Thứ ba, 6/12/2016, 21h45

Những “hòn đá” cản đường quốc sách

Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà nước tạo mọi điều kiện tốt nhất để thực hiện quốc sách ấy. Nghị quyết Đảng đã nhiều lần khẳng định quan điểm này. Thế nhưng, thực tế diễn ra lại chưa phản ánh đầy đủ quan điểm chỉ đạo này.

Mới đây, tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ ra hàng loạt bất cập cản trở việc thực hiện quốc sách. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nêu, đến thời điểm này TP.HCM có 81% học sinh tiểu học được học tiếng Anh, còn nếu tính vào thời điểm học kỳ 2 của năm học này sẽ là 100% học sinh. Thế nhưng theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT, không có biên chế giáo viên tiếng Anh cho bậc tiểu học. Tại sao chương trình môn tiếng Anh đã triển khai đến bậc tiểu học nhưng biên chế giáo viên tiếng Anh ở bậc học này thì không? Giữa chủ trương và chính sách chưa đồng bộ đã gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục ở các trường. Để đảm bảo thực hiện kế hoạch chương trình, nhiều trường tiểu học phải tuyển giáo viên tiếng Anh theo dạng hợp đồng với kinh phí do các trường tự xoay xở. Cũng vì dạy hợp đồng với trường nên thu nhập của giáo viên tiếng Anh thấp do không được hưởng một số chế độ, phụ cấp… như các giáo viên khác. Thử hỏi trong điều kiện như vậy làm sao thực hiện tốt việc dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học. 

Còn ở mầm non, các cô bảo mẫu cũng trong tình trạng làm việc không chính thức vì liên Bộ GD-ĐT và Nội vụ không quy định chức danh này trong trường mầm non. Trong điều kiện sĩ số học sinh luôn quá tải thì nhiệm vụ nuôi dạy sẽ bất khả thi nếu không có bảo mẫu. Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM nhiều lần kiến nghị lên TP, bộ ngành Trung ương từ nhiều năm qua nhưng đến nay kiến nghị vẫn còn là kiến nghị!

Tương tự, thực tế hoạt động của nhà trường phổ thông hiện nay rất cần có giáo viên tư vấn tâm lý, giám thị, thế nhưng trong các chức danh được phép tuyển dụng ở các trường lại không có chỗ cho giáo viên tâm lý, giám thị. Vậy là nhà trường lại phải tự bỏ tiền túi để hợp đồng và trả lương cho giáo viên tâm lý, giám thị. Tất nhiên, giáo viên hợp đồng theo kiểu này bị thiệt thòi đủ thứ dù phía nhà trường đã vận dụng đủ cách, như không được nâng lương, không có lương ba tháng hè…

Và gần đây, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường mầm non, phổ thông tạm ngưng tuyển nhân viên kế toán và nhân viên y tế. Quy định này thực hiện theo Công văn 2387 của Văn phòng Chính phủ ngày 8-4-2015 khiến nhiều trường lao đao. Hiệu trưởng nhiều trường đã “khóc ròng” vì hoạt động thu chi sẽ như thế nào nếu không có kế toán? Cũng vậy, trường học với hàng ngàn học sinh nếu không có nhân viên y tế thì điều gì sẽ xảy ra khi nguy cơ tai nạn luôn rình rập ở lứa tuổi hiếu động này.

Trên đây chỉ là phản ánh của một địa phương. Ở các địa phương khác với đặc thù riêng chắc chắn sẽ có những bất cập khác nữa. Những bất cập này như là những “hòn đá” cản đường thực hiện quốc sách giáo dục. Rất mong Chính phủ cùng các bộ ngành Trung ương sớm khai thông những “hòn đá” bất cập trên. Vì ngày nay, giáo dục không đơn thuần là một phúc lợi xã hội, mà là lực lượng trực tiếp sản xuất ra nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế tri thức.

Từ Nguyên Thạch