Thứ tư, 22/1/2014, 15h01

Ngày xuân nói chuyện thư pháp

Thư pháp xuân 2014. Ảnh: H.T

Cùng với vạn vật hòa vào sắc xuân của trời đất thì những dòng chữ “như phượng múa rồng bay” mà thi nhân đã gửi lời, gửi ý, gửi hoài vọng trong câu đối, câu chúc Tết để đón chào năm mới, cũng là một trong những món quà tinh thần để biểu thị cho ước vọng ngày xuân.
Vì vậy, nghệ thuật thư pháp từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Hay: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”…
Có thể nói, cùng với hội họa âm nhạc, thi ca… thì thư pháp được nhìn nhận là nghệ thuật đặc thù “cao cấp”, là biểu tượng thẩm mỹ của nền văn hóa dân tộc ở một số nước phương Đông.
Đối với nước ta, ngay từ xa xưa, khi ông cha chúng ta còn dùng chữ Hán, chữ Nôm làm chữ viết chính thống thì sự quý chữ, trân trọng chữ và kính chữ đã đạt đến tột đỉnh. Hơn thế nữa, nó còn được coi là một trong những chuẩn mực làm nên nhân cách con người. Ông đồ nào, văn nhân nào viết chữ đẹp, danh giá sẽ được lan truyền hàng tỉnh, hàng miền và cả nước. Viết chữ đẹp còn luôn luôn là niềm khát khao và ngưỡng vọng của bất cứ thế hệ nào ở bất cứ miền nào trong đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Phan Ngọc viết rằng: “Khi bước vào một căn nhà Việt Nam cái đập vào mắt ta là câu đối, trướng, hoành phi nhắc chúng ta nhớ đến văn hóa tổ tiên. Tại sao cái tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam không phải là những kiến trúc nguy nga của vua chúa, mà là chữ? Chữ ghi lại trong các câu đối, hoành phi, trong các gia phả, trong trí nhớ mọi người…”. Và nhất là những ngày Tết, khắp tỉnh cùng quê ở Việt Nam, hầu hết mọi nhà, từ giới thượng lưu đến giới bình dân, đều dán hoặc treo câu đối Tết. Người văn hay chữ  tốt “tự biên tự diễn” cho gia đình mình, kẻ ít học có thể cậy người thân phóng bút, hoặc ra phố chợ mua chữ ở các lều sạp của mấy ông đồ.
Hình ảnh “ông đồ” trong thơ Vũ Đình Liên (1913-1996), gần 70 năm qua đã trở thành ký ức  đẹp của nhiều lớp người - nhớ lại một thời vang bóng của chữ Hán trong sinh hoạt tập quán của xã hội Việt Nam. Thật vậy, từ buổi thoái trào của thư pháp qua cảnh “Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay” trong thơ Vũ Đình Liên cho đến nay, có thể nói, nghệ thuật thư pháp Việt Nam đã cách tân và khởi sắc, nó làm một cuộc đổi mới ngoạn mục - đó là sự xuất hiện của thư pháp chữ Việt (theo ký tự Latinh) - hình ảnh ông đồ vẫn xuất hiện vào những dịp tết lễ như một sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp. Hy vọng, việc chơi thư pháp, thưởng lãm thư pháp chữ Việt hiện nay không chỉ dừng lại ở tính phong trào mà là sự hiện diện có ý nghĩa của một thú chơi tao nhã, phát huy được cái đẹp, cái hồn của mỗi chữ Việt trong lòng người dân nước Việt. Trong không khí ấm áp của mùa xuân, bên cành mai, chén trà, ly rượu, cùng ngồi ngắm những bức tranh chữ để suy ngẫm về triết lý sống của tiền nhân, để gửi gắm những hoài vọng, niềm tin cho một năm mới tràn đầy tốt đẹp thì thật thú vị biết bao.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín