Thứ tư, 21/10/2015, 10h54

Nở rộ trung tâm ngoại ngữ ở TPHCM - Chất lượng thả nổi

Đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ “vua” - tiếng Anh - ngày một lan rộng, các trung tâm ngoại ngữ (TTNN) trên địa bàn TPHCM mọc lên như nấm, dày đặc. Và để cạnh tranh, khai thác thị phần béo bở này, nhiều trung tâm đã tung ra các chiêu thức dụ dỗ, móc túi người học một cách ngoạn mục. Ai quản lý chất lượng và giá cả?

Quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo

Thời gian gần đây, do sinh sau đẻ muộn nên nhiều trung tâm, cơ sở ngoại ngữ phải cạnh tranh dữ dội, tung những trận mưa quảng cáo nhằm thu hút học viên bằng mọi giá. Một trong những trung tâm quảng cáo rầm rộ nhất phải kể đến Trung tâm ngoại ngữ Wall Street English (WSE). Không phủ nhận, trung tâm đầu tư cơ ngơi hoành tráng và nhìn vào đây, học viên dễ bị thu phục, mặc dù học phí cao ngất ngưởng. Thế nhưng, học phí cao có tương xứng với chất lượng như quảng cáo của họ?

Chị D.H., một “nạn nhân” của WSE kể lại mình bị giăng bẫy như thế nào: “Biết tôi đang có nhu cầu học ngoại ngữ, một nhân viên tiếp thị tên N.H.N. đeo bám và rót vào tai tôi những lời ngon ngọt, nói rằng ở WSE sẽ được học với giáo viên bản ngữ, sẽ biết nghe, nói, giao tiếp bằng tiếng Anh rất nhanh…”. Vì có nhu cầu đi định cư, hơn nữa mới thất vọng vì học ở một TTNN khác tốn tiền mà không hiệu quả, nên khoảng giữa tháng 9-2015, chị D.H. quyết định đăng ký học ở WSE. Tin tưởng, chị đặt cọc trước 1 triệu đồng cho khóa học kéo dài 6 tháng với mức học phí 48 triệu đồng. Mấy ngày sau, chị đóng thêm 19 triệu đồng (tổng số tiền đã đóng là 20 triệu đồng) và WSE bắt buộc phải đóng thêm 24 triệu đồng nữa (được giảm trừ 4 triệu đồng so với mức giá họ rao ban đầu). Ngày 21-9, hợp đồng học viên giữa chị D.H. và WSE được ký kết nhưng nhân viên tiếp thị lại không đưa hóa đơn ghi số tiền đã đóng đợt 1 mà yêu cầu chị phải đóng đủ số học phí còn lại. “Ngay sau khi đóng tiền đợt 1, tôi được nhân viên N.H.N. hướng dẫn làm bài kiểm tra ngắn (test). Nhìn vào nội dung, tôi hoàn toàn không hiểu gì. Thấy vậy, anh ta bảo tôi cứ bấm đại từ nào cũng được để xếp vào lớp rồi học sau. Thấy tôi chần chừ, anh ta tự đánh vào máy tính, trả lời dùm tôi luôn. Sau khi test, tôi được xếp lớp học, nhưng suốt 4 ngày theo học, tôi hoàn toàn không hiểu gì và thấy rối trí vì bị ép học trình độ quá cao”.

 

Hợp đồng của học viên D.H. với mức học phí 48 triệu đồng

Chị D.H. kể lại với giọng điệu bực bội và mất niềm tin. Nhận thấy không thể theo học chương trình mà nhân viên tiếp thị (không phải giảng viên của WSE) test đại “cho có” - không đúng trình độ học viên, chị D.H. đề nghị được gặp người quản lý cao hơn trình bày sự việc, xin lấy lại số tiền đã đóng. Thế nhưng, đại diện WSE lại đề nghị chị theo học tiếp, hứa sẽ sắp xếp chị vào lớp mới phù hợp với trình độ sơ cấp của chị. Rồi phớt lờ tâm trạng rối bời của học viên, họ thúc ép chị đóng nốt số tiền 24 triệu còn lại. Vì cảm thấy không ổn và mất niềm tin nên chị D.H. vẫn kiên quyết giữ quan điểm không theo học. Thấy vậy, đại diện WSE viện lý do rằng sắp hết tháng 9 nên khó lấy tiền từ ngân hàng và đến ngày 20-10 vẫn chưa chịu hoàn trả số tiền mà chị D.H. đã lỡ đóng.

Cần quản lý chất lượng

Để khai thác nhu cầu học ngoại ngữ ngày càng lớn ở TPHCM, các TTNN mở ra ngày càng nhiều, thậm chí có địa bàn dày đặc những tấm bảng quảng cáo với đủ tên gọi quốc tế Âu, Úc, Mỹ, Anh… Toàn TPHCM hiện có bao nhiêu TTNN và bao nhiêu phần trăm đạt chuẩn chất lượng như quảng cáo? Theo ông Phạm Anh Ba, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay sở đang quản lý trên 400 TTNN. Ngoài ra, còn có khoảng 100 TTNN khác do các trường ĐH, CĐ cấp phép và quản lý. Năm học vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TPHCM đã kiểm tra hoạt động của tất cả các TTNN trên địa bàn thành phố. Cũng theo ông Phạm Anh Ba, trên 50% trong tổng số các TTNN hoạt động có hiệu quả, đạt chất lượng. Tuy nhiên qua kiểm tra, sở đã phát hiện trên 20 TTNN có sai phạm và đã xử lý như bảng hiệu, quảng cáo sai với nội dung được cấp phép; mở chi nhánh ngoại ngữ nhưng không xin phép; sử dụng giáo viên nước ngoài nhưng chưa được cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài…

Thị trường dạy và học ngoại ngữ ngày một hấp dẫn bởi nhu cầu của xã hội quá lớn và việc đầu tư mở một trung tâm, thuê mặt bằng, giáo viên… cũng không quá tốn kém. Nhiều chuyên gia ngoại ngữ nhận định rằng chỉ cần bảng hiệu hoành tráng, quảng bá có giáo viên nước ngoài, cam kết lấy chứng chỉ TOEIC, IELTS trong thời gian ngắn… là hốt bạc tỷ. Thế nhưng, chỉ khi nào “tiền trao mà thấy cháo chưa múc được” thì học viên mới giật mình vì chuyện đã rồi, lấy lại học phí không dễ. Các nạn nhân bị mất tiền triệu nhưng kết quả học chẳng đáng bao nhiêu than rằng “không ít trung tâm quảng bá một đằng chất lượng một nẻo”. Có thể cũng có giáo viên nước ngoài dạy nhưng chỉ được vài tiết học trong tháng và nhiều khi chỉ học với “tây ba lô”, thiếu kiến thức sư phạm. Hoặc được “nghe - nói thỏa thích” nhưng chủ yếu với chiếc máy rè rè và luyện giọng với giáo viên Việt là chính. Nhưng con số bị mắc bẫy quảng cáo “thùng rỗng kêu to” cũng không nhỏ. Các chuyên gia ngoại ngữ đưa ra lời khuyên đối với người học là hãy chọn những trung tâm ngoại ngữ uy tín, có thương hiệu thực sự và đề nghị được học thử trước khi đóng tiền…

Khánh Bình/ SGGP