Thứ ba, 29/11/2016, 20h54

Ngữ liệu trong SGK cần ngắn và chuẩn ngữ pháp

Hạn chế của sách giáo khoa (SGK) ngữ văn hiện nay là ngữ liệu (văn bản) dùng dẫn dắt cho học sinh (HS) tìm hiểu để hình thành nội dung bài học ở nhiều bài trong hai phân môn tiếng Việt và tập làm văn quá dài nên không đủ thời gian dạy.

Theo các GV, hạn chế của SGK ngữ văn hiện nay là ngữ liệu quá dài khiến cho họ không đủ thời gian dạy (ảnh minh họa). Ảnh: H.Tr

Có khi ngữ liệu không chuẩn xác về mặt ngữ pháp làm cho giáo viên (GV) khó dạy, khó có hướng tốt dẫn dắt vào bài để cho HS hiểu. Mặc dù ngành giáo dục cho GV có quyền đưa ngữ liệu hoặc chọn ngữ liệu để làm cho HS hiểu nội dung bài học song có mấy ai chủ động thực hiện, hơn nữa nếu thực hiện mà gặp người thanh tra, kiểm tra không nắm vững chủ trương về việc GV có quyền tự đưa ngữ liệu vào để dạy, hoặc không mang tinh thần xây dựng mà ngược lại có tư tưởng “vạch lá tìm sâu” thì ảnh hưởng xấu đến người dạy. Chính vì thế GV hầu hết đều dạy theo ngữ liệu ở SGK và khi gặp những ngữ liệu dài, không chuẩn dẫn đến một tiết dạy học không đạt hiệu quả như mong muốn.

Người viết bài này là GV đã gặp nhiều bài học có ngữ liệu như vậy, nên xin được đưa ra một trường hợp ngữ liệu quá dài và ngữ liệu không chuẩn về mặt ngữ pháp ở phân môn tập làm văn lớp 7 để minh họa.

Ở bài học Cách làm lập ý của bài văn biểu cảm trong sách Ngữ văn 7 (tập I) chỉ dạy trong 1 tiết mà ngữ liệu quá dài, do đó không đủ thời gian giảng dạy, ngữ liệu lại sử dụng dấu phẩy sai ở phần Tiểu mục làm cho Tiểu mục trở nên tối nghĩa. Mục đích bài học này là bày cho HS các cách tìm ý cho việc làm bài văn biểu cảm nên bài học nêu ra ngữ liệu về 4 cách lập ý thường gặp theo Tiểu mục mà sách trình bày là: 1/Liên hệ hiện tại với tương lai. 2/Hồi tưởng quá khứ và suy nghĩ về hiện tại. 3/Tưởng tượng tình huống, hứa hẹn, mong ước. 4/Quan sát, suy ngẫm.

Mỗi tình huống đều có các ngữ liệu là văn bản để từ đó GV hướng dẫn HS theo phương pháp dạy đặc thù của phân môn Tập làm văn là quy nạp thực hành, thế nhưng các văn bản làm ngữ liệu thì quá dài tổng cộng gần 4 trang sách. Chỉ riêng việc HS đọc các văn bản này thôi cũng hết 1/2 thời gian tiết học thì lấy đâu thời gian để các em trả lời câu hỏi nhằm tìm hiểu bài học và thực hiện các hoạt động học tập trên lớp. Nên ở bài này cần dạy trong 2 tiết mới đảm bảo hết nội dung và HS mới thật sự nắm được bốn cách lập ý cho bài văn biểu cảm.

Riêng ở cách: Tưởng tượng tình huống, hứa hẹn, mong ước thì dùng dấu phẩy sau từ “tình huống” là không đúng. Bởi lẽ, theo bài học, để lập ý thì HS cần biết cách tự mình tưởng tượng ra các tình huống để từ đó dẫn đến sự hứa hẹn, hoặc có cơ sở để mong ước nên sau từ “tình huống” mà dùng dấu phẩy là làm cho Tiểu mục không rõ ràng, chưa nói đến là tối nghĩa, cả GV nếu không tìm hiểu kỹ thì cũng không hiểu chứ chưa nói đến HS mà là HS lớp 7. Vì vậy, cần bỏ dấu phẩy sau từ “tình huống” và có thể thêm từ “để” hoặc từ “nhằm” như sau: Tưởng tượng tình huống để hứa hẹn, mong ước, hoặc Tưởng tượng tình huống nhằm hứa hẹn, mong ước có thể các em mới rõ ý của Tiểu mục là muốn lập ý thì tự mình cần tạo ra tình huống nào đó và khi có tình huống mới hình thành ý về sự hứa hẹn hoặc về sự mong ước.

Ở bài học này thì ngữ liệu quá dài, chưa chuẩn về mặt ngữ pháp sẽ dẫn đến việc dạy học qua loa nên HS không hiểu bài, như thế biến việc dạy học như chuyện “cởi ngựa xem hoa”. Dùng dấu câu sai thì sẽ dẫn đến HS không biết cách dùng dấu câu đưa đến hệ quả là diễn đạt tối nghĩa, nhất là việc dùng dấu phẩy, bởi lẽ diễn đạt câu, thì dấu phẩy được dùng.

Chính vì vậy, trong việc thay SGK lần này ở hai phân môn tiếng Việt, tập làm văn, chúng tôi rất mong đưa ngữ liệu ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, chính xác phải có đích hướng đến nội dung bài học, đảm bảo tính khoa học, chuẩn về ngữ pháp hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp thầy và trò khám phá bài học nhanh, dễ dàng đạt hiệu quả hơn.

Nguyễn Văn Tú