Thứ bảy, 4/11/2017, 21h17

Người “thổi hồn” cho mặt nạ tuồng

Trong sự phát triển như vũ bão của công nghệ, giữa muôn vàn loại hình nghệ thuật, giải trí hiện đại, mấy chục năm qua, anh vẫn âm thầm thổi hồn vào những chiếc mặt nạ tuồng. Với anh, giữ nghề là giữ lấy gốc gác, cội nguồn của cha ông mình bao đời tỏa sáng trên ánh đèn sân khấu…

Anh Linh miệt mài “thổi hồn” vào những mẫu mặt nạ tuồng để giữ gìn nghệ thuật truyền thống

1. Căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Ngọc Linh nép mình khiêm tốn bên con đường Tô Hiến Thành (quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Phần lớn không gian trong ngôi nhà ấy, anh giành lưu giữ những bức ảnh kỉ niệm về ba anh, cố NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế (một nghệ sĩ Tuồng) và hàng trăm chiếc mặt nạ, mỗi chiếc biểu hiện một gương mặt, một trạng thái rõ nét. Anh bảo, mặt nạ tuồng đặc trưng ở chỗ, nhìn vào dáng dấp và mặt của diễn viên khi bước ra sân khấu, người xem có thể đoán ngay được nhân vật ấy trung hay gian, quan văn hay quan võ...

Sinh ra trong gia đình có ông bà nội, chú và cha đều là NSND và NSƯT, với những tên tuổi mà chỉ cần nhắc đến tuồng, người dân vùng Quảng Nam - Đà Nẵng lớp trước không ai là không nhớ như ông bà nội anh là NS Nguyễn Vĩnh Trung và NSND Ngô Thị Liễu, cha là NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế và chú là NSƯT Nguyễn Vĩnh Phô… Ngày nhỏ, tầm bảy tuổi anh đã theo chân cha, ông bà đứng xem họ diễn sau ánh đèn sân khấu. Lớn lên chút nữa, anh từng tham gia lớp đồng ấu của gánh tuồng Liên khu 5 đi diễn khắp miền Trung. Sớm được hòa nhập trong môi trường nghệ thuật tuồng nhưng Linh không theo tuồng. Anh nói, anh thiếu một chút duyên để gắn bó với nghề. Rồi anh rẽ theo lối khác, trở thành người công tác trong ngành dược, nhưng với anh, hình ảnh về những sân khấu sáng đèn trong ký ức tuổi thơ vẫn luôn dội về đâu đó trong từng niềm thao thức. Dẫu không theo nghề, nhưng những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi cha anh về công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng ngoài công tác đạo diễn, ông còn được phân công làm phó ban nghiên cứu nghệ thuật tỉnh. “Thời điểm đó về sau này, cha tôi đi sâu nghiên cứu nghệ thuật tuồng, đặc biệt là mặt nạ. Rồi ông bắt tay vào việc thống kê và nắm bắt các mẫu mặt nạ, đã có khoảng 82 mẫu được ông vẽ lại, viết thành sách. Sau này số mặt nạ đó được sưu tầm thêm, sáng tạo ra lên đến khoảng hơn 100 mẫu. Từ các hình mẫu của cha, tôi cùng ông bắt đầu đắp, vẽ nên các mẫu mặt nạ tuồng”.

Anh Linh trầm tư: “Nghệ thuật tuồng kén người xem. Nghệ nhân vẽ mặt nạ tuồng cũng không có nhiều, ít người am hiểu và có thể vẽ được cả trăm mặt nạ biểu hiện hàng trăm nhân vật khác nhau. Vì thế nguy cơ thất truyền là rất lớn. Từ những mẫu mặt nạ mà cha ông mình sưu tầm, tôi “thổi hồn” vào nó để gìn giữ vốn quý của dân tộc. Vì vậy, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ nếu ai đó muốn tìm hiểu và theo đuổi môn nghệ thuật này!

2. Công việc giữ lửa của anh Linh cứ âm thầm cùng cha như vậy. Cách nay vài năm, cha anh khuất núi, phố nghệ sĩ bên đường Tô Hiến Thành buồn hơn vì vắng bóng một cây tuồng tài ba một thuở, nhưng trong ngôi nhà nhỏ ấy, anh Linh vẫn âm thầm tiếp tục đắp vẽ, “thổi hồn” vào từng chiếc mặt nạ bằng tình yêu nồng cháy dành cho cả nghệ thuật và cả người cha của mình. Anh bảo, tình yêu tuồng ngấm vào anh như hơi thở. Vì thế, mỗi chiếc mặt nạ được anh nghiên cứu kỹ lưỡng tính cách từng nhân vật, các đặc trưng khuôn mặt từng vùng miền khác nhau để làm nên từng đường nét trên cơ mặt nhân vật đó. Đặc biệt, ngoài những khuôn mặt thường thấy ngoài đời như mặt chữ điền, mặt trái xoan, mặt tròn, nghệ thuật tuồng còn có các nhân vật mang mặt rằn được cách điệu lên khác hẳn với cuộc sống bình thường. Mỗi khuôn mặt đều có các đường nét quy ước. Đơn cử như mặt chữ điền là người chính trực, mặt lưỡi cày là tay đoản hậu, râu rìa lông ngực là tội phản thần… “Ngày xưa đoàn tuồng thường diễn một vở kéo dài cả trăm đêm. Tuồng mang tính nghệ thuật bác học ở chỗ khi nhân vật xuất hiện thì khán giả biết ngay nhân vật đó thuộc loại tính cách nào, trung hay nịnh, thiện hay ác, tốt hay xấu, nóng nảy, cộc cằn hay điềm tĩnh, khoan dung… Cũng từ đó mà người xem có thể xem hoài một vở tuồng không chán. Càng coi càng thấm, càng nghe hát càng thấy hay, có nhiều người thuộc cả lời”, anh Linh nói.

3. Tình yêu dành cho những chiếc mặt nạ tuồng trong anh Linh chưa bao giờ bị đứt đoạn, dù nghề không mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. “Mình vẽ theo ngẫu hứng, có ngày vẽ được 2 mặt, có khi 3, 4 tháng ròng chưa hoàn thiện được khuôn mặt nào”. Làm được một khuôn mặt ưng ý phải có thời gian và nguồn cảm hứng mới làm được. Khách hàng tìm đến anh vì thế không bao giờ ép thời gian, họ biết chờ đợi để nhận về sản phẩm hoàn hảo hơn.

Anh còn âm thầm đóng góp sức mình hồi sinh lại những gánh tuồng, đưa nó đến gần hơn với công chúng. Không khó để tìm thấy anh bên hông những sân khấu tuồng ở bờ đông sông Hàn mỗi tối thứ 7. Anh nhiệt tình vẽ mặt nạ cho những người yêu thích nghệ thuật này, từng nét kẻ, nét dặm trên khuôn mặt đều được anh dùng đôi tay khéo léo. Chưa hết, anh còn có mặt ở những hội nghị quảng bá du lịch, xúc tiến du lịch ở khắp nơi để đưa loại hình nghệ thuật này ra phạm vi rộng hơn. Anh nói, việc làm ấy là để giữ ngọn lửa yêu nghề của cha ông. “Mỗi chiếc mặt nạ ở góc độ nào đó là cầu nối giúp khán giả yêu hơn nghệ thuật tuồng. Vì vậy khi chắp bút kẻ, dặm mặt phải làm bằng cả cái tâm và dày công nghiên cứu để đưa ra hình mẫu đúng nhất, tránh thất lạc”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên