Thứ bảy, 20/8/2016, 21h09

Những người trẻ giữ hồn dân tộc

Kỳ cuối: GIỮ GÌN PHẢI ĐI ĐÔI VỚI ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO...

Để nghệ thuật dân tộc phát triển đúng hướng và bền vững là bài toán không hề dễ dàng. Thu hút giới trẻ đến với âm nhạc truyền thống, giữ vai trò làm người kế cận cũng là điều hết sức cấp bách hiện nay. Báo Giáo dục TP.HCM xin lược ghi một số ý kiến về vấn đề này.

Lớp học đờn ca tài tử dành cho thiếu nhi do Trung tâm Văn hóa Q.2 tổ chức trong dịp hè. Ảnh: Yên Hà

NSƯT-ThS. Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM: “Giới trẻ không quay lưng lại với âm nhạc truyền thống”

Những năm gần đây, đờn ca tài tử nói riêng và nghệ thuật âm nhạc dân tộc đã có những tín hiệu đáng mừng khi được giới trẻ quan tâm, tìm hiểu, đặc biệt là lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Nhiều em thiếu nhi chưa biết chữ cũng hào hứng tìm hiểu về âm nhạc dân tộc với niềm say mê, thích thú. Loạt bài Những người trẻ giữ hồn dân tộc của Báo Giáo dục TP.HCM mang nhiều ý nghĩa để chúng ta nhận ra rằng giới trẻ hiện nay không quay lưng lại với âm nhạc truyền thống. Vấn đề chính là ta phải biết cách khơi gợi, tạo sân chơi gần gũi để các bạn trẻ tìm hiểu âm nhạc truyền thống, từ chỗ thích và hiểu, các bạn ấy mới yêu.

Sự khởi sắc này có thể xem như chưa từng có trước đây. Ở tất cả các tỉnh thành khu vực phía Nam, sở VH-TT-DL nào cũng vận động thành lập các câu lạc bộ để sinh hoạt, biểu diễn. Một số câu lạc bộ tài tử - cải lương trên địa bàn TP.HCM hoạt động khá hiệu quả. Với mong muốn phát huy mạnh mẽ bộ môn nghệ thuật này đến với giới trẻ, nhiều câu lạc bộ đã có những chương trình thiết thực thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Trong những cuộc liên hoan đờn ca tài tử, âm nhạc dân tộc, đối tượng tham gia ngày càng trẻ hóa.

Giữ gìn phải đi đôi với đổi mới, sáng tạo. Đó là bản chất của nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Không thể phủ nhận sự sáng tạo và đổi mới là cần thiết và phải thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử để âm nhạc dân tộc đến gần hơn với lớp trẻ. Trong xu thế thời đại, sự hội nhập về văn hóa, đặc biệt là âm nhạc chính là thách thức và cũng là cơ hội. Nếu không có cơ hội thì sẽ không có nền âm nhạc phát triển.

Để giải quyết bài toán khó này, chúng ta phải kiên trì thực hiện chứ không thể làm theo kiểu ngày một, ngày hai. Hiện nay, các đài phát thanh, truyền hình cũng đã tổ chức nhiều sân chơi cho người yêu thích âm nhạc dân tộc, đó cũng là điều kiện thuận lợi để âm nhạc dân tộc phát triển. Nghệ thuật dân tộc chỉ được bảo tồn khi nó tồn tại trong các hoạt động văn hóa cộng đồng. Nếu không được biểu diễn rộng rãi trong cộng đồng thì mãi mãi chỉ còn trong… bảo tàng.

TS. Mai Mỹ Duyên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: “Nếu được khơi gợi, truyền lửa, giới trẻ sẽ thêm niềm hứng khởi”

Nghệ thuật dân tộc đang trong tình trạng báo động về lực lượng kế thừa nên những gương mặt trẻ được xem là “vàng” của nghệ thuật dân tộc xuất hiện trong những năm gần đây là một điều đáng mừng. Những gương mặt trẻ ấy đã giới thiệu đến cộng đồng nhiều ngón đờn hay, giọng ca trẻ trung, mới lạ. Nhiều sáng tác của tác giả trẻ mang màu sắc âm nhạc dân tộc nhưng có nội dung mới lạ, phù hợp với hơi thở thời đại mới cũng được công chúng đón nhận.

Ở Nam bộ, đờn ca tài tử đang dần lấy lại sức sống qua những buổi sinh hoạt đều đặn tại các câu lạc bộ, đội, nhóm, nhiều nhân tố trẻ có giọng ca cổ mùi mẫn, thu hút người nghe. Nhìn qua các cuộc thi, đối tượng là người trẻ tuổi tham dự ngày càng nhiều hơn. Điều này cho thấy không phải giới trẻ thờ ơ, quay lưng với âm nhạc truyền thống của dân tộc mà vấn đề là nhiều bạn trẻ vẫn rất thích. Họ say mê, muốn học bài bản nhưng môi trường tìm hiểu lại hạn chế, sân chơi cho nghệ thuật dân tộc cũng chưa đủ đáp ứng nhu cầu này. Do đó, việc phát huy giá trị di sản của những nhà văn hóa, câu lạc bộ về âm nhạc dân tộc là rất cần thiết. Nếu được khơi gợi, truyền lửa, giới trẻ sẽ thêm niềm hứng khởi.

Vì vậy, việc đưa âm nhạc dân tộc đến gần với giới trẻ, quảng bá âm nhạc dân tộc trên các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ mang nhiều ý nghĩa, gắn kết giới trẻ với âm nhạc dân tộc. Chúng ta vinh dự được UNESCO công nhận ca trù, quan họ, dân ca ví giặm, đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, sự vinh danh đó không phải là để “khoe”, quan trọng là phải đầu tư, phát triển. Trách nhiệm này thuộc về Nhà nước, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa chứ không thể để thả nổi cho người dân.

NSƯT-TS. Nguyễn Thị Hải Phượng: “Người trẻ có thiện cảm với nghệ thuật dân tộc
thì nó ngày càng được bảo tồn và phát huy”

Trong xu thế hội nhập, không chỉ âm nhạc dân tộc mà ngay cả các loại hình nghệ thuật khác cũng gặp không ít khó khăn. Đây là thách thức đồng thời là một cơ hội để chúng ta vượt qua, khẳng định mình. Hiện nay, loại hình âm nhạc dân tộc trong cộng đồng đã có những bước chuyển lạc quan hơn khi ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến với âm nhạc truyền thống. Trên địa bàn TP.HCM, những lớp học về âm nhạc dân tộc dần thu hút học viên. Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương cũng đã đáp ứng phần nào nhu cầu của những người yêu thích nhạc truyền thống. Nhiều câu lạc bộ ở các quận, huyện khác là nơi gắn kết, giao lưu, học hỏi cho những tâm hồn đồng điệu về nhạc dân tộc. Tuy nhiên, nhìn chung, việc tạo điều kiện để tổ chức sân chơi cho người yêu nhạc dân tộc và các hoạt động kết nối, quảng bá nghệ thuật này đối với người dân, đặc biệt là giới trẻ vẫn còn một số vấn đề bỏ ngỏ.

Trước đây, đối tượng khán giả của âm nhạc dân tộc chủ yếu là người có tuổi. Giờ đây, nhiều khán giả trẻ bắt đầu có niềm thích thú, muốn tìm hiểu về âm nhạc dân tộc. Vì vậy, người trẻ hiểu và có thiện cảm với môn nghệ thuật này thì nghệ thuật dân tộc sẽ ngày càng được bảo tồn và phát huy. Để âm nhạc dân tộc phát triển bền vững vẫn rất cần những cơ chế, chính sách mới cụ thể hơn, hợp lý hơn.

Yên Hà (ghi)