Thứ ba, 5/12/2017, 23h39

Phim Việt quay ở nước ngoài: Có làm nên chuyện?

Những năm gần đây, xu hướng lựa chọn bối cảnh quay của phim Việt ở nước ngoài ngày càng nhiều. Điều này tạo nên sự mới lạ, thu hút khán giả.

Cảnh trong phim “Giấc mơ Mỹ”. Ảnh: M.T.H

Nỗ lực tìm hướng đi

Với 60% bối cảnh được ghi hình tại Mỹ, bộ phim điện ảnh “Giấc mơ Mỹ” là thách thức không nhỏ đối với nhà sản xuất. Đây có thể xem là dự án điện ảnh của Việt Nam có nhiều cảnh quay nhất được thực hiện tại nước ngoài cho đến thời điểm này.

Không khó để kể ra những bộ phim điện ảnh Việt được các đạo diễn thực hiện những cảnh quay ở nước ngoài trong thời gian gần đây. Đây là con đường tìm hướng đi mới của nhiều nhà sản xuất từ phim truyền hình cho đến điện ảnh. Không phải là cách để thu hút sự chú ý, các nhà sản xuất hy vọng mang đến sự chỉn chu cho mỗi tác phẩm, đồng thời tạo nên sự tươi mới cho khán giả.

Khán giả trong nước từng ấn tượng với những cảnh quay ở nước Đức trong phim “Quyên”, cảnh quay tại Ấn Độ trong “Duyên trần thoát tục”, cảnh quay ở Mỹ trong “Âm mưu giày gót nhọn”... Năm 2017, “Dạ cổ hoài lang” dù không tạo được “cơn sốt” như mong đợi nhưng khán giả cũng được “mãn nhãn” trước những cảnh quay được thực hiện tại Mỹ và Canada của bộ phim này. Mùa phim Tết 2018, theo tiết lộ của nhà sản xuất bộ phim “Đích tôn độc đắc”, cũng có không ít các cảnh quay được thực hiện tại Mỹ. Bên cạnh đó, một số phim mang hơi thở của dòng phim lịch sử cũng có nhiều nỗ lực khi chọn một số bối cảnh quay ở nước ngoài để đem đến tính chân thật cho người xem.

Với dòng phim truyền hình, khán giả trong nước lại khá ấn tượng với những cảnh quay ở Hàn Quốc trong phim “Tuổi thanh xuân” 1 và 2, “Bí mật tam giác vàng” quay tại Lào - Thái Lan; series phim “Trở về” được quay tại Lào, Thái Lan, Campuchia... Một số dự án phim khác cũng chọn bối cảnh ở các nước Đài Loan, Trung Quốc để quay.

Việc thực hiện những bối cảnh ngoại cho phim Việt luôn là bài toán làm đau đầu nhà sản xuất bởi chi phí cao hơn rất nhiều so với việc thực hiện cảnh quay trong nước. Thế nhưng, để tạo nên làn gió mới cho phim Việt nên một số nhà làm phim sẵn sàng “chịu chi” với mong muốn mang đến cho khán giả những hình ảnh chân thật nhất.

Khó nhưng vẫn làm

Với “Giấc mơ Mỹ”, Giám đốc sản xuất kiêm diễn viên chính Mai Thu Huyền đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu và khảo sát vị trí địa lý, khí hậu cũng như các quy định dành cho cả ê kíp để đoàn phim lên đường thuận lợi, may mắn. Hầu hết các đạo diễn từng mang phim đi quay ở nước ngoài chia sẻ, làm phim bên ngoài lãnh thổ đều rất vất vả, tốn kém hơn nhiều.Vì bài toán kinh tế buộc họ phải “thắt lưng, buộc bụng”. Thời gian, kinh phí eo hẹp nên hầu hết những nhà làm phim đều cố gắng đưa vào máy quay về những nét đặc trưng nhất về thiên nhiên, cảnh vật ở các quốc gia ấy.

Phim Việt quay ở nước ngoài có làm nên chuyện vẫn là bài toán chưa có lời đáp. Dẫu biết con đường làm phim ở nước ngoài không dễ nhưng nếu nhà sản xuất không tự tìm hướng đi mới cho phim Việt thì khán giả cũng sẽ nhàm chán khi thiếu những tác phẩm tươi mới với làn gió lạ.

Đoàn phim “Dạ cổ hoài lang” đã có nhiều chuyến đi khắp Canada, từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ để tìm kiếm bối cảnh, chờ đợi tuyết rơi cho các cảnh quay. Nhắc tới những bộ phim nói về cuộc sống của những người Việt xa xứ không thể không kể tới “Hai phía chân trời”. Bộ phim dài 33 tập này đã khai thác câu chuyện và nhân vật tại nước ngoài một cách đúng nghĩa nhất, xung quanh cuộc sống của Việt kiều tại châu Âu với bối cảnh quay chính tại Cộng hòa Czech và Ukraina trong thời tiết giá lạnh. Việc sử dụng bối cảnh nước ngoài luôn được các đạo diễn cân đong chi tiết bởi thêm cảnh, thêm ngày quay là phát sinh thêm một khoản chi phí không hề nhỏ. Do đó, ê kíp ra nước ngoài của nhiều bộ phim chỉ gói gọn trong dàn diễn viên và những thành viên thật sự cần thiết. Bởi, từ việc lo visa, lo chỗ ăn ở cho cả đoàn, làm thủ tục để thực hiện những cảnh quay đều phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Đưa ê kíp làm phim Việt ra nước ngoài đồng nghĩa đối mặt với những khó khăn trước mắt về ngôn ngữ, sinh hoạt, ăn uống... hằng ngày. Để giảm thiểu những mối lo đó, nhiều đạo diễn thường chọn con đường hợp tác sản xuất. Tuy nhiên, cũng có không ít ê kíp làm phim Việt tự mình học cách “bơi ra biển lớn”. Nỗ lực để có thể thực hiện các bối cảnh quay tại nước ngoài là điều rất đáng khích lệ đối với các ê kíp sản xuất, dù đôi khi nó chưa thật sự hoàn hảo như mong đợi. Một thực tế không thể phủ nhận là nhiều phim Việt có bối cảnh quay ở nước ngoài đã nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả. Hơn nữa, việc phim Việt được quay tại nước ngoài cũng là cơ hội để đưa phim ra nước ngoài có nhiều thuận lợi hơn.

Phim Việt quay ở nước ngoài có làm nên chuyện vẫn là bài toán chưa có lời đáp. Dẫu biết con đường làm phim ở nước ngoài không dễ nhưng nếu nhà sản xuất không tự tìm hướng đi mới cho phim Việt thì khán giả cũng sẽ nhàm chán khi thiếu những tác phẩm tươi mới với làn gió lạ.

Yên Hà