Thứ hai, 6/2/2012, 16h02

Nhà văn Mã Thiện Đồng: Giáo dục thế hệ trẻ bằng nhân vật lịch sử

Nhà văn Mã Thiện Đồng. Ảnh: T.An

Tác phẩm của Mã Thiện Đồng được đánh giá là những “pho sử” sống động với những nhân vật làm nên lịch sử. Nhà văn Mã Thiện Đồng đã dành cho Giáo Dục TP.HCM buổi trò chuyện thú vị về chuyện đời, chuyện nghề.
Nhà văn Mã Thiện Đồng sinh năm 1950 tại Hải Dương, nguyên là giáo viên văn THPT tại Long An. Bà bắt đầu nghiệp cầm bút từ năm 2000. Những cuốn sách đã xuất bản được công chúng đón nhận gồm: Biệt động Sài Gòn - chuyện bây giờ mới kể (NXB Tổng hợp TP.HCM); Bóc vỏ trái đất (NXB Văn học), Mạch nguồn (NXB Thanh niên); Ký ức tàu không số (NXB Tổng hợp TP.HCM); Đoàn cảm tử quân trên biển; Hương thôn nữ (thơ)…Đó là những đứa con tinh thần ra đời sau ngày bà lãnh lương hưu và chuyển về TP.HCM sinh sống.
PV: Con đường đến với nghiệp cầm bút của bà như thế nào, thưa nhà văn?
- Nhà văn Mã Thiện Đồng:Tôi rất thích viết. Tôi có thể viết ở bất kỳ địa điểm nào, thời gian nào. Khi còn là giáo viên tôi cộng tác nhiều tờ báo tên tuổi. Năm 1996 tôi về hưu, lúc bấy giờ tôi mới thật sự có quỹ thời gian để viết. Tôi liền lên kế hoạch cho cuốn sách đầu tay mà mình ấp ủ bấy lâu.
Cuốn sách đầu tay của nhà văn ra đời trong hoàn cảnh nào?
- Cuốn sách đầu tay của tôi là Biệt động Sài Gòn - chuyện bây giờ mới kể. Một lần vô tình tôi nghe được câu chuyện thế thái nhân tình, nỗi oan khiêng chất chứa ngập tràn trong lòng của người nữ biệt động Sài Gòn năm xưa. Tôi lắng nghe, đồng cảm và hứa với lòng sẽ không để những con người, những câu chuyện lịch sử như vậy bị chìm vào quên lãng. Khi tôi có ý định viết cuốn này, không ít người bảo tôi uống “thuốc liều”. Ừ mà mình liều thật, đã uống “thuốc liều” mà còn với một liều mạnh. Là tay ngang, mọi người không biết mình là ai, viết lách thế nào mà táo bạo đến thế. Kể cả những nhân vật mà mình tiếp xúc, họ cũng ái ngại nhưng khi cuốn sách đến tay bạn đọc người ta mới thấy rằng, đúng là “chuyện bây giờ mới kể”.
Hầu hết các cuốn sách của nhà văn đều thuộc đề tài lịch sử?
- Vâng, đúng thế. Tôi may mắn có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhân chứng lịch sử, lâu nay vì một lý do nào đó mà tên tuổi của họ ít được nhắc đến (nếu không muốn nói là không). Tôi cảm kích lòng quả cảm của người chiến sĩ cách mạng. Nghe họ kể về cuộc đời của họ phải lầm lũi mưu sinh khi cuộc chiến đã lùi xa mà tôi khóc òa. Qua đó, tôi nhận ra rằng mình có một tâm hồn đồng điệu, cảm nhận sâu sắc về họ. Và họ trở thành người anh, người bạn của tôi. Tôi muốn tôn vinh những con người đã làm nên lịch sử, tôn vinh truyền thống lịch sử bằng chính ngòi bút của mình. Tôi tự hào vì việc mình làm được xã hội nhìn nhận tích cực. Mục đích của những cuốn sách tôi viết còn để khẳng định người làm nên lịch sử là “tài sản tinh thần” vô giá của dân tộc không bị mờ phai theo năm tháng.
Có bao giờ nhà văn đã thử sức chuyển sang viết đề tài khác chưa?
- Tôi cũng “nhảy múa” ở nhiều đề tài khác nhưng cảm thấy mình không “hứng” bằng đề tài lịch sử. Nói thế nhưng cũng không đến nỗi tệ. Có điều mình nghĩ, người viết đã không “hứng” thì tác phẩm ra đời chỉ làm khổ bạn đọc. Khi đọc những cuốn sách của tôi, không ít người nghĩ rằng Mã Thiện Đồng cũng đã từng cầm súng chiến đấu nên mới có thể tả lại diễn biến trận đấu giáp la cà hay một trận càn y như thật.
Nói vậy nghĩa là nhà văn cũng có thể viết tốt những đề tài khác, sao bà vẫn “trung thành” với đề tài lịch sử?
- Tại sao học sinh không mấy thích thú môn sử? Sử vốn khô khan với những sự kiện, kết quả… mà thiếu đi tính nhân bản, nếu có thì cũng bị “khuất” ở đâu đó khiến học sinh khó “nuốt”. Gần 40 năm đứng trên bục giảng, dù là một giáo viên văn nhưng tôi hiểu được rằng học sinh thích học sử chỉ khi nào chúng cảm nhận cuộc sống bằng tâm hồn, tình cảm. Thế thì biện pháp hữu hiệu nhất trong việc dạy và học sử là phải lấy con người, những nhân vật lịch sử để giáo dục thế hệ trẻ. Hơn nữa, theo tôi, lịch sử có thể “chết” nếu như những con người làm nên lịch sử không được viết thành sách.
Tác phẩm sắp tới của nhà văn sẽ là đề tài lịch sử?
- Tôi viết đều đều mỗi năm hai cuốn. Hiện tôi đang đầu tư thời gian để thực hiện cuốn Tư duy đổi mới (của những con người làm nên lịch sử) trong thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh và khôi phục đất nước. Cụ thể như thế nào tôi chưa thể tiết lộ.
Tâm huyết với giáo dục, có khi nào nhà văn nghĩ mình sẽ viết sách về đề tài này?
- Trúng ý tôi rồi đây. Gia đình tôi có 4 đời làm nghề giáo. Tôi yêu nghề giáo và mê viết ngay từ nhỏ. Lúc còn là cô sinh viên sư phạm, tôi thích được nghe các thầy Hoàng Như Mai, Trần Hữu Tá… giảng bài. Thế là những lúc trống tiết, tôi liền chạy sang Trường ĐH Tổng hợp “học ké”. Bài giảng của các thầy đã khắc ghi trong tôi. Cuốn kế tiếp nữa mà tôi đang lên kế hoạch sẽ là cuốn sách về cuộc đời, sự nghiệp của những người thầy, cô giáo một đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Với cuốn này, tôi sẽ chuyển tải nguyên bản những người thầy ấy bằng hình tượng văn học để người đọc dễ gần và dễ cảm.
Xin cảm ơn nhà văn!
Trần Trọng Tri (thực hiện)