Thứ bảy, 11/3/2017, 18h27

Sao cứ phải là ĐH ở thành phố?

Báo chí đưa rất nhiều điển hình về “Gương sáng mẹ cha”, “Gương sáng học trò”. Thật đáng trân trọng, đáng đọc và suy ngẫm những điển hình tốt như vậy. Trong bối cảnh giới truyền thông khai thác quá nhiều mảng tiêu cực - mặt trái của xã hội - thì việc đưa tin, nhân rộng các điển hình như vậy rất đáng hoan nghênh.

Nhóm cà phê 246 có vài nhà báo trước đây chuyên viết về các điển hình tốt, cảm động. Một người cha từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn đạp xích lô nuôi con học ĐH, không phải một mà 4 người con. Một bà mẹ già dãi dầu khuya sớm bán khoai ngoài đường nuôi con tốt nghiệp ĐH… Tuy nhiên, có vài thành viên trong nhóm đặt vấn đề, lòng hiếu thảo và ý chí của người con ở đâu? Cha mẹ lo cho con cái ăn học nên người trong hoàn cảnh khó khăn là rất đáng quý, nhưng nếu người con có lòng hiếu thảo thì không để cho cha mẹ phải lao tâm khổ cực như vậy. Sao các bạn không học nghề, học trung cấp, CĐ, thậm chí học ĐH tại địa phương - tùy theo sức lực và gia cảnh nhà mình.

Bây giờ cả thế giới đang chủ trương học tập suốt đời; học để biết, để làm, để chung sống… đâu nhất thiết phải cố tìm cho được tấm bằng cử nhân ĐH ở thành phố lớn. Trong khi thực tế hiện cả nước có tới 250 ngàn cử nhân ĐH thất nghiệp.

Phải khâm phục gương sáng nhiều HS nghèo, cố gắng học giỏi, tốt nghiệp thủ khoa... Mỗi năm, sau các kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT lại thống kê danh sách thủ khoa, cho thấy phần lớn là HS nghèo ở các tỉnh. Điều đó hoàn toàn đúng với nguyên lý dạy - học: Tự lực tiếp thu kiến thức, ham muốn học hỏi, quyết tâm muốn đổi đời thông qua con đường tri thức… Điều đó mới quyết định chất lượng học tập.

Người viết bài này rất thích các bạn HS có lòng hiếu thảo, quyết chí học hành, bớt làm phiền đến cha mẹ khi vào ĐH và sau ĐH. Hãy đi bằng đôi chân của mình đến giảng đường ĐH, không nên dựa vào cha mẹ hoặc tổ chức tiếp sức nào đó nhiều quá khi đã trở thành người lớn...

Đức Nhuận