Thứ sáu, 25/12/2015, 14h18

Sách và văn hóa đọc năm 2015: Sôi động với những vui - buồn

Năm 2015, với những người làm sách và bạn đọc, có lẽ là một năm đầy sôi động với rất nhiều sự kiện. Năm nay được ví như năm bội thu của hội sách nhưng cũng nhiều về vụ lùm xùm đạo thơ, đạo văn.

Vui với hội sách, đường sách

Có thể nói đây là năm được mùa của các hội sách. Chỉ tính riêng tại thủ đô Hà Nội đã có nhiều hội sách thành công, đặc biệt về số lượng bạn đọc. Từ hội sách quốc tế rồi hội sách Hoàng thành, Mùa xuân, Mùa thu đến đại hội sách cũ… So với mọi năm, đây được xem có sự thay đổi lớn vì trước đây bạn đọc Hà Nội thường ít có thói quen đến với hội sách, nhiều hội sách tổ chức trước đó thường không thành công như mong đợi.

Giới thiệu sách điện tử (ebook) tại hội sách TPHCM

TPHCM có truyền thống tổ chức hội sách với quy mô lớn nhất nước. Năm nay, tuy không phải năm tổ chức hội sách nhưng thay vào đó bạn đọc TP có dịp đến với hàng loạt hội sách quy mô nhỏ nhưng đa dạng và phong phú về cách thức tổ chức. Đặc biệt, sự xuất hiện của các hội sách chuyên đề đã mang lại không khí mới trong làng sách như các chợ phiên sách cũ của Nhã Nam, Alphabook, thu hút rất nhiều bạn đọc. Các hội sách riêng của các NXB cũng thu hút rất đông bạn đọc. Các đơn vị làm sách tại TP cũng rất nhiệt tình với hội sách, đây là năm thứ ba liên tiếp các đơn vị làm sách tự liên kết với nhau để tổ chức như hội sách hè, hội sách truyện tranh và hiện đang diễn ra là hội sách Giáng sinh. Năm 2015 cũng ghi nhận việc tổ chức hội sách tại các địa phương khác, tiêu biểu nhất là hội sách Cần Thơ diễn ra vào tháng 3-2015.

Một câu chuyện vui nữa của văn hóa đọc trong năm là việc Đường sách TPHCM hay còn gọi là Đường sách Nguyễn Văn Bình chính thức được thực hiện.

Tác giả trong nước lạc quan

Một thời gian dài, khi nhắc đến sáng tác trẻ và cho người trẻ trong nước, quanh đi quẩn lại chỉ có hai cái tên Nguyễn Nhật Ánh với dòng văn học cho tuổi mới lớn và Nguyễn Ngọc Tư mạnh về đề tài cuộc sống. Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi trong năm 2015 khi bên cạnh hai nhà văn nói trên có sự xuất hiện của hàng loạt cây bút mới, đa số còn trẻ. Những cái tên như Nguyễn Ngọc Thạch, Hamlet Trương - Iris Cao, Anh Khang, Tony Buổi Sáng… dần trở nên quen thuộc với giới trẻ. Trong đó, chỉ riêng Tony Buổi Sáng với hai tác phẩm Café cùng Tony và Trên đường băng đã liên tục đứng đầu danh sách sách bán chạy nhất của các nhà phát hành trực tuyến.

Không chỉ có sách văn học, dòng truyện tranh cũng đánh dấu sự trỗi dậy của các họa sĩ, tác giả trong nước với các tác phẩm dài kỳ Học sinh chân kinh, Long Thần tướng… làm thay đổi cục diện thị trường truyện tranh trong nước. Trong khi những dòng văn học “chính quy” vẫn còn khá thầm lặng thì năm 2015 đánh dấu sự bùng phát mạnh mẽ của dòng tiểu thuyết tự truyện. Đó là các câu chuyện “người thật việc thật” nhưng được thể hiện dưới hình thức tiểu thuyết. Nổi tiếng nhất trong năm có thể kể đến Quân khu Nam Đồng, Nhật ký chuyên văn…

Nỗi đau đạo văn

Đầu tiên là lời tố cáo của một tác giả khi cho rằng bài thơ Tổ quốc gọi tên của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai thực chất là “đạo thơ” của anh. Điều đáng nói, đến tận hôm nay, người tố cáo vẫn chưa đưa ra bất cứ bằng chứng nào để chứng minh lời tố cáo của mình có cơ sở, ngoài lời chứng của một tác giả khác rằng “đã từng đọc đâu đó”, “đã từng nghe ai đó đọc”… Thế nhưng, những lời buộc tội vô căn cứ đó đã gây nên những phản ứng tiêu cực, gây tâm trạng nửa tin nửa ngờ kéo dài suốt một thời gian.

Vụ bài thơ Bạch lộ của nhà thơ Phan Huyền Thư bị tố sao chép bài Buổi sáng của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan lại là một nỗi đau thực sự. Ngay sau khi tập thơ Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư đoạt giải của Hội Nhà văn Hà Nội thì nhiều người đã phát hiện một số bài thơ trong đó giống thơ của các nhà thơ khác. Đặc biệt bài Bạch lộ giống gần y đúc bài Buổi sáng đã công bố cách đó hơn 10 năm. Hội Nhà văn Hà Nội đã rút lại giải thưởng. Vụ việc tuy đã khép lại nhưng niềm tin của bạn đọc đã bị xâm phạm.

Năm 2015, sau một thời gian gây tranh cãi quyết liệt với các ý kiến phê phán và bảo vệ, cuối cùng, lần đầu tiên cơ quan quản lý xuất bản Việt Nam đã ra quyết định hạn chế xuất bản dòng sách ngôn tình Trung Quốc, với lý do có nhiều tác phẩm gây phản cảm cho người đọc. Sau đó, một dòng sách rất đặc biệt khác xuất hiện và nhanh chóng thu hút sự chú ý của bạn đọc là dòng sách tô màu cho người lớn. Sau một thời gian tràn ngập các bản sách nhập thì vào cuối năm, thị trường bắt đầu xuất hiện các bản sách tô màu do các tác giả trong nước thực hiện.


TƯỜNG VY/SGGP