Thứ bảy, 23/9/2017, 22h03

Sao lại dạy học sinh gian dối?

Bộ môn công nghệ ở bậc THCS là môn học chính thức trong nhà trường. Tuy nhiên, những kiến thức trong sách giáo khoa còn nhiều bất cập như may, thêu, đan lát, làm món ăn…

Trước hết là vấn đề cơ sở vật chất chưa đáp ứng được việc học thực hành như học về may chẳng hạn. Không thể trang bị máy may cho một vài phòng để học sinh thực hành như trang bị máy vi tính được. Là bộ môn chính thức nên phải có bài kiểm tra lý thuyết, bài kiểm tra thực hành. Thi lý thuyết làm tại lớp nhưng thi thực hành thì giáo viên cho về nhà làm và hạn ngày nộp. Chuyện bi hài xảy ra ở phần thực hành này. Nếu là bài thực hành thêu, tôi đảm bảo gần 100% học sinh không thể tự làm được. Do đó, phụ huynh (người mẹ) sẽ “đảm nhận” việc thêu này làm sao cho đẹp để con có điểm số cao; nếu là bài “Làm chả giò” thì người cha sẽ “thực hiện nhiệm vụ” là làm món chả giò thật sinh động, hấp dẫn cho con đem đến cho giáo viên chấm…Khi chấm bài, giáo viên thừa biết những mẫu thêu, mẫu món ăn này do phụ huynh “sáng tác” nhưng vẫn phải cho điểm vì phải có cột điểm theo quy định. Nhiều khi giáo viên cũng bất lực, đành nhắm mắt làm ngơ, cho điểm cho xong. Người mẹ nào thêu đẹp thì con được điểm cao, và ngược lại. Nhiều em không dám trách cô giáo mà chỉ trách mẹ sao thêu dở quá.

Tôi nghĩ rằng giáo viên cũng khổ tâm lắm khi “mình tự lừa dối mình” và bị học sinh lừa dối để có điểm số cao. Sao giáo viên dạy học sinh gian dối và tự dối lòng mình? Thay vì cho về nhà làm bài thì giáo viên tổ chức thi thực hành tại lớp để đánh giá khách quan hơn, chính xác hơn.

Đó là một thực tế đang diễn ra đối với bộ môn công nghệ bậc THCS. Các nhà quản lý cần xem lại để có hướng giải quyết có lý, có tình. Có thể đưa sang thành bộ môn tự chọn để học sinh hứng thú học và tự giác học. Nhiều kiến thức trong bộ môn này rất bổ ích, cần thiết cho các em tự phục vụ bản thân sau này. 

Lê Trưng Sa