Thứ bảy, 18/2/2017, 21h04

Ôn thi THPT quốc gia 2017: Cách học và làm bài thi môn lịch sử

Hiện nay, môn lịch sử đã thực hiện được 2/3 kiến thức theo phân phối chương trình chung của Bộ GD-ĐT đối với khối 12. Nội dung vẫn không có gì thay đổi, nhưng từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm của kỳ thi THPT quốc gia thì phương pháp dạy và cách học có sự thay đổi để phù hợp hơn.

Một tiết ôn tập môn lịch sử của học sinh lớp 12 tại Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng)

Cô Trương Thị Mỹ Hương (Tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP.HCM): Biết áp dụng lý thuyết để chọn đáp án đúng

So với thi tự luận thì kiến thức để đáp ứng được cho bài thi trắc nghiệm phải rộng hơn. Vì thế học sinh phải nắm vững nhiều bài học hơn so với các năm trước. Ngoài cách dạy theo phương pháp truyền thống, giáo viên bộ môn phải đổi mới phương pháp để có các hình thức lên lớp sinh động như dạy theo dự án, dạy bằng các chuyên đề, xem phim lịch sử…

Năm nay do thay đổi hình thức thi nên cả thầy và trò đều rất lo lắng, phải toàn tâm toàn ý với việc dạy - học. Giáo viên vừa dạy lý thuyết vừa hướng dẫn học sinh kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Đó là những kỹ năng cần thiết trong phòng thi như: đọc kỹ câu hỏi, xác định từ khóa yêu cầu... Muốn vậy các em phải thuộc lý thuyết nhưng như thế vẫn chưa đủ nếu không biết áp dụng lý thuyết để chọn đáp án đúng. Đây là mẫu số chung về kỹ năng trắc nghiệm cho các bộ môn khác trong kỳ thi chứ không riêng gì môn lịch sử. Tuy nhiên, do là môn khoa học xã hội nên lịch sử mang tính chất xã hội rõ rệt hơn với một kiến thức rộng.

Cấu trúc đề thi trắc nghiệm môn lịch sử gồm 40 câu hỏi trong thời gian 50 phút, với 4 mức độ từ thấp lên cao: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đối với học sinh khá giỏi có thể thực hiện dễ dàng ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, tuy nhiên cần chịu khó tư duy và biết suy luận. Muốn vậy trong quá trình học các em phải chú ý những hướng dẫn chi tiết của giáo viên để vận dụng thành thục. Riêng với học sinh có học lực trung bình trở xuống thì khó đạt điểm thi tuyệt đối nên phải học thuộc lý thuyết, chọn câu dễ để làm trước, không vùi đầu vào câu khó tốn thời gian.

Khi ôn tập nên luyện bài tập, làm tốt bài tập mẫu một cách nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó để có thêm những mẹo vặt khi làm bài, các em phải chú ý những kỹ năng do giáo viên hướng dẫn trên lớp. Lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam đều giống nhau về nội dung và cách học, tất cả phải nắm từ sự kiện chung với công thức: tính chất, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa tính chất. Đồng thời có thể vận dụng kiến thức tích hợp từ bộ môn ngữ văn, địa lý... Khi ôn tập, học sinh phải biết hệ thống hóa kiến thức sau khi thuộc bài, chú ý sơ đồ tư duy, thông qua từng giai đoạn. Đặc biệt, do nội dung đề thi quá rộng nên các em cố gắng luyện đề mẫu vì lúc thi sẽ gặp dạng đề tương tự. Luyện đề quen thì các em đánh dễ.  

Tóm lại, các em phải học nhiều mới có đủ kiến thức làm bài, tránh học tủ vì đó là cách học không tốt và khó đạt được kết quả như ý muốn khi thi dù với hình thức tự luận hay trắc nghiệm.

Thầy Lê Đình Hợi (Giáo viên môn lịch sử Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng): Cần có kỹ năng phân tích, tổng hợp

Muốn học tốt môn lịch sử nhằm hướng đến một kỳ thi THPT quốc gia hiệu quả, trước tiên học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản trong SGK. Trắc nghiệm là một hình thức thi tương đối mới và khó đối với môn lịch sử. Điều đó đòi hỏi các em phải học thuộc, ghi nhớ các sự kiện, hiểu rộng, có kỹ năng đánh giá, nhận xét, phân tích, biết khai thác kiến thức SGK. Cùng với các bài học, giáo viên dành một khoảng thời gian trong tiết học để cho học sinh xem thêm phim tư liệu lịch sử, đồng thời hướng dẫn các em xem và tìm hiểu thêm ở nhà. Thông qua các bài học, học sinh lập hệ thống sơ đồ tư duy và ghi nhớ lại kiến thức. Bên cạnh đó, các em soạn hệ thống câu hỏi phù hợp theo từng bài để ôn luyện, khi đã thành thạo thì xáo trộn câu hỏi để rèn luyện thêm. Dựa trên cơ sở cấu trúc đề minh họa của Bộ GD-ĐT, sự kiện ngày-tháng cũng được giảm nhiều, chỉ xoáy sâu vào các ngày-tháng trọng tâm của các sự kiện lớn, đặc biệt. Như vậy, ngoài kiến thức SGK, thông qua các thước phim tư liệu lịch sử, học sinh có thể nắm bắt được kiến thức chắc chắn, chính xác hơn.

Đối với học sinh đặt mục tiêu vào ĐH thì phương pháp học lịch sử có thể áp dụng theo chủ đề, bởi vì lịch sử có tiến trình và tác động liên quan đến nhau. Xác định trọng tâm mỗi phần, lập sơ đồ tư duy, từ một vấn đề có thể mở rộng ra, xâu chuỗi lại. Có thể lập sơ đồ tư duy tổng quát, tư duy theo chủ đề hoặc tư duy theo nhân vật. Một điểm không thể thiếu để học tốt môn lịch sử đó là xác định cùng với giáo viên giải quyết một niềm đam mê, xác định được mục đích tiến tới. Đồng thời, giáo viên cũng tạo điều kiện cho học sinh bày tỏ mong muốn về phương pháp học, lắng nghe, chia sẻ và từ đó giúp các em lựa chọn phương pháp tốt nhất.

Học đến phần nào các em phải nắm chắc kiến thức phần đó, sau đó mới hệ thống lại. Mỗi giai đoạn lịch sử có một đích đến, kết quả nên phải nắm chắc từng giai đoạn, cụ thể từng vấn đề mới có thể làm bài tốt. Thi theo hình thức trắc nghiệm đòi hỏi học sinh phải khái quát được toàn bộ kiến thức, vì vậy phải xác định được mốc thời gian, hiểu được ý nghĩa của sự kiện, tác động của nó, từ đó liên kết lại với nhau.

N.Quang - V.Yên (ghi)