Thứ sáu, 26/4/2013, 14h04

Ôn tập môn sinh học: Phải định lượng kiến thức đã học

Khi ôn tập phần Di truyền học, các em phải chú ý kiến thức phép lai, di truyền quần thể, ứng dụng di truyền và đột biến. Bài tập ở những phần này chủ yếu nghiêng về lý thuyết, nhớ kỹ thì sẽ làm được. Chương Tiến hóa, các em phải tìm được bằng chứng và cơ chế tiến hóa. Phần này thường chỉ có 8 câu vừa nhỏ vừa lớn, tập trung thêm về quá trình hình thành loài. Ở chương Sinh thái học, các em chú ý các khái niệm về quần thể, quần xã, chuỗi thức ăn. Bên cạnh đó biết phân biệt rõ ràng và chính xác giữa quần thể và quần xã. Học sinh yếu nên nắm chắc kiến thức cơ bản nhất dù 4-5 câu hỏi về khái niệm chỉ được 1 điểm nhưng rất dễ kiếm. Phần khó thường tập trung ở lai hai tính, liên kết gen và cả hoán vị gen. Tuy nhiên nếu em nào khéo léo tìm được tần số thì làm được, không có gì phức tạp cả.
Mỗi bài học cần liệt kê đầy đủ các khái niệm, không nhất thiết phải học thuộc lòng nhưng phải hiểu rõ bản chất và phân biệt được các khái niệm đó. Không chỉ học thuộc theo kiểu ghi nhớ, hiểu bài từ suy luận mà đôi khi cũng phải biết dùng mẹo trong giải đề. Mẹo có quy luật riêng của nó, nếu biết được quy luật thì giúp các em gỡ được “những bàn thua trông thấy”. Chẳng hạn như: Nắm các dạng đặc biệt thường gặp, ứng dụng từ lý thuyết để giải bài tập trắc nghiệm chính xác. Có những phần không cần học thuộc mà chỉ cần đọc thì sẽ làm được bài tập một cách nhẹ nhàng. Nhưng trước hết phải bám sát được 100% chuẩn kỹ năng kiến thức theo chương trình và sách giáo khoa. Nếu không tập trung khi ôn bài mà chỉ đọc lướt qua thì không làm được. Học phải theo sát đề cương và kiến thức giúp cho các em nhận dạng dễ. Nên tìm trong bài học những kiến thức về quá trình, quy luật sinh học, phân biệt các quá trình đó. Đối với môn sinh học phần bài tập không nhiều chỉ chiếm 2 đến 3 điểm, chủ yếu tập trung vào lý thuyết. Đề thi cũng thường hay ra quá trình công nghệ tái tạo, cấy truyền phôi, quá trình lai tế bào dinh dưỡng, phương pháp đột biến nhân tạo, ưu thế lai. Ứng dụng công thức gen thì phải chú ý các dạng đột biến gây ra bệnh Down, bạch tạng, máu không đông, ung thư máu, di truyền phân tử hồng cầu hình lưỡi liềm.
Ngoài ra, các em cần tiến hành phương pháp học tập tích cực (SQ3R) cho bộ môn sinh học. Nếu ôn tập theo kiểu học bài thụ động thì học trước quên sau. Chúng ta sẽ nhớ các kiến thức lâu hơn khi chú tâm một cách tích cực và hiểu rõ nội dung mà tài liệu đang trình bày. Không chỉ đọc một chiều mà các em phải biết thuật lại, diễn giải nội dung đã đọc bằng chính ngôn ngữ của bản thân. Có thể nói lớn hoặc nói thì thầm tùy theo văn cảnh xung quanh. Vài ngày sau nên xem lại tài liệu và định lượng mình nhớ được bao nhiêu kiến thức, bao nhiêu kiến thức bị quên bằng cách trả lời các câu hỏi trong đó. Bước này sẽ giúp cho nội dung được làm mới và ghi nhớ lâu hơn trong trí não. Chú ý tìm trong bài học những kiến thức liên quan đến thực tiễn đời sống, cách vận dụng những kiến thức đó trong thực tiễn và có thể tìm thêm các ví dụ tương tự trong thực tế. Khi ôn tập cũng nên hệ thống hóa kiến thức bằng cách lập sơ đồ khái niệm, lập bảng so sánh
Hoàng Thị Yến
(GV Trung tâm GDTX Gia Định, TP.HCM)