Thứ hai, 5/10/2009, 15h10

Trăm năm trồng người

Bài 1: Bốn đời theo nghề giáo

Nhà giáo Lê Hồ Thiên Thanh (mặc áo dài) cùng học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1

Dù trong nhà đã có bà nội và ba là giáo chức nhưng 3 chị em gái bà Hồ Thị Nhàn – nguyên Hiệu phó Trường Tiểu học Bến Nghé, Q.1 vẫn trao tặng những đứa con của mình cho sự tiếp nối truyền thống của một gia đình nhà giáo trong đó có ThS. Lê Hồ Thiên Thanh (giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1) là đứa con gái duy nhất của cô giáo Nhàn.
Ước mơ tà áo dài
Năm 1980, sau khi học xong tú tài Thiên Thanh quyết định thi vào trường sư phạm không phải vì “chuột chạy cùng sào” như một số người quan niệm mà vì hình ảnh của những người thân trong gia đình suốt đời theo nghề giáo đã in sâu vào tâm trí của cô từ hồi còn thơ bé. Ước mơ được mặc tà áo dài làm cô giáo đứng trên bục giảng được ấp ủ trong lòng Thanh từ lâu. Cô nhớ lại: “Hồi đó mẹ dạy học tại một trường tiểu học xa nhà, ba là liệt sĩ nên tôi phải sống với ông ngoại từ nhỏ. Thích nhất là lâu lâu được mẹ về thăm rồi dẫn vào trường chơi. Đi đâu mẹ cũng được mọi người chào hỏi cung kính, kể cả ông già bà lão. Biết tôi là con của cô giáo nên ai cũng quý mến. Người thì cho bánh cho quà, nhớ nhất là vài lần tôi mua kem họ cũng không lấy tiền. Tôi nghĩ chắc họ quý trọng mẹ lắm nên mới cưng chiều mình như thế. Tự nhiên tôi thấy mình cứ hãnh diện với lũ con nít trong làng”. Ấn tượng về nghề giáo cũng bắt đầu từ lúc Thanh cắp sách đi học. Mỗi lần về nhà, ông ngoại thường kêu đứa cháu gái trả bài, may mà lúc nào Thanh cũng thuộc. Cô bé tiểu học cứ thắc mắc không biết tại sao cái gì ngoại cũng đều biết, ông thông minh hơn cả mọi người. Cho đến sau này khi đủ khôn lớn cô mới biết lúc đó ngoại cũng là một thầy giáo, còn là Hiệu trưởng Trường TH Phan Đình Phùng, Q.3. Là người giỏi tiếng Pháp nên trong nhà ngoại có vô số sách, nhật trình nhất là các loại từ điển tiếng nước ngoài như Pháp, Hoa, Anh… Nếu ông ngoại đi theo phong trào Tây học thì bà ngoại lại là người vẫn giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc. Mỗi lần nằm bên cháu, bà cất giọng đọc ca dao, ngâm Truyện Kiều, hát đồng dao… Thanh lớn lên không chỉ nhờ áo cơm của cha mẹ mà còn nhờ vào “dòng sữa dân ca” ngọt ngào của bà ngoại bên mái nhà êm ấm. Có lẽ vì thế văn chương và nghiệp giáo cứ lan tỏa vào máu thịt và thấm dần vào tâm hồn cô bé cho đến khi trưởng thành. Sau khi học hết chương trình 12, cô nữ sinh Trường THPT Tenlơman đã chọn cho mình ngôi trường Đại học Sư phạm TP.HCM để tiếp nối truyền thống gia đình và thỏa lòng mơ ước. Thế nhưng sau bốn năm học Thanh ra trường cũng là lúc tiếng Nga bị “khủng hoảng” giáo viên bộ môn này “thiếu đất để dụng võ”. Trong lúc một vài bè bạn rẽ lối thì Thanh vẫn quyết định bám trụ với nghề bằng cách xin dạy tại Trường THCS Ba Đình, Q.5 với hai giáo án lên lớp là môn ngữ văn và lịch sử. Để làm lại từ đầu cô giáo “tay ngang” này phải tự mày mò về chuyên môn. Giáo án thì mượn của đồng nghiệp, thiếu tài liệu hỏi xin bạn bè. Cách nào cũng được, miễn là bắt nhịp với quỹ đạo chung của tổ bộ môn để đảm bảo đúng kiến thức. Tuy có vất vả nhưng “nghề dạy nghề” nên lâu dần Thanh vững vàng thêm trên bục giảng. Thế nhưng đó chỉ là chuyện “ăn đong”, Thanh vẫn nghĩ là có cơ hội mình phải tiến thêm một bước nữa.
Thêm đậm nét son truyền thống
Vì thế sau một năm về Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1 năm 1991 Lê Hồ Thiên Thanh liền đăng ký theo chương trình đào tạo lại môn tiếng Anh tại Trường Cao đẳng Sư phạm TP. Đến lúc này Thanh mới quyết định “rẽ bước sang ngang” cho kịp với xu thế chung của ngành và xã hội. Tuy nhiên cô không hề bỏ lớp, bỏ học sinh mà vẫn “bám trụ” với nghề.
Khi có bằng cử nhân tiếng Anh trong tay, chỉ vừa kịp “xả hơi” một năm thì Thiên Thanh thi tiếp cao học và theo ngành ngôn ngữ so sánh. Cô bộc bạch: “Hai lý do mà mình quyết định đi học tiếp đó là tri thức bao giờ cũng mênh mông, học hoài vẫn không hết và ngành ngôn ngữ so sánh lại mở theo hệ chính quy có nhiều điều hấp dẫn lắm”. Điều mà Thanh tâm đắc là càng học tiếng nước ngoài càng thấy tiếng Việt phong phú, đẹp ngôn từ, giàu bản sắc và mình lại thêm yêu quý tiếng mẹ đẻ. Thế nhưng chặng đường đi học của cô không phải là thiếu chông gai. Thanh kể, gần học xong năm cuối chuẩn bị bảo vệ luận án thì mẹ mất đột ngột. Nỗi đau quá lớn làm cô như muốn ngã gục. Thanh như bỏ hết tất cả những gì đang có giữa cuộc đời kể cả việc bảo vệ thạc sĩ. Thế nhưng đúng trong hoàn cảnh đó chồng của Thanh đã động viên cô đứng dậy. Anh Trần Văn Quang khuyên vợ: “Em đi học là có cả công của má ở trong đó, nếu không tốt nghiệp thì coi như chính em đã phụ lòng người đã khuất”. Đến khi Thanh quyết định bảo vệ luận án thì thời gian quá trễ, lần này cô phải đối mặt với khó khăn mới: đi vay tiền bạn bè để đóng tiền phạt, tiếp tục hoàn chỉnh luận án…
Xuất ngũ từ chiến trường Campuchia về, anh Quang cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Không muốn thua thiệt về trình độ với vợ, anh đã theo học lớp cử nhân xã hội học Trường ĐH Tôn Đức Thắng rồi sau đó là lớp cử nhân chính trị. Sức khỏe anh rất yếu vì phải 5 lần lên bàn mổ vừa vất vả cho vợ con mà việc học cũng bị gián đoạn. Thế nhưng bài học về ý chí trong môi trường quân ngũ đã giúp Quang vượt qua được thử thách trong cuộc sống. Là một giáo viên của Trường THPT An Đông, Q.5 thầy giáo Trần Văn Quang đã tô thêm một nét son vào truyền thống nhà giáo của gia đình.
Đều là nhà giáo nên cả hai vợ chồng luôn “đồng thanh tương khí, đồng ứng tương cầu” trong cả việc giáo dục con. Không chỉ là một vận động viên cầu mây của TP, con gái đầu Trần Lê Thanh Quyên còn là một thủ lĩnh xuất sắc của phong trào Đoàn Trường THPT Bùi Thị Xuân và hiện nay là sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM. Hai cậu con trai kế tiếp cũng là những gương mặt học sinh giỏi quen thuộc của Trường THCS Trần Văn Ơn và luôn mang những thành tích cao nhất về cho ba mẹ.
Ngồi tâm sự về nghề, Thiên Thanh kể cho tôi nghe câu chuyện, sau khi học xong cử nhân tiếng Anh, bạn bè cùng lứa có một vài người chuyển nghề, sang làm công ty du lịch, hải quan… Một chị cán bộ Phòng Tổ chức Sở GD-ĐT cũng báo cho Thanh biết bên hải quan đang cần người nếu đồng ý thì chuyển hồ sơ qua thế nhưng rồi cô cũng chỉ… im lặng. “Biết qua đó làm sẽ có tiền nhưng tôi vẫn tâm niệm về nghề truyền thống của gia đình mà mình đã chọn. Dù vẫn còn vất vả nhưng không bao giờ tôi hối tiếc vì đã chọn nghề giáo – nghề mà bà cố, ông ngoại và mẹ của tôi đã cống hiến trọn đời” - Thanh tự hào bộc bạch.
Hương Thủy