Thứ bảy, 18/11/2017, 17h32

Người đưa đò vùng lũ quét

Trường THCS An Hòa (H.An Lão, Bình Định) trong đợt lũ ngày 6-11-2017

Tháng chín rồi. Cũng sắp tới ngày giỗ cha tôi. Một hôm, mẹ tôi ra đứng giữa sân, khum khum bàn tay như che nắng, nhìn tứ phương rồi nói: “Năm nay, mưa muộn quá con, sao giờ vẫn nắng vậy nè. Lẽ ra giờ này phải mưa nhiều rồi mới phải. Mùa mưa mà mưa ít. Chẳng có bình thường chút nào. Mẹ thấy lo!”.

Chừng như trời đất cũng không muốn để người làng phải lo sao mưa muộn, mưa ít. Mấy ngày sau, bão vào, mưa đến. Mưa trắng trời. Quê tôi lại lo hứng lũ. Mới đầu mùa mà đã chịu trận lũ lịch sử rồi.

1.Từ quốc lộ 1 về thung lũng quê tôi (một số xã của huyện vùng cao An Lão, tỉnh Bình Định) chỉ có một con đường duy nhất, mọi người thường gọi là “độc đạo”. Năm nào cũng vậy, hễ mùa lũ về là nhiều ngày bị chia cắt. Chúng tôi bị cô lập, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Bất đắc dĩ đành chịu cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để chờ đợi nước rút.

   
Một số hình ảnh lũ ngập nhà và đường sá

Năm đó, cũng vào cuối tháng chín (âm lịch), cha tôi ra đi, đúng những ngày mưa xối xả, đất trời mịt mù, nước lũ hung dữ, ồ ạt đổ về. Tới giờ nhập quan mà áo quan của cha tôi chưa thể về được tới nhà bởi con đường đang bị chia cắt.

Thân phụ một đồng nghiệp của tôi ốm nặng, được bệnh viện chuyển cấp cứu lên tuyến trên. Mà nước lũ chia cắt, không có đường ra. Chị đồng nghiệp nói trong nước mắt: “Người ta phải đưa ông qua mấy chặng ca nô (dụng cụ cứu hộ của bộ đội và công an) trong đoạn đường gần ba mươi cây số, chậm bao nhiêu thời gian, không còn được xem là “cấp cứu” nữa”. Mấy ngày sau, ông không qua khỏi, xe cứu thương đưa ông trở về, mắc kẹt đầu bên kia một đêm ròng rã. Mọi người chỉ biết đợi chờ trong nỗi xót thương.

2. Núi rừng quê tôi nhiều sông suối, nước lũ lồng lộn, hung hãn đến nỗi không biết tự bao giờ đã gọi là “nước hỗn”. Dù có đề phòng thế nào, mỗi mùa mưa đến, cũng phải hứng nhiều cơn lũ bất ngờ, có khi dồn dập, trở chẳng kịp tay.

Đầu mùa lũ, nước bạc từ thượng nguồn đổ về, không biết nó sẽ đem theo bao nhiêu phù sa màu mỡ. Chỉ biết đối với phụ nữ mang thai là nỗi lo sợ ám ảnh cho sự an nguy của đứa con trong bụng, nếu chẳng may phải ngập chìm trong dòng nước bạc. Cô giáo, bạn tôi, dạy học nơi bản làng trên núi cao. Con đường dốc đèo đến trường phải lội qua nhiều ngầm tràn trong dòng nước bạc. Đứa con cô đặt vào dạ chưa bao lâu đã phải rời xa cô đi mãi. “Giờ mình hiểu sao rồi. Nước bạc đầu mùa đem theo bao nhiêu thứ độc hại từ núi rừng đổ xuống. Thể trạng mình yếu mà con còn quá nhỏ nên đã bị nhiễm độc...”, giọng cô vẫn nghẹn ngào như ngày đó, cách đây mấy năm.

Cầu Tràng nối liền các xã vùng cao huyện An Lão (Bình Định) bị đợt lũ ngày 5-11-2017 cuốn sập

Khu ký túc của giáo viên nhiều trường, nằm gần mé sông, nơi tá túc của những thầy cô giáo từ miền xuôi về đây dạy học, sau trận lũ bất ngờ trong đêm, như tan hoang. Một cô giáo mắt vẫn còn hoen đỏ, thất thần. Cô đang mang thai đứa con đầu lòng. Nước tràn vào phòng, tới mắt cá chân, rồi đến đầu gối. Trong tích tắc, nước dâng lên lưng cửa sổ. Thầy giáo trẻ mới về trường tìm mọi cách cõng nâng cô vượt biển nước đêm tìm nơi an toàn. Năm đó, ký túc mấy lần chịu lũ. Thầy thổ lộ: “Trước giờ, em chưa từng chứng kiến cảnh tượng bao nhiêu trận lũ dữ dồn dập mà mình phải ngụp lặn chống chọi trong may rủi như thế này.”.

Nối lại một chiếc cầu bị lũ cuốn

3. Một năm, lũ về đúng dịp 20 tháng 11. Thương thầy cô ở trường không có gì, phụ huynh trong làng đem biếu mấy con vịt. Người thầy giáo già, tóc đã hoa râm, bùi ngùi nhớ lại: “Họ vừa về, thầy cô còn chưa biết sẽ làm gì với món quà quê thì “nước hỗn” ập tới. Trong chưa đầy một giờ, cả làng như nổi lềnh bềnh trong biển nước. Mấy con vịt cũng theo dòng nước bơi đi hay chúng đã bị lũ cuốn trôi đâu mất...”.

Con heo nái mẹ và bầy heo con mới đẻ của cô giáo trong ký túc cuống cuồng, bì bõm trong nước. Cô là mẹ đơn thân với hai con nhỏ. Bầy heo cô nuôi để tăng phần cho tụi nhỏ, cũng không kịp cứu. Cô chỉ còn biết tự an ủi: “Thôi thì của đi thay người”.

4. Với địa hình đồi núi, độ dốc lớn, chia cắt, nhiều suối, hệ thống tràn, ngầm tràn có vai trò quan trọng nối các tuyến đường liên thôn, xã. Khi mưa lớn, lũ từ trên núi đổ xuống, các tràn đều bị ngập nhanh, kéo dài hàng giờ, mức nước cao đến hàng mét, nước chảy rất xiết và vô cùng nguy hiểm khi đi lại. Những điểm trường học ở các bản làng đều gần các con nước (suối). Học sinh ở các làng xa về học phải qua nhiều ngầm tràn hoặc những con suối lớn không có cầu.

Cô giáo với hơn ba mươi năm cắm bản ngậm ngùi kể lại bình thường cô khỏe lắm, vẫn cõng học sinh qua đoạn tràn này. Nhưng hôm đó mưa lớn, cô đã nhờ dân bản trợ giúp. “Thấy ngầm tràn nước còn nhỏ, hai thanh niên trong bản quyết định cõng các con vượt tràn về nhà. Vừa ra giữa tràn, bỗng dưng nước đâu từ trên núi ập xuống, dù các anh đã nỗ lực hết sức, một cháu nhỏ đã không bao giờ có thể về nhà được nữa. Thương tâm lắm...”.

“Suối nước Đồng Khe nổi tiếng hung hãn này vẫn còn thương nên nó đã để cho mình trở về”, thầy giáo dạy học ở điểm trường gần con nước này kể lại. Hôm đó, sau khi cõng học sinh qua suối, thầy quay lại, đến giữa dòng thì lũ xuống nhanh. Thầy chỉ kịp bám vào khúc gỗ trôi, vật lộn với dòng nước dữ và may mắn, thầy đã trở về.

Con một gia đình cô giáo ở An Lão được bảo hộ đề phòng khi nước lũ đang dâng cao

Cho đến bây giờ, suốt mấy tháng mùa mưa, cả thầy và trò lúc nào cũng trong tâm trạng thấp thỏm. Bởi chỉ cần mưa lớn vài giờ là lũ xuống cuồn cuộn. Thầy cô thường phải phân công nhau thăm nước. Mỗi người sẽ phụ trách một đoạn ngầm tràn, cầu tràn hoặc suối lớn để đưa học sinh về. Hoặc nếu không thể qua được thì lo chỗ nghỉ cho các con, đợi nước rút. Với những thầy cô dạy học trên các bản làng, vào mùa mưa lũ, thì nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các con là trên hết.

… Dù thế nào, cuộc sống nơi núi rừng của tôi vẫn cứ tiếp diễn như nó vốn dĩ phải thế. Mỗi mùa mưa, chúng tôi đều được nghe thông tin từ báo đài đánh giá là quê mình phải chịu trận lũ lớn nhất trong lịch sử. Dân làng hiểu rằng năm sau lũ luôn tàn bạo hơn năm trước, thiên tai ngày càng khắc nghiệt hơn. Cứ thế, như là quy luật. Và, tuy không nói ra, nhưng hình như người làng ai cũng hiểu từ đâu núi rừng của mình phải gánh chịu những cơn thịnh nộ ngày càng dữ dội hơn của đất trời.

Mẹ tôi lo nỗi lo của người già. Mưa nhiều, mưa lớn thì sợ lũ lụt. Vậy mà chỉ cần mưa muộn, không như quy luật hàng năm thì mẹ lo. Mẹ lo lắng trời đất đổi thay làm người ta ở cái xứ này không sống được.

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh