Thứ hai, 4/2/2013, 14h02

Những câu hỏi đặt ra khi làm văn nghị luận

Làm văn là một phân môn khó, yêu cầu HS vận dụng kiến thức văn học và tiếng Việt  Ảnh: N.Q

Phân môn làm văn là môn học kết tinh đầy đủ nguyên lý “học kết hợp với hành”. Môn học này vừa có tác dụng bồi dưỡng các năng lực: Cảm thụ, diễn đạt, suy luận… lại vừa rèn luyện nhân cách như cách ứng xử, cách đánh giá và nhìn nhận vấn đề của học sinh (HS).
Làm văn là một phân môn khó bởi đặc trưng của nó là yêu cầu HS vận dụng kiến thức đã học được ở các phân môn văn học và tiếng Việt để từ đó tích hợp vào làm văn. Về luyện tập viết văn nghị luận xã hội (NLXH), đó là những vấn đề rất rộng của đời sống nhưng các em lại thường thiếu hiểu biết do thiếu kinh nghiệm từng trải nên thiếu vốn sống. Những câu danh ngôn, định nghĩa, khái niệm trong văn nghị luận thường trừu tượng và khó hiểu. Đây còn là rào cản có thể nói rất “khó nuốt” ở bước ban đầu cho người viết khi phải hiểu và lý giải được mọi điều. Ngoài ra, để có được hệ thống ý chặt chẽ, kín kẽ và thuyết phục HS còn phải linh hoạt, nhạy bén trong nhận thức và trình bày vấn đề.
Kinh nghiệm lập dàn ý một bài viết NLXH không chỉ trình bày các luận cứ, luận điểm mà trong đó HS còn phải biết tự đưa ra những câu hỏi và sau đó trả lời đầy đủ. Chính những câu hỏi này sẽ góp phần tạo ra hướng đi cụ thể cho bài văn mà không cần phải suy nghĩ nhiều. Các câu hỏi đặt ra dưới nhiều dạng khác nhau sẽ làm cho ý sâu sắc, lập luận chặt chẽ và khi viết thì lý lẽ sắc bén hơn. Ví dụ ở phần mở bài, sau khi giới thiệu, gợi dẫn vấn đề cần nghị luận, HS nên tự đưa ra câu hỏi: Phải làm gì về vấn đề đang đưa ra nghị luận? Trả lời được câu hỏi này thì các em mới có thêm một đoạn văn chuyển ý nhịp nhàng và khéo léo. Để giải thích rõ vấn đề trong phần thân bài, các em nên tìm cách trả lời các câu hỏi dạng như: Vấn đề đề bài đặt ra là gì? Các biểu hiện của nó ra sao? Câu nói đó có ý nghĩa như thế nào? Ngay cả phần chứng minh thường ít khi đặt ra câu hỏi nhưng nếu HS thành thạo thì vẫn có thể nêu: Những bằng chứng nào trong cuộc sống và văn học đã thể hiện rõ vấn đề? Tại sao lại đặt ra vấn đề này? Những mặt đúng của vấn đề là gì?
Cuối cùng trong phần bình luận về tư tưởng đạo lý, HS cũng đưa ra các câu hỏi nhằm đánh giá được ý nghĩa của tư tưởng đạo lý trong đời sống: Câu danh ngôn hoặc vấn đề đặt ra đó đúng hay sai? Đúng sai như thế nào? Nó có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc sống hiện nay không?... Câu hỏi: Tuổi trẻ hôm nay suy nghĩ thế nào và phải làm gì về vấn đề đặt ra đó? sẽ giúp các em rút ra bài học nhận thức và hành động thiết thực về tư tưởng, đạo lý đã trình bày kỹ ở phần trên.
Trần Thế Minh (GV Trung tâm GDTX Tân Phú)