Thứ sáu, 4/9/2015, 12h07

Rộng “cửa” xét tuyển nguyện vọng bổ sung

Sau đợt xét tuyển nguyện vọng 1, các thí sinh chưa có cơ hội trúng tuyển  trong đợt xét tuyển đầu tiên vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội để vào được ngành học, trường học mình yêu thích trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS).

Tại chương trình tư vấn xét tuyển NVBS năm 2015 với chủ đề “Cùng bạn quyết định tương lai” do báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp cùng các trường  ĐH, CĐ, được phát sóng trực tiếp trên đài PTTH Bà Rịa Vũng Tàu ngày 3-9, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại  TP.HCM khẳng định: thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội để xét tuyển vào các ngành học, trường học mình yêu thích ở NVBS.

Còn nhiều chỉ tiêu

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, các thí sinh chỉ còn 3 ngày để nộp hồ sơ NVBS đợt 1 (bắt đầu từ ngày 26-8 đến ngày 7-9). Hiện các trường ĐH, CĐ vẫn đang tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển NVBS đợt 1 2015. Các thông tin chi tiết về chỉ tiêu, ngành xét tuyển đều được đưa chi tiết trên website của trường và các phương tiện thông tin đại chúng. Khi xét tuyển NVBS, thí sinh có thể thực hiện bằng 3 phương thức: nộp tại Sở GD-ĐT hoặc trường THPT do Sở GD-ĐT quy định, gửi qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp tại trường ĐH, CĐ mà thí sinh có  nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, khác với xét tuyển NV1, thí sinh không được rút hồ sơ trong từng đợt xét tuyển NVBS mà phải chờ đến khi kết thúc đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển mới được rút hồ sơ để đăng ký vào đợt kế tiếp. Những thí sinh đã trúng tuyển NV1 không được tham gia các đợt xét tuyển NVBS. Cho đến thời điểm này, còn rất nhiều trường ĐH, CĐ xét tuyển NVBS với nguồn chỉ tiêu khá dồi dào.

Th.S Nguyễn Thị Xuân Dung, phó trưởng phòng tư vấn tuyển sinh truyền thông trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech) cho biết, trường dành 2.100 chỉ tiêu tuyển sinh cho xét tuyển NVBS đợt 1 gồm 30 ngành ở trình độ ĐH, 23 ngành ở trình độ CĐ với mức điểm xét tuyển từ 15-17 điểm tùy theo ngành. Tại trường ĐH kinh tế tài chính TP.HCM (UEF), dù đã tuyển được gần 80% chỉ tiêu tuyển sinh ở NV1 nhưng trường vẫn còn 660 chỉ tiêu bậc ĐH và 180 chỉ tiêu bậc CĐ cho NVBS. Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên, phó giám đốc trung tâm tuyển sinh và truyền thông, trường còn nhiều ngành có chỉ tiêu từ 60 sinh viên trở lên (đối với bậc ĐH). Cụ thể, các ngành còn nhiều chỉ tiêu bậc ĐH tính đến thời điểm hiện tại là QTKD (210 chỉ tiêu), kế toán, CNTT (90 chỉ tiêu); ngôn ngữ Anh, tài chính ngân hàng (70 chỉ tiêu)….Đối với bậc CĐ, chỉ tiêu dao động từ 20-30 chỉ tiêu/ngành.

Tương tự, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng còn 1.500 chỉ tiêu cho 28 chuyên ngành hệ ĐH và 450 chỉ tiêu cho 11 ngành thuộc hệ CĐ trong đợt xét tuyển NVBS. Th.S Nguyễn Tấn Ý, phó trưởng khoa cơ khí trường ĐH Nguyễn Tất Thành khẳng định: trường còn hơn 2.000 chỉ tiêu cho 23 ngành hệ ĐH và 22 ngành hệ CĐ. Trong đó, khối ngành về kỹ thuật công nghệ có chỉ tiêu khá “rộng cửa”, khoảng 100 chỉ tiêu/ngành gồm: kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ ô tô, điện-điện tử, kỹ thuật xây dựng, kiến trúc…

Đừng để thua tại “sân” nhà

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, dù chỉ tiêu tuyển sinh khá dồi dào, song các thí sinh vẫn phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định nộp hồ sơ, không nên để xảy ra tình trạng nộp chỉ để…đậu ĐH như nhiều thí sinh xét tuyển NV1. Nếu không có đam mê với ngành học, thí sinh sẽ rất chật vật từ khi ngồi trên ghế giảng đường cho đến lúc bước chân ra ngoài xã hội. Thí sinh nên chủ động liên hệ với trường có ý định nộp hồ sơ để được tư vấn, giải đáp về ngành học, phương thức xét tuyển. Và trong điều kiện kinh tế hiện nay, các thí sinh đừng ngần ngại xét tuyển vào các trường CĐ, nhất là các trường CĐ nghề. Ông Nguyễn Hoàng Chương, giám đốc đào tạo trường CĐ Nghề Hoa Sen nhìn nhận: chi phí đào tạo một sinh viên trong trường CĐ nghề khá cao. Trường  nghề phải có cơ sở vật chất, phòng thực hành đủ để đáp ứng nhu cầu nâng cao tay nghề của học viên. Đội ngũ giảng viên ngoài việc đáp ứng yêu cầu về trình độ theo quy định còn phải là người đang làm việc tại các xí nghiệp, công ty để có kiến thức thực tế cung cấp cho học viên. Vì vậy, học viên được đào tạo trong các trường nghề sẽ có các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế ASEAN sắp tới. “Khi cộng đồng kinh tế ASEAN mở rộng, nhân lực giữa các nước được luân chuyển. Các công ty, tập đoàn có thể không sử dụng nhân lực của nước chủ nhà mà sẽ điều chuyển nhân công từ nơi khác tới.  Nếu không đáp ứng được yêu cầu về tay nghề, chúng ta sẽ bị thua ngay trên sân nhà. Vì vậy, các em phải có ý chí ngay từ bây giờ, tìm cho mình 1 nghề, phải học và có thái độ nghiêm túc với nghề đó để không bị tụt lại phía sau”, ông Nguyễn Hoàng Chương nhấn mạnh.

Linh Vy