Thứ sáu, 21/3/2014, 12h03

Quan hệ công chúng: Nghề dành cho người năng động

Học sinh Trường THPT Bình Phú đăng ký thông tin hướng nghiệp tại bàn tư vấn
Hiện nay nhiều học sinh không ngần ngại bày tỏ sự quan tâm tới những ngành nghề tuy còn khá mới nhưng lại phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Ngành quan hệ công chúng (Public Relations, PR) là một trong số đó...
Trong các buổi hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ở Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa và THPT Bình Phú (TP.HCM), Ban tư vấn đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan tới ngành nghề này.
Nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng
Em Đỗ Ngọc Chiêu Quân (học sinh lớp 12A7, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa) cho biết: Em là người hoạt ngôn, dễ gần và khá cởi mở khi tiếp xúc với người khác, kể cả người lạ. Em được biết quan hệ công chúng (QHCC) là ngành phù hợp với những người có tính cách mạnh dạn, tự tin. Vậy ngoài những điều đó, ngành này còn yêu cầu phải có tố chất gì thêm?”. Tương tự, em Vũ Tường Nguyên (học sinh lớp 12A4) cũng thắc mắc: Có phải những người làm trong lĩnh vực QHCC đều có mức lương… “khủng”?
Trả lời các câu hỏi này, bà Nguyễn Nhật Thiếu Anh (điều phối truyền thông Khoa Đào tạo chuyên nghiệp, Trường ĐH Hoa Sen) cho biết: “QHCC là nghề mới “nổi” và được xã hội quan tâm trong khoảng 10 năm gần đây. Đây là ngành sử dụng nghệ thuật quản lý và mối quan hệ giao tiếp cộng đồng để tạo dựng và giữ gìn hình ảnh tích cực của một tổ chức hay doanh nghiệp đối với công chúng. Do đó, để làm được nghề này, các em phải là người tổng hòa được các yêu cầu như năng lực giao tiếp tốt, khả năng ứng xử khéo léo, khả năng truyền đạt ý tưởng, thích ứng với nhiều hoàn cảnh. Ngoài những tố chất trên, một PR còn phải có nền kiến thức tổng quát về kinh tế, văn hóa - xã hội, cập nhật và nắm chắc thông tin hầu hết các lĩnh vực trong xã hội, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ và phải luôn chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để giải quyết trong mọi trường hợp có thể xảy ra.
“Mức lương của những người làm ngành này khá cao, trung bình từ 7-8 triệu/tháng, thậm chí lên tới 1.000-2000 USD/tháng nếu làm việc cho các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, tùy theo mức lương được nhận, mỗi người sẽ phải làm việc ở môi trường áp lực, sức ép công việc khác nhau. Trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh sôi động hiện nay, các doanh nghiệp phải liên tục đưa ra những chiến lược marketing nhằm nâng cao thị phần trên thị trường và khẳng định thương hiệu của mình. Chính vì vậy, hoạt động PR ngày càng được đánh giá cao và có nhiều cơ hội”, bà Thiếu Anh khẳng định.
Nghề nghiệp đa năng
Theo ThS. Lê Trọng Huynh (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), QHCC là nghề có thể đảm nhiệm nhiều chức danh và công việc khác nhau. Chuyên viên PR là người truyền đạt tư tưởng, chính sách, kế hoạch và thực thi của lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp đến công chúng; đồng thời phản ánh thái độ của công chúng đối với tổ chức, doanh nghiệp đó. Vai trò của chuyên viên PR đã góp phần duy trì và quản lý sự hài hòa trong môi trường làm việc của tổ chức, doanh nghiệp trước công chúng, nhằm xây dựng sự bền vững của một thương hiệu. Ngành QHCC có thể được hiểu là một ngành công nghiệp truyền thông, nhưng đó không chỉ là hoạt động truyền thông trong nội bộ tổ chức, doanh nghiệp mà còn hướng mạnh mẽ tới đối tượng công chúng, những người có ảnh hưởng lớn tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp là khách hàng, đối tác và cộng đồng. PR đang dần được xem là một lựa chọn hấp dẫn, đầy tiềm năng với nhu cầu nhân lực tương đối cao như hiện nay.
Nếu đào tạo bài bản, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho hoạt động báo chí, truyền thông hiện đại như cách tổ chức các mối quan hệ, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, quản trị thông tin, xử lý khủng hoảng; tổ chức sự kiện, hội nghị, họp báo, tư vấn cho lãnh đạo trong đối thoại với báo chí, quảng bá thương hiệu, thuyết trình viên, tư vấn chiến lược phát triển và giới thiệu hình ảnh...
Hiện nay chỉ có Trường ĐH Văn Lang và Học viện Báo chí và Tuyên truyền có mã ngành tuyển sinh ngành này. Tuy nhiên, vì là ngành liên quan tới nhiều kiến thức tổng hợp và thuộc lĩnh vực marketing nên học sinh có thể đăng ký học các ngành báo chí, quản trị, kinh tế, marketing. Thậm chí, những người có thái độ làm việc nghiêm túc và hiểu biết về các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, tài chính, y khoa, quan hệ quốc tế... nếu có đam mê cũng có thể đảm nhận công việc này.
Theo ThS. Lê Trọng Huynh, nếu học về QHCC, sinh viên ra trường có thể làm việc ở nhiều vị trí từ nhân viên PR, quảng cáo tại các công ty, doanh nghiệp; phát ngôn viên chuyên nghiệp, MC hay chuyên viên tuyên truyền, tổ chức sự kiện cho tới phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan thông tấn, báo chí…
Bài, ảnh: Linh Vy
Ngành QHCC có thể được hiểu là một ngành công nghiệp truyền thông, nhưng đó không chỉ là hoạt động truyền thông trong nội bộ tổ chức, doanh nghiệp mà còn hướng mạnh mẽ tới đối tượng công chúng, những người có ảnh hưởng lớn tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp là khách hàng, đối tác và cộng đồng.