỏe và nhiệt tình. Thượng tá Quyền cho biết thêm, “Tuy điều kiện sân bãi phục vụ cho công tác huấn luyện của đơn vị còn hạn chế, dụng cụ thiếu nhiều so với yêu cầu thực tế, nhưng chúng tôi vẫn giữ đúng nguyên tắc trong huấn luyện, ban chỉ huy đội luôn đưa những bài học thực hành đến với chiến sĩ một cách sinh động nhất”. Nếu như các chiến sĩ chữa cháy trẻ vẫn “khổ luyện” ngay trong sân cơ quan, thì các chiến sĩ tổ công tác kiểm tra hướng dẫn an toàn PCCC lại là những chú ong cần cù, chăm chỉ trên từng phương diện công tác. Các anh đến từng địa bàn, cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật an toàn PCCC cho nhân dân, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas, các vật liệu dễ cháy, thẩm định thiết kế... nhằm hạn chế đến mức tối đa nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Còn ở phòng trực thông tin, các anh cán bộ vẫn luôn luôn chăm chú theo dõi điện thoại để tiếp nhận thông tin từ người dân. Khi có tin hỏa hoạn xảy ra, lập tức thông tin sẽ được chuyển đến từng cán bộ chiến sĩ ở phòng. Ở bên ngoài đội xe, anh cảnh sát PCCC vẫn đang cẩn thận kiểm tra xe để khi có lệnh là lập tức lên đường. Khi xảy ra cháy, những người lính cứu hỏa sẵn sàng lao vào đám cháy, đương đầu với biết bao hiểm nguy khôn lường để cố giành lại tài sản cho nhân dân, cứu người nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại không đáng có.
Thượng tá Phan Minh Quyền chia sẻ: “Đặc thù của nghề chữa cháy là lúc nào những người lính cứu hỏa cũng phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng để lao vào công việc, kể cả lúc ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí... Và mỗi buổi sáng đều có giao ban phân công từng xe, số người, chỉ cần nhận được tiếng còi báo là lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Lính cứu hỏa hầu như “lên ca” thường xuyên do phải trực đủ đầu xe và khép kín 24/24 giờ để lúc nào cũng có thể hoạt động hết công suất”. Dù đã được luyện tập kỹ càng nhưng không phải lúc nào ra quân, lính cứu hỏa cũng chiến thắng. Vì vậy, không ít vụ khiến những người lính kiên cường ấy phải rơi nước mắt, bởi sự hung tàn của giặc lửa đã đem đến nỗi đau thương không dễ nguôi ngoai cho nhiều gia đình...
Để được khoác trên mình bộ đồ màu xanh

Được sự đồng ý của Thượng tá Phan Minh Quyền, tôi được theo đội đi diễn tập một đợt cháy giả định. Mặc dù chỉ là tập giả định nhưng tôi cảm nhận được rất rõ sự khẩn trương và nghiêm túc của các chiến sĩ trong đội. Ngay khi có hiệu lệnh, trong vòng chưa đầy một phút, họ đã khoác trên mình chiếc áo xanh và lên xe từ lúc nào, khiến tôi luống cuống chạy theo. Và không đầy 3 phút sau, 2 chiếc xe màu đỏ chuyên dụng chở 14 người lính nhanh chóng tiến ra khỏi cổng đi thẳng đến điểm cháy giả định. Trên đường đi, mỗi người làm một việc. Bác tài thì lo điều khiển xe thật nhanh nhưng không gây ảnh hưởng đến người đi đường, còn anh lính ngồi bên cạnh luôn dõi mắt về phía trước, mỗi khi đường bị dồn ứ người, lập tức còi báo động được bật lên. Đi qua 3 khúc cua, cuối cùng 2 chiếc xe cũng đến được điểm cháy giả định (Trường Bưu chính Viễn thông, quận 9). Xe vừa dừng, ngay lập tức, 7 anh lính trẻ từ trong thùng xe nhanh như cắt nhảy xuống. Người thì chuyển vòi rồng, người đứng mở khóa nước… Chẳng mấy chốc, 7 chiếc vòi rồng đã “nhắm” trúng điểm cháy rồi phun thẳng dòng nước vào. Khoảng 5 phút sau, nghe hiệu lệnh từ người đội trưởng, 14 chiến sĩ trẻ tập hợp lên xe trở về đội. Buổi diễn tập giả định được thực hiện chỉ trong 20 phút nhưng cũng thể hiện rõ nét tính chất đặc thù của nghề. Các đám cháy luôn khiến mọi người rơi vào sợ hãi, hoảng loạn, nhưng những người lính chữa cháy thì luôn sẵn sàng lao tới “biển lửa” để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có người đang làm việc vấp phải ống nước té ngã rồi nhanh chóng đứng dậy tiếp tục chạy đua với thời gian... Nói về nghề chữa cháy, các chiến sĩ trẻ ví von, đây là cái nghề người ta chạy ra (khi có cháy) để tránh khỏi “lưỡi lửa”, còn mình thì chạy vô, “xáp lá cà” với “giặc lửa” để cứu người, cứu tài sản. Khi được hỏi về số chiến sĩ trẻ đến với nghề, Thượng tá Trần Văn Bảy - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện PCCC và cứu hộ cứu nạn thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết: “Để động viên, cổ vũ học viên không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện tốt và nhằm giúp họ xây dựng lễ tiết, tác phong nghiêm túc khi ở môi trường mới, trung tâm vừa tổ chức lễ khai giảng khóa công dân phục vụ có thời hạn trong lực lượng CAND đợt 2 năm 2010 và công bố quyết định thăng cấp bậc hàm cho các chiến sĩ mới. Lớp học có 200 chiến sĩ khóa mới công dân phục vụ có thời hạn trong lực lượng cảnh sát PCCC TP.HCM năm 2010. Khóa học được kéo dài 4 tháng, học viên được huấn luyện các môn: chính trị, pháp luật, điều lệnh, võ thuật và chuyên ngành PCCC cứu hộ - cứu nạn…”.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Bài 2: Dũng cảm lao vào “biển lửa”
Thượng tá Trần Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và huấn luyện PCCC và cứu hộ cứu nạn thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho hay: Lính cứu hỏa cần phải có sức khỏe, phải yêu nghề và giàu lòng can đảm, phản xạ nhanh nhẹn, thông minh trong các trường hợp. Vì vậy, để nâng cao tay nghề, các chiến sĩ PCCC thường xuyên tập luyện, dựng những vụ cháy giả để diễn tập nhằm ứng phó nhanh trong thực tế chiến đấu với “giặc lửa” có sức nóng lên đến hàng trăm độ C...