Thứ ba, 4/7/2017, 22h07

NGƯT Nguyễn Ngọc Ký: Sức lan tỏa tích cực trong xã hội

Tên tuổi của NGƯT Nguyễn Ngọc Ký đã quá quen thuộc với nhiều người, nhất là với học sinh, thầy cô giáo và cán bộ công chức ngành giáo dục. Ở tuổi 70, “Tâm huyết trao đời” được ông dồn cả tâm huyết để truyền lửa bằng ngòi bút của mình.

NGƯT Nguyễn Ngọc Ký giao lưu cùng với độc giả nhân kỷ niệm sinh nhật tuổi 70 và ra mắt tự truyện “Tâm huyết trao đời”

Tấm gương sáng ngời về nghị lực

Những câu chuyện vượt khó để học tập của thầy Nguyễn Ngọc Ký từ những trang sách giáo khoa đã lan tỏa, có sức lay động biết bao thế hệ thanh niên, học sinh ở Việt Nam ngay từ nhưng năm tháng ấu thơ được cắp sách đến trường. Sự nỗ lực phi thường ấy đã đưa thầy Nguyễn Ngọc Ký trở thành một nhà giáo ưu tú, giàu tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký đã rời xa bục giảng nhưng trái tim người thầy vẫn thôi thúc ông truyền cảm hứng yêu đời, luôn phấn đấu vượt lên chính mình, cho các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau qua tác phẩm “Tâm huyết trao đời”. Vừa qua, nhân dịp mừng sinh nhật tuổi 70 cũng là ngày ra mắt cuốn tự truyện “Tâm huyết trao đời” (First News Trí Việt và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) của nhà văn, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký đã nhận được sự quan tâm, yêu thương của nhiều người. “Tâm huyết trao đời” chính là tập cuối của bộ ba hồi ký cuộc đời nhà văn, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký như một bức tranh hoàn chỉnh gửi đến bạn đọc. Nếu ở tự truyện “Tôi đi học”, “Tôi học đại học” là câu chuyện thời trẻ của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký thì “Tâm huyết trao đời” là tháng năm ông đứng trên bục giảng. Gần 50 câu chuyện kể về khoảng thời gian chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, theo lời khuyên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về quê dạy học rồi trở thành giáo viên dạy giỏi của toàn ngành, đến khi là cán bộ xuất sắc của Phòng Giáo dục quận Gò Vấp, TP.HCM và nghỉ hưu năm 2005.

Trong lá thư gửi NGƯT Nguyễn Ngọc Ký, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Mấy chục năm qua, tấm gương Nguyễn Ngọc Ký đã được các thế hệ thanh niên, học sinh ở nước ta trân trọng, cảm phục như một trong những điển hình sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận tật nguyền, để sống có ích và giúp ích cho mọi người, cho đất nước”.

Những năm tháng cơ cực nhưng nhà văn, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký đã không đầu hàng số phận. Tấm gương sáng ngời về nghị lực kiên trì khổ luyện, tập viết bằng chân, tập làm việc, sinh hoạt bằng chân đã lay động nhiều trái tim. Ít ai ngờ rằng cậu bé Nguyễn Ngọc Ký ngày ấy đã trở thành một con người có sức ảnh hưởng to lớn trong cộng đồng bởi lòng khát khao vươn lên trong cuộc sống bằng đôi chân kỳ diệu.

Sức lan tỏa của “Tâm huyết trao đời”

Xuyên suốt chiều dài 357 trang sách của “Tâm huyết trao đời”, những câu chuyện giản dị được kể một cách chân thật, sinh động, có sức hấp dẫn và lay động người đọc mạnh mẽ. Mỗi chương là một cánh cửa, mở ra không gian rộng lớn cho bạn đọc hiểu thêm về tâm hồn và triết lý sống của nhà văn, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký.

Ngày ra mắt tác phẩm, khán phòng chật kín với rất nhiều mái đầu bạc lẫn những mái đầu còn xanh. Họ đến để được sẻ chia cùng ông. Còn NGƯT Nguyễn Ngọc Ký, ông bất ngờ vì nhận được nhiều tình cảm yêu thương, trân quý của mọi người đến vậy. Ông đứng lặng lẽ, nắm chặt tay người bạn đời của mình. Cuộc đời của NGƯT Nguyễn Ngọc Ký đã dành trọn vẹn cho nghiệp sư phạm. Sau những ồn ào, náo nhiệt của đời sống, ông có những khoảng lặng dành cho văn học. Với ông, đó là hạnh phúc.

Nhà văn, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký chia sẻ, “Cuộc đời còn là những ân tình, đời tôi may mắn vì có vợ mình luôn sát cánh, chia sẻ cùng tôi những vui buồn trong cuộc sống. Trong tình yêu đó còn có cả sự biết ơn không thể nói hết bằng lời”. Vì lẽ đó, trong tác phẩm “Tâm huyết trao đời”, người đọc không khỏi xúc động trước những tình cảm ông dành cho vợ và các con.

Tự truyện “Tâm huyết trao đời”
Trong lá thư gửi NGƯT Nguyễn Ngọc Ký, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Mấy chục năm qua, tấm gương Nguyễn Ngọc Ký đã được các thế hệ thanh niên, học sinh ở nước ta trân trọng, cảm phục như một trong những điển hình sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận tật nguyền, để sống có ích và giúp ích cho mọi người, cho đất nước”.

“Tâm huyết trao đời” không chỉ là những chắt lọc mang tính chuyên môn mà còn là tâm hồn, tình cảm, nhân cách cao đẹp của một nhà giáo chân chính, có sức lan tỏa tích cực trong xã hội. Mở đầu trang sách, độc giả lắng lòng với những dòng hồi ức “Đêm lang thang giữa chốn thành Nam” kể về những khó khăn ngày đầu khởi nghiệp khi thầy Nguyễn Ngọc Ký vừa nhận bằng tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đôi chân có lúc tưởng chừng như đã rã rời muốn quỵ nhưng với lòng quyết tâm, ý chí vươn lên, thầy đã không lùi bước. Có lẽ vì vậy, “Tâm huyết trao đời” của NGƯT Nguyễn Ngọc Ký được đánh giá như người bạn hiền, luôn khích lệ bạn đọc mỗi khi họ phải đối mặt với khó khăn, thử thách. Cuốn sách cũng truyền cảm hứng yêu đời, luôn phấn đấu vượt lên chính mình, cho các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau. Với tâm huyết cháy bỏng của mình, thông qua mỗi câu chuyện kể tác giả Nguyễn Ngọc Ký đã “trao đời” những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đúc rút từ chính cuộc đời mình - người thầy dạy học, viết văn bằng chân đầu tiên ở Việt Nam, với tư duy đổi mới về dạy và học, về đào tạo phát triển toàn diện con người.

Suốt 7 năm qua, nhà văn, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký vẫn phải chiến đấu với bệnh tật bằng những ngày ngược xuôi chạy thận nhân tạo. Thế nhưng, niềm vui, sự lạc quan vẫn hiển hiện trên khuôn mặt người thầy đáng kính. Nhà văn, NGƯT thực sự là một tấm gương sáng ngời của nhiều thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau vươn lên, hướng về tương lai tươi sáng.

Bài, ảnh: Yên Hà