Thứ sáu, 15/1/2010, 16h01

Vui buồn đời kiểng: Bài 1: Công nghệ làm kiểng giả

Anh Trần Văn Khôi bên cây kiểng giả. Ảnh: T.A

Công nghệ làm kiểng giả ngày càng tinh vi, mặc dù hết sức cảnh giác nhưng số người bị mắc lừa ngày một tăng, trong số ấy có cả nghệ nhân kiểng. Thế mới đau!
Nghệ nhân cũng bị lừa
Chỉ tay về phía cây mai có hình dáng vừa phải, ông Nguyễn Tấn Phương (khu phố 5, phường 4, quận 8) lắc đầu nói: “Tằn tiện lắm mới dành dụm được ít tiền, muốn trong nhà có cây mai như người ta vậy mà bỏ ra 3 trăm ngàn đồng mua cây mai giả”. Ông Phương vừa dứt lời, bà vợ đang làm bếp cầm đôi đũa dính đầy dầu mỡ cũng chen vào trách mắng chồng: “Ông giỏi quá, cũng may là ông chỉ mua có một cây thôi đó”.
Nạn bị mắc lừa mua nhầm kiểng giả như ông Phương không phải là hiếm. Anh Trần Văn Khôi, phụ trách bảo trì mạng Công ty cổ phần Siêu Thanh cũng đã từng nếm mùi đau khổ. Anh Khôi kể: “Trên đường đi làm về, tôi thấy người chở kiểng bán dạo có cây mai rừng dáng rất đẹp. Mặc dù đã đề cao cảnh giác, xem rất kỹ nhưng khi chuyển vào sân, cành cây vướng vào cánh cổng bị gãy gọn. Lúc này mới biết mình đã bị lừa, coi như mất toi mấy trăm ngàn đồng”.
Tay ngang như ông Phương, anh Khôi bị mắc bẫy người bán kiểng giả thì không có gì đáng nói. Nghệ nhân Trần Văn Trứ từng nổi đình nổi đám với bộ kiểng tứ linh long, lân, quy, phụng cũng bị mắc lừa, thế mới đau. “Từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ bị mắc lừa ai, thế mà đến cái tuổi 76 (năm ông bị mắc lừa - NV) lại bị bọn làm kiểng giả lừa bán một cây mai với giá 3 triệu đồng. Người bán kiểng giả cho tôi chính là người làm công cho thằng học trò của tôi”. Nghệ nhân Trứ kể lại. Câu chuyện nghệ nhân Trứ bị mắc lừa lan rộng khắp vùng. Người thì bảo ông già yếu nên không còn tinh mắt, cũng có người cho rằng ông quá tin học trò cũ nên không để ý. Nhưng chính nạn nhân thừa nhận rằng: “Có lần thằng Tiến (học trò cũ - NV) nó nói sẽ làm một số cây mai giả bán kiếm tiền vào dịp Tết. Tôi có trả lời với nó rằng, nếu mày làm ra, tao nhìn vào mà phát hiện được kiểng giả thì đừng nên làm nữa, có ngày đi tù. Sau này giữa thầy và trò có chuyện xích mích trong kinh doanh, có thể vì thế mà nó quay lại chơi khăm cho mất tiếng tăm của cơ sở tui như vậy”.
Công nghệ làm kiểng giả
Đối với nhiều đại gia, chứng tỏ mình giàu có, quý phái không còn là những chiếc xe hơi đời mới, cặp bồ với các cô gái chân dài… mà hiện nay họ lại “đọ sức” với nhau qua thú chơi kiểng “độc”, đắt tiền. Mất đi một chậu kiểng nghĩa là mất một “chậu lộc”. Thám tử tư sẽ là người mà nạn nhân của kiểng tặc tìm đến.
Một ngày đầu năm 2010, tôi cùng nghệ nhân Trứ đến làng kiểng được xem là “lò” cung cấp mai giả ở huyện Bình Chánh để tìm hiểu về công nghệ làm mai giả. Nhờ sự quen biết và bằng kinh nghiệm của mình, nghệ nhân Trứ dễ dàng tiếp cận với người làm tại một hoa viên có tên Phượng Vỹ. Nghệ nhân Trứ nói với người làm vườn: “Con trai, bố có mấy thằng cháu thất nghiệp, nghe nói ở đây có làm mai giả, chú định lấy ít hàng về cho tụi nó bán kiếm tiền về quê ăn Tết”. Sao ông biết ở đây có bán mai giả? Người làm hỏi lại. Nghệ nhân Trứ lém lỉnh: “Trời ơi, dân trong nghề cả mà, tại cuối năm cơ sở của bố làm ăn thất bát, cho tụi nhỏ nghỉ việc cũng không đành”. Nghe lọt tai, người làm gợi ý: “Vậy ông đợi chút, ông chủ con theo xe đi giao hàng cũng sắp về rồi”.
Nhìn xuyên qua tấm mành lưới, phía sau những bụi cây giống cơ man nào là những gốc mai to, những chậu xi măng nhỏ và nhiều chai nước có màu rêu xanh. Tôi dùng vai lay vào tay nghệ nhân Trứ, như đã đoán được tôi muốn nói gì, nghệ nhân Trứ bỏ nhỏ: “Đó là đồ nghề để làm ra những cây mai giả”. Vừa mang nước trà ra mời khách, người làm lúc nãy nói: “Ông và anh ngồi uống nước chơi, con đi làm kẻo không kịp hàng giao”. Biết là mình không thể vào tận nơi làm mai giả, tôi hỏi trước: Thế mình làm bằng cách nào mà người mua không phát hiện hay vậy? “Ở đây đi tìm mua những gốc mai có hình dáng chuẩn mang về rồi ghép vào những cành mai thật (lấy phần cắt bỏ khi tạo dáng những cây mai - NV). Để các mối ghép dính chặt phải dùng xi măng trét lên mối ghép, sau khi xi măng khô thì quét lên cành một lớp màu xanh rêu, làm sao phát hiện được”.
Anh Đỗ Chiến, chủ cơ sở cây kiểng ở đường Chánh Hưng, Q.8 cho biết: “Lâu nay người bán kiểng giả thường không cho vào chậu nhưng bây giờ tinh vi hơn, họ cho vào chậu đàng hoàng để che mắt người mua”. Anh Chiến kể, có người mua cây mai về chơi cả tháng Tết, khi mang ra nhờ tôi nuôi dưỡng thì tôi phát hiện cây mai giả, bẻ thử cành giòn rụm. Lúc này người mua mai mới biết Tết năm rồi mình chơi mai giả! Theo tìm hiểu, để có được những gốc mai chết, dáng đẹp, những người làm mai giả săn lùng, đặt hàng ở khắp nơi. Anh Chiến bật mí: “Một gốc mai chết có thể bán với giá từ 100 đến 300 ngàn đồng. Những gốc to, có tuổi đời trên 10 năm có thể lên đến cả triệu đồng”.
Sau khi bị thằng học trò cũ lừa một cú ngoạn mục, nghệ nhân Trứ rút ra kinh nghiệm phát hiện mai giả. Những cây mai giả thường có cành và lá rất nhỏ, không được sung sức. Nhìn kỹ vào các nách lá, cành không được tự nhiên lắm. Đặc biệt, chỉ cần dùng chiếc chìa khóa hoặc cục đá nhỏ cạo nhẹ vào thân cây, nếu nghe tiếng sàn sạt thì chắc chắn đó là cây mai giả.n
Trần Tuy An