Thứ bảy, 9/12/2017, 22h03

Phân luồng để có hiệu quả

Hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS là công việc quan trọng, tuy nhiên hiệu quả của công tác này vẫn chưa thật sự thuyết phục phụ huynh và học sinh.

Một học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.HCM) đặt câu hỏi trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức

Định hướng học sinh vào CĐ-TC còn hạn chế

Ông Nguyễn Chí Dũng (Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn) khẳng định, để một người có thể thành công trong công việc, yếu tố quan trọng nhất là người đó phải yêu thích công việc mình đang làm. Tuy nhiên, hiện nay việc hướng nghiệp cho học sinh THCS về định hướng nghề nghiệp theo khả năng, sở thích của mình vẫn là một vấn đề khó khăn.

Ông Dũng chia sẻ thêm, nhà trường xác định công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp chọn nghề cho học sinh là rất quan trọng, từ đó giúp các em chọn nghề nào, học ngành nào phù hợp với sở thích, năng khiếu và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội trong hiện tại và tương lai. Đối với phụ huynh thuộc đối tượng phân luồng, bộ phận hướng nghiệp của nhà trường phải đề cập, phân tích và so sách giữa THPT và TCCN để cho phụ huynh và học sinh hiểu thông suốt, đó là: học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên TC được miễn học phí theo quy định tại Nghị định số 86/ 2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015. Trong khi đó, học sinh THPT phải đóng học phí khi tới trường. Thời gian học THPT là 3 năm và rất nặng về văn hóa, còn thời gian học TC nghề đối với hệ THCS là 1,5 năm bao gồm 30% lý thuyết và 70% thực hành phù hợp với các em mất căn bản về văn hóa ở phổ thông. Hơn nữa, học sinh tốt nghiệp THPT và đi làm việc chỉ xếp bậc lương hệ sơ cấp; trong khi học sinh tốt nghiệp TC nghề, TCCN đi làm được xếp mức lương với hệ số 1,86 x lương cơ bản theo quy định + phụ cấp (nếu có). Và quan trọng hơn hết, học sinh tốt nghiệp TC được học liên thông lên CĐ nghề, ĐH và lấy bằng kỹ sư thực hành với thời gian: 9 năm THCS + 4,5 năm (1,5 TC nghề + 1,5 CĐ nghề + 1,5 năm ĐH) = 13 năm. Còn học sinh THPT phải học thời gian 9 năm THCS + 3  năm THPT  + 4 năm ĐH = 16 năm.

Phân tích nguyên nhân vì sao việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM ngày càng khó khăn, đại diện Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng cho rằng tâm lý xã hội nói chung là “sính” bằng cấp. Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, có hơn 90% học sinh THPT sẽ đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ĐH sau khi tốt nghiệp; học sinh không vào được ĐH sau tốt nghiệp THPT coi như thất bại trong con đường lập nghiệp. Hoạt động hướng nghiệp của các trường từ THCS đến THPT đều tập trung vào các trường ĐH, còn hạn chế trong định hướng cho học sinh đi vào các trường CĐ-TC. Mặt khác, do sự thay đổi về cơ chế chính sách, các trường ĐH thành lập nhiều, chuẩn đầu vào thấp, chỉ tiêu ngày càng tăng đã thu hút phần lớn học sinh vào ĐH. Việc đi vào CĐ-TC là lựa chọn cuối cùng khi không thể vào đâu học được, vì vậy số lượng học sinh vào CĐ-TC giảm mạnh theo từng năm. Một nguyên nhân nữa, theo vị đại diện này là thực chất số lượng học sinh phổ thông ngày càng ít do chính sách sinh đẻ có kế hoạch, nhiều doanh nghiệp thành lập chỉ cần tuyển lao động phổ thông, không cần qua đào tạo nghề nghiệp. 

Khống chế chỉ tiêu vào lớp 10

Để công tác phân luồng sau THCS từ nay đến 2020 đạt hiệu quả, theo tiêu chí 30% học sinh THCS vào các trường TCCN, TC nghề và 70% học sinh vào THPT,  ông Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Sở GD-ĐT TP.HCM phải khống chế chỉ tiêu đầu vào lớp 10 THPT tương ứng. Vì thực tế những năm gần đây, công tác phân luồng sau THCS chỉ đạt khoảng 10%.

Ông Nguyễn Phan Hòa (Hiệu trưởng Trường TC Nhân Đạo) cũng cho rằng, dù học lực của học sinh hạn chế nhưng phụ huynh vẫn muốn con vào lớp 10 THPT. Thêm nữa, chỉ tiêu đầu vào lớp 10 cao nên dẫn đến tỷ lệ phân luồng 30% của TP không đạt. Tỷ lệ học sinh thi không đỗ vào lớp 10 chỉ chiếm khoảng 2%, tổng cộng khoảng 12% (bao gồm sau phân luồng và học sinh không đỗ vào lớp 10 THPT). Còn ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Thủ Đức) đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức phân luồng học sinh sau THCS đến năm 2020 đạt 30%. Theo đó, cần rà soát, khống chế chỉ tiêu vào lớp 10 THPT.

Bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) đề xuất cần nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, trong đó chú trọng giới thiệu ngành nghề, các nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực trong tương lai. Đồng thời tư vấn về xu hướng và năng lực cá nhân, từ đó giúp học sinh các trường THCS và THPT định hướng trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Thông qua công tác hướng nghiệp sẽ hỗ trợ quảng bá thông tin hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giúp tiếp cận với học sinh THCS và THPT phục vụ công tác tuyển sinh của các trường.

T.An