Thứ sáu, 15/6/2018, 16h25

Nói không với lời kêu gọi quá khích và bạo loạn

Nhiều chức sắc tôn giáo, trí thức TP.HCM đã bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động, gây bất ổn xã hội những ngày qua.
Nói không với lời kêu gọi quá khích và bạo loạn - Ảnh 1.

Đường vào sân bay kẹt cứng trong buổi sáng 10-6 vừa qua

Giáo sư Hương Đan, Phó ban đại diện Cao Đài Ban Chỉnh đạo tại TP.HCM:

Không để bị lợi dụng

Vừa qua có tình trạng tụ tập đông người phản đối Dự thảo luật Đặc khu. Tôi thấy quá trình xây dựng luật này đã được Quốc hội cân nhắc, tiếp thu ý kiến người dân nên mới có sự điều chỉnh, lùi thời gian trình luật.

Còn về phía người dân, tôi cho rằng cho dù ý kiến ra sao cũng phải trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chấp hành chủ trương chung, vì sự phát triển chung của đất nước.

Người dân cần hết sức bình tĩnh. Chúng ta có nhiều hình thức đóng góp ý kiến, chia sẻ như tiếp xúc cử tri, kiến nghị để Quốc hội, Đảng nhà nước có sự cân nhắc, chứ làm như vừa qua như ở một số nơi là không đúng luật pháp, vì đó là hành vi bạo loạn làm mất an ninh trật tự xã hội.

Là chức sắc tôn giáo, chúng tôi không đồng tình việc này. Mọi người cần có ý thức, để rồi hiểu, nhận định, chia sẻ, đồng hành với đất nước.

Đối với đạo Cao Đài chúng tôi, 17 họ đạo 3 nhà tu luôn chấp hành tốt chủ trương, mọi người khuyên nhau không nên để các đối tượng xấu lợi dụng tinh thần yêu nước của mình để làm ảnh hưởng đến cả đất nước.

Ông Phạm Đình Toàn, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng:

Nên bày tỏ ý kiến với tổ chức, đoàn thể

Trong tình hình hiện nay người dân không nên tham gia tụ tập đông người vì rất dễ bị kích động phá hoại dẫn đến việc vi phạm pháp luật.

Nếu người dân có những ý kiến, thắc mắc liên quan đến các dự thảo luật hay những vấn đề liên quan đến đất nước nên thông qua các tổ chức, đoàn thể để đề đạt ý kiến lên các cơ quan có thẩm quyền .

Mặt khác, mặt trận tổ quốc cũng như các tổ chức đoàn thể ở địa phương cũng phải hoạt động sâu sát để nắm bắt rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân. Khẩn trương tổ chức bộ phận lắng nghe, tiếp nhận để người dân dễ dàng đóng góp ý kiến và nhanh chóng chuyển tải những ý kiến đó đến cơ quan có thẩm quyền.

Ông Vũ Quốc Thành (Q.Phú Nhuận):

Chúng tôi đã được thông tin rõ ràng

Ngày 13-6 phụ trách khu phố có đến nhà tôi phát cho gia đình tôi tờ bướm in màu trên khổ giấy A3, gồm 4 trang. Nội dung tờ bướm là một số nội dung liên quan đến dự thảo luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc).

Phụ trách khu phố có dặn dò tôi là đọc các nội dung trong tờ bướm để nắm rõ hơn về chính sách của Nhà nước, tránh bị kích động xúi giục.

Ngay khi nhận tờ bướm tôi và người nhà có đọc và nắm được các nội dung cơ bản. Trước đó, tôi cũng đã nắm được diễn biến liên quan đến dự thảo luật qua theo dõi trên báo, đài...

Về nội dung chính của tờ bướm đã giải thích rõ những điểm chính yếu cho chúng tôi về ý nghĩa của dự luật đặc khu như: việc ưu tiên các thể chế đặc biệt cho đặc khu; những nhà đầu tư nào được tham gia hoạt động đầu tư ở đặc khu (bao gồm nhiều quốc gia ); người lao động nào được ưu tiên lao động ở đặc khu ....

Nội dung tờ bướm cũng khẳng định tinh thần cầu thị của Quốc hội trước các ý kiến băn khoăn của người dân qua việc lùi thời hạn thông qua dự thảo luật.

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, giảng viên Học viện Tư pháp tại TP.HCM:

Phải có giới hạn trong việc thể hiện chính kiến.

Dù có luật biểu tình hay không thì khi thể hiện chính kiến cũng phải trong một phạm vi nhất định, có giới hạn.

Theo từ điển Tiếng Việt, "biểu tình" được hiểu là sự biểu hiện thể hiện các suy nghĩ, hành động, bất đồng quan điểm với các quy định liên quan đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân. Biểu tình thể hiện chính kiến của mình trước một chính sách, một chủ trương nào đó.

Biểu tình, biểu đạt chính kiến không đồng nhất với việc lợi dụng lòng yêu nước để gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, cản trở công việc của CSGT, cản trở hoạt động thường ngày, ảnh hưởng đến giao thông đi lại của những người dân khác. Hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau.

Chưa kể nhiều người đập phá cả những tài sản công từ chính ngân sách nhà nước, từ chính tiền thuế của người dân thì càng vi phạm pháp luật.

Hiện nay, cần biểu đạt một ý kiến trước một vấn đề gì đó, người dân nên nêu ý kiến với các đại biểu quốc hội ở các buổi tiếp xúc cử tri. Đơn giản hơn thì người dân có thể gửi đơn đến các cơ quan chức năng, ý kiến qua các kênh báo chí, truyền thông…

NHÓM PHÓNG VIÊN/ TTO