Thứ ba, 13/6/2017, 21h14

Quê hương nghĩa trọng tình cao!

Đối với người dân xứ Nghệ, buổi sáng ngày 14-6-1957 đã trở thành tháng ngày đáng nhớ đi vào lịch sử địa phương khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên trở về thăm quê sau 50 năm rời Làng Sen ra đi tìm đường cứu nước.

Cảnh trong vở kịch hát “Lời Người lời của nước non”

Vì thế hàng năm cứ đến ngày này, nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh lại nhớ đến hình ảnh vị lãnh tụ về thăm ngôi nhà thời niên thiếu trong niềm nhớ thương và xúc động. 60 năm qua, những kỷ niệm yêu thương và ấm áp vẫn còn đọng mãi trong lòng mỗi người dân xứ Nghệ.

Nửa thế kỷ xa quê

Đã đóng nhiều nhân vật khác nhau trên sân khấu Nhà hát Dân ca Nghệ An, nhưng mỗi lần vào vai Bác Hồ trong vở kịch hát “Lời Người lời của nước non”, nghệ sĩ (NS) An Phúc - Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca Nghệ Tĩnh lại trào dâng một cảm xúc riêng bởi vì theo NS đây là tác phẩm có ý nghĩa nhất khi tái hiện lại được không gian năm 1957 khi Bác Hồ trở về thăm quê lần đầu tiên sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc. NS An Phúc chia sẻ: “Mặc dù đã diễn rất nhiều lần nhưng mỗi lần hóa trang xong và sau đó bước lên sân khấu lúc nào tôi cũng luôn trong tâm trạng hồi hộp và cảm động”. Theo NS An Phúc, đây là trích đoạn thể hiện được tình cảm đặc biệt của một người con xa quê và người dân xứ Nghệ đón Bác trở về sau nhiều năm xa cách. Tình cảm đó vừa thiêng liêng lại vừa chân thật và gần gũi như chính người thân trong một gia đình lớn của vùng đất xứ Nghệ miền Trung.

Đối với NS Vũ Hải đây là kịch bản ông tâm đắc nhất khi chấp bút vì so với các NS cùng thời ông là người được may mắn vào Phủ Chủ tịch trình diễn và gặp gỡ Bác Hồ trong thời gian trước đó. Với nhân vật trung tâm là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho nên các yếu tố, chi tiết mang tính lịch sử được đặc biệt chú ý. Những câu chuyện đưa lên sân khấu là những chi tiết có thực nhờ các nhân chứng, các nhà nghiên cứu, các cán bộ lão thành cách mạng kể lại mà trong đó có công lớn của ông Hồ Quang Chính và Nguyễn Sinh Thọ.

Năm 1957, miền Bắc sau ba năm khôi phục kinh tế đã thu được một số thành quả. Trước lúc lên đường thăm một số nước, Bác quyết định về thăm Nghệ An. Nghe tin Bác về thăm quê, người dân xứ Nghệ náo nức mong chờ. Trong bộ quần áo kaki bạc màu, đôi dép cao su mòn gót, Bác tươi cười vẫy chào nhân dân. Cả rừng người hò reo mừng đón Bác. 

Bồi hồi xúc động trong nước mắt

Trong vở kịch có nhiều chi tiết rất thực. Đó là chi tiết hôm đó một đồng chí lãnh đạo tỉnh trịnh trọng mời Bác đi vào nhà khách nhưng Bác ngăn lại: “Tôi xa nhà, xa quê đã lâu nay mới có dịp trở về, tôi phải về thăm nhà tôi trước đã. Nhà tiếp khách là để dành cho khách, tôi có phải là khách đâu”. Nói rồi Bác rẽ đi về lối nhà mình. Bác dừng lại giữa sân, như muốn thu toàn bộ cảnh quan vào đôi mắt. Người chỉ cho những người đi theo đâu là nơi trồng cây ổi, chỗ nào có cây thanh yên đã mọc trên mảnh vườn xưa của nhà Bác.

Bác lại đi ra sân, đứng ngắm lại ngôi nhà đã gắn bó một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời Bác. Đã 50 năm trôi qua, những ai được vinh dự có mặt trong giờ phút thiêng liêng của buổi sáng ngày 14-6-1957, hẳn không quên lời Bác: “Tôi xa quê đã 50 năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng tủi tủi. Nhưng tôi không tủi mà chỉ thấy mừng. Bởi khi tôi ra đi, nhân dân ta còn nô lệ, bị bọn phong kiến đế quốc đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do”.

Đi khắp 4 phương trời lòng Bác vẫn hướng về quê hương, tấm lòng dạt dào như nước sông Lam không bao giờ cạn, trái tim nhân nghĩa tựa đài sen thơm ngát hương đời. 

Ông Nguyễn Sinh Quế - nguyên Bí thư Đảng bộ xã Kim Liên có mặt trong lần Bác về thăm quê nhớ lại: “Dù tròn nửa thế kỷ, Người vẫn nhớ như in từng đồ vật trong nhà, từng gốc ổi, hàng cau, bụi chuối, luống khoai lang đã gắn bó với Người từ thuở ấu thơ. Người đứng lặng trước bàn thờ gia tiên, mắt rưng rưng lệ”. Đó là giọt nước mắt thương đất mẹ nghèo khó khi gặp lại tuổi thơ của mình dưới mái nhà tranh, nhớ mẹ nhớ cha nhớ người thân yêu không còn gặp lại. Về quê, Bác mang theo rất nhiều kỷ niệm như không quên anh Điền thợ rèn - người bạn chăn trâu, thả diều trên núi Chung. Sau đó, Bác ra nói chuyện với đồng bào, mở đầu bằng câu tập Kiều: “Quê hương nghĩa trọng tình cao. 50 năm ấy biết bao nhiêu tình” với giọng Nghệ gốc trầm ấm. Người vui mừng vì khi ra đi, quê hương còn nô lệ, nay trở về đất nước tự do, đồng bào no ấm. Nhiều người dân xúc động không kìm được nước mắt trước tình cảm quê hương sâu đậm trong trái tim vị lãnh tụ, dù xa nhà đã 50 năm.

Ngày 10-6-2017 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An khi xem lại trích đoạn “Lời Người lời của nước non”, hàng ngàn khán giả xứ Nghệ đã xúc động rơi nước mắt khi gặp lại hình ảnh Bác Hồ trở về thăm quê nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ trở về thăm Nghệ An và Hà Tĩnh do NSƯT Hồng Dương vào vai. Một lần nữa phẩm chất cao quý của vị lãnh tụ tài ba, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh lại được tỏa sáng. Đi khắp 4 phương trời lòng Bác vẫn hướng về quê hương, tấm lòng dạt dào như nước sông Lam không bao giờ cạn, trái tim nhân nghĩa tựa đài sen thơm ngát hương đời.

Bài, ảnh: Quang Phan