Thứ ba, 23/8/2016, 20h55

Ngày nhập học

Ngày học mới là ngày tựu trường, chứ chưa phải ngày khai giảng, nhưng cả phụ huynh lẫn học sinh đều ít nhiều rộn ràng.

Trong ngày tựu trường năm học mới, cô Trần Thị Kim Vân (giáo viên chủ nhiệm lớp 1/5 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4) hướng dẫn học sinh trong lớp để tập ngay ngắn khi viết bài. Ảnh: N.Trinh

1. Tôi đưa con đi học (tiểu học) sớm hơn bình thường một chút, thì đã thấy nhiều người cũng tranh thủ đưa con rồi vào trường gặp giáo viên, xem các thông báo hoặc đăng ký mua đồng phục, bảo hiểm, sách, tài liệu… Nhìn các cháu đã quen với trường vẫn còn khá bỡ ngỡ bởi vẫn chưa biết học ở phòng nào, với giáo viên nào, thì mới thương những em mới vào lớp 1. Các cháu hãy còn khép nép bên cha mẹ, tay cứ nắm chặt tay hoặc vạt áo cha mẹ, nét mặt lo lắng lúc phải vào lớp thì phải rời xa cha mẹ. Những cháu gặp lại bạn học chung hồi mẫu giáo thì còn tự tin ở trường học mới, nhưng những cháu nhìn mãi không thấy người quen thì trông đầy vẻ hồi hộp.

Còn ở sân trường, nhiều phụ huynh đang dỗ dành đứa con yêu của mình. Có người thủ thỉ chuyện trò nọ kia để con yên tâm vào lớp. Có người tranh thủ cột lại mái tóc, sửa lại nếp áo… Dĩ nhiên có những cháu đã dạn dĩ (học lớp 4, lớp 5) thì vào hẳn bên trong sân trường hoặc đi thẳng vào lớp, còn phụ huynh đã ra về từ lúc nào. Nhưng cũng có những cháu vào học với bộ dạng và trạng thái không như là trẻ bắt đầu năm học mới. Có cháu mang cái cặp cũ, không được giặt sạch sẽ. Có cháu mặc quần áo cũ của năm học trước, đã bạc màu, mà lẽ ra ở ngày đầu năm học, các cháu nên mặc bộ quần áo mới, bởi thông báo mua đồng phục mới đã có từ buổi họp phụ huynh cuối năm học rồi…

2. Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) có một tác phẩm nổi tiếng là Săn sóc sự học của con em, viết năm 1954. Tôi rất tâm đắc từ “săn sóc”, nó bao hàm sự chăm lo, chăm nom, giúp đỡ, động viên… một cách chu đáo, tận tình. Sự săn sóc đó phải bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Thông thường, chăm lo về vật chất được chú ý nhiều hơn; có khi cha mẹ mua sắm quần áo, bút sách mới, con đi học có tiền tiêu vặt… thì coi như đã săn sóc rồi. Kỳ thực bao nhiêu đó chưa đủ, phải chăm lo cả về tình cảm, tinh thần nữa, nhất là biết cách động viên, khích lệ để trẻ học tốt thì không chủ quan, học chưa tốt thì không nản chí, có khó khăn thì biết bền lòng vượt qua, gặp bạn bè ức hiếp hay giáo viên đối xử bất công thì biết nhẫn nhịn và tìm cách giải quyết… Săn sóc còn là luôn ở bên con trong việc học của con, nhưng không làm thay cho con, cũng không bắt con học theo ý cha mẹ hay học vì cha mẹ, luôn giúp con chủ động, tự lập nhưng không để con “tự bơi”.

Săn sóc về mặt vật chất thường dễ hơn về mặt tinh thần. Nhưng nhìn một số trẻ vào trường trong ngày nhập học với mái tóc chưa được chải gọn, với quần áo nhăn nheo, với chiếc cặp đứt quai…, tôi thấy xót xa và thương các cháu quá. Hẳn chính cái săn sóc dễ hơn mà cha mẹ các cháu cũng chưa thực hiện tốt. Đôi khi, có người đổ cho nghèo khó, hoàn cảnh đơn chiếc…, thực ra không thuyết phục, bởi dù nghèo thì bây giờ cũng có thể sắm được bộ đồng phục mới hay đơn giản hơn là ủi cho thẳng bộ quần áo cũ. Như người đàn ông ở trên nom cũng nghèo nhưng cách anh đưa con đi học cho thấy anh thực sự quan tâm việc học của con mình, có lẽ mong con sau này thành một người khác, không phải vất vả như mình nữa.

3. Cho nên, dù là người đang khó khăn hay đã có điều kiện, thì tình thương con chắc vẫn giống nhau, nhưng sự săn sóc việc học của con chưa hẳn giống nhau. Không phải đưa con đến trường bằng ô tô, cho con đi học thêm lớp này lớp nọ, cho con nhiều tiền tiêu xài… thì coi như săn sóc con đã tốt; cũng như không phải đưa con đi học bằng xe đạp, cho con mặc đồng phục cũ của người khác cho, tối tối tự kèm bài cho con… thì coi như săn sóc con chưa tốt. Không phải chỉ các biểu hiện cụ thể của sự săn sóc mà chính tấm lòng ẩn bên trong của sự săn sóc đó mới đáng nói hơn.

Giá như trong ngày nhập học, mọi trẻ đến trường đều đã nhận được sự săn sóc đầy đủ của cha mẹ, của nhà trường, của xã hội, thì chắc các em sẽ bắt đầu năm học mới đầy thuận lợi và tốt đẹp!

Trúc Giang