Thứ hai, 12/2/2018, 11h27

Sài Gòn dịu dàng... trong Sài Gòn...

Bạn ở xa nhắn tin bảo rằng năm nay bạn lại lỗi hẹn với Sài Gòn, quá nhiều thứ đã cuốn bạn đi vội vã nhưng Sài Gòn vẫn luôn trong niềm nhớ. Có lần, ai đó nói với bạn là ngó vậy chứ Sài Gòn cũng dịu dàng lắm. Mùa nối mùa, sự phóng khoáng, dễ thương của người Sài Gòn đã làm bạn tin rằng có một Sài Gòn dịu dàng trong Sài Gòn.

Những năm tháng sống ở Sài Gòn, có bao nhiêu ước mơ mà những người con tỉnh lẻ như bạn từng nuôi dưỡng. Ước mơ ở từng thời điểm cũng có thể khác nhau nhưng bạn có thể ngẩng cao đầu vì đã nỗ lực, đã học cách sống an nhiên mỗi ngày. Đôi lần vấp ngã hay lạc lối, Sài Gòn đã nâng đỡ bạn đứng lên.

1. Một lần có mặt Nhà văn hóa Thanh Niên trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, bạn bắt gặp hình ảnh một thanh niên trạc 30 tuổi. Người ấy gần giống như Nick Vujicic về ngoại hình. Nhìn cách người ấy sử dụng chiếc máy DSLR thành thạo, di chuyển nhanh lẹ để chụp những hình ảnh của chương trình hôm đó, bạn thật sự nể phục. Sài Gòn bao dung, cho những người trẻ thật nhiều động lực để sống và vươn lên. Giây phút ấy, bạn cảm giác như thanh niên đó là một đốm sáng giữa đám đông ồn ào, hỗn độn. Hình ảnh đó lọt vào ống kính của bạn nhưng tiếc thay, bạn đãng trí nên lỡ tay làm mất thẻ nhớ đó. Có vậy thôi mà tiếc ngẩn ngơ!

2. Lắm lúc, bạn thích nhìn ngắm Sài Gòn bồng bềnh tựa như một vạt mây, muốn lắng tai nghe âm điệu Sài Gòn như một bản nhạc với nhiều tiết tấu. Lắm lúc, bạn thích ngắm nhìn Sài Gòn qua đôi mắt của một người trẻ đầy say mê, háo hức. Đôi khi, bạn lại thích ngắm nhìn Sài Gòn chậm rãi trôi qua trong đôi mắt của một người già, một chứng tích của thời gian.

Với không ít người, họ rất thích ngắm nhìn Sài Gòn qua hình ảnh những người già bởi người già chính là một phần hồn của mảnh đất này. Có lần, trò chuyện với một người nghệ sĩ tên tuổi trước năm 1975, bạn ngỏ ý muốn chụp một tấm hình chân dung cho cô. Cô khẽ nói: “Đợi cô xoa tí son, đánh chút má hồng nhé!”. Cô nói rồi cười, nụ cười bắt đầu héo rũ và đuôi mắt rạn vỡ nhăn nheo ít nhiều. Buổi chiều miên man kí ức ấy, chiếc cassette cũ kỹ cất lên điệu Bolero bàng bạc làm bạn nhớ mãi.

3. Đôi lần, chẳng phải vì bụi mà sao khóe mắt lại cay. Bạn từng gặp những người nghệ sĩ già đau đáu trước những giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc đang dần bị mất đi bởi làn sóng văn hóa nghệ thuật hiện đại. Nếm đủ phong vị của cuộc đời, từng khóc, từng cười dưới ánh đèn sân khấu, cái họ còn lại là gì sau những ngày ngược xuôi tận hiến một đời cho nghệ thuật...

Đâu đó giữa Sài Gòn này, bạn đã gặp những con người mà với bạn, họ đã là một phần hồn của Sài Gòn. Nhiều lần được trò chuyện cùng vợ của cố nhà văn, nhà giáo, nhà tình báo cách mạng trước năm 1975 Thẩm Thệ Hà, bà kể bạn nghe về ông rất nhiều. Khi ông mất cũng đồng nghĩa với một khoảng trời trong bà đã mất. Những chiều ngồi bên bà trong căn phòng nhỏ, bà cho bạn xem bao tấm hình đã hoen ố, những bức thư tay ông viết cho bà trước năm 1975. Thời gian lưu dấu trong căn nhà ấy, trong những trang sách thơm mùi xưa cũ.

4. Câu chuyện của bà là một trong những hình ảnh đẹp về tình yêu để bạn tin vào những điều đẹp đẽ vẫn hiển hiện đâu đó giữa Sài Gòn. Một đêm tháng Chạp, bạn bắt chuyến xe ôm vội vã cuối ngày. Bác tài xế giọng Sài Gòn vui vẻ trò chuyện, kể về cậu con trai đang học ĐH. “Hôm nay khách đông, bác chạy xe cũng đỡ lắm. Mình già rồi, sức không dẻo dai, không dùng công nghệ như lớp trẻ được nhưng có công việc để làm đã là niềm vui. Bác ráng làm để có cái Tết vui cho tụi nhỏ”, câu nói của bác tài xế xe ôm xa lạ làm đêm tháng Chạp của bạn miên man quá chừng. Bác tài xế ấy là một trong rất nhiều những người Sài Gòn tử tế mà bạn được gặp. Hạnh phúc lắm lúc chỉ đơn giản vậy thôi khi được lấp đầy tất thảy nghi kỵ bằng niềm tin yêu, lạc quan vào cuộc sống.

Niềm tin ấy dần đầy lên mỗi ngày khi bạn bắt gặp những điều dễ thương giữa Sài Gòn. Rất nhiều lần chạy ngang đoạn đường Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai, bạn nhìn thấy tấm bảng chỉ đường: “Anh chị em nào đi Bệnh viện Từ Dũ nhìn theo mũi tên thấy nhà lầu màu vàng, nhìn lên trên thấy hình mẹ bồng con. Cảm ơn!”. Đằng sau tấm bảng ấy là câu chuyện đầy tính nhân văn về anh Nam - một người không biết chữ. Vài người quen ở xa khi đọc được bài báo này đã nhờ bạn tìm đến anh Nam để phụ anh một ít tiền. Nếu không có buổi chiều tháng Chạp ấy, có lẽ bạn đã bỏ quên một chút dịu dàng đâu đó giữa Sài Gòn. Khó khăn là thế nhưng anh vẫn góp nhặt từng đồng để làm bình nước miễn phí cho người qua đường dừng chân uống. Bên cạnh bình nước là bịch bánh mì để ai có đói thì có cái lót dạ. Tuy nhiên khi ai đó đề nghị được giúp đỡ ít tiền thì anh từ chối. Anh cười hiền khô rồi bảo “Thôi! Nếu có lòng thì mua ly nhựa uống nước để người qua đường có ly mà uống”. Sợ người ta ngại vấn đề vệ sinh nên anh dùng loại ly uống 1 lần rồi bỏ.

… Ngẫm, Sài Gòn đôi khi như xứ sở kỳ diệu, khiến người ta say mê và không thể rời bỏ bởi những con người bình dị. Họ như những chứng nhân lặng lẽ về một góc Sài Gòn dịu dàng, bình yên. Sài Gòn vẫn nhộp nhịp, xô bồ mỗi ngày nhưng chỉ cần bạn bước chậm một nhịp là đã đủ thấy lòng ấm êm từ những điều dịu dàng như thế...

Yên Hà