Chủ nhật, 22/5/2011, 10h05

Sinh viên sư phạm nói ngọng, viết sai chính tả

Không phải đến bây giờ mà đã nhiều năm nay, ngành sư phạm luôn nằm ngoài “tầm ngắm” của các sĩ tử dự thi các kỳ ĐH, CĐ. Nguồn tuyển cho ngành sư phạm không chỉ thiếu về số lượng mà còn cần phải xem xét lại cả chất lượng đầu vào.

Hồ sơ dự thi vào ĐH Sư phạm sụt giảm nghiêm trọng

Cách đây cả chục năm, giới học sinh vẫn thường truyền tai nhau câu nói trước mỗi kỳ thi: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm”. Mặc dù chỉ là câu nói truyền miệng nhưng đã phản ánh khá đúng thực tế mỗi kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ từ trước đến nay.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, cả nước hiện đang thiếu hơn 50.000 giáo viên tiểu học nếu dạy 2 buổi/ngày, cấp THPT thiếu hơn 8.000 giáo viên. Ngành sư phạm cũng là một trong những ngành có nhiều ưu đãi nhất khi tuyển sinh như miễn học phí, nhiều học bổng… thế nhưng hầu như mùa tuyển sinh nào, các trường sư phạm đều nằm trong top ít thí sinh dự thi.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay có hơn 15.000 hồ sơ, giảm gần 2.000 bộ so với năm ngoái. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 giảm khoảng 3.000 hồ sơ, còn 7.300 hồ sơ. Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho biết năm nay, số lượng hồ sơ ĐKDT vào các ngành sư phạm, nông nghiệp có chiều hướng giảm. Các ngành thuộc khối sư phạm có số lượng đăng ký giảm gồm: Địa lý giảm 351 bộ, văn học giảm 93 bộ, sinh học giảm 366 bộ, Anh văn giảm 356 bộ…
Sự giảm sút hồ sơ ĐKDT vào ngành sư phạm từng năm thể hiện rõ vị trí không còn được ưa chuộng của ngành này trong tâm lý của học sinh. Năm nay, trong bối cảnh ảm đạm chung của ngành, duy nhất chỉ có Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Đà Nẵng trở thành “hiện tượng” khi nhận được hơn 3.800 hồ sơ, không hề kém cạnh so với các trường kinh tế, kỹ thuật… của Đà Nẵng. Tuy nhiên, giải thích lý do sự tăng đột biến này, lãnh đạo nhà trường cho biết, không hẳn vì do thí sinh yêu thích ngành sư phạm mà do đa phần thí sinh ĐKDT đều thuộc diện gia đình nghèo, kinh tế khó khăn nên đăng ký vào sư phạm để được miễn giảm học phí.
Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An (ĐH Cần Thơ) cho biết, một trong những lý do khiến sinh viên không mặn mà với ngành sư phạm, ngoài việc lương thấp, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên chưa thỏa đáng thì tại nhiều địa phương, sinh viên sau khi tốt nghiệp phải tự xin việc chứ không được Sở GDĐT phân công nên rất khó khăn khi tìm việc.
Cô giáo tương lai nói ngọng
Cùng với sự giảm sút số lượng hồ sơ ĐKDT là điểm chuẩn đầu vào của nhóm ngành sư phạm cũng luôn ở mức thấp. Mùa tuyển sinh trước, các trường như ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Vinh, ĐH Sư phạm Đà Nẵng… đều có điểm chuẩn dưới 19 điểm. Có không ít ngành điểm chuẩn chỉ bằng hoặc hơn chút xíu so với điểm sàn như Sư phạm Tin, Sư phạm Kỹ thuật công nghệ, Sư phạm Giáo dục chính trị, Sư phạm tiếng Pháp… Hầu hết các ngành đào tạo sư phạm của Trường ĐH Vinh đều có mức điểm chuẩn nguyện vọng 1 sát với điểm sàn. Trường nổi tiếng có đầu vào cao là ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có nhiều ngành lấy điểm chuẩn ở mức 15 – 17 điểm. Không những thế, năm nào các trường sư phạm cũng phải tuyển đến nguyện vọng 3 mà nhiều chuyên ngành còn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Từ điểm chuẩn đầu vào này có thể nhận thấy, sinh viên khá giỏi không chọn ngành “sư phạm” là đích ngắm của mình. Một giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Một thực tế đáng buồn cho thấy, nhiều em sinh viên cực chẳng đã phải vào sư phạm vì không còn trúng tuyển ở trường nào khác. Chính vì thế, mặc dù sẽ trở thành thầy, cô giáo trong tương lai nhưng nhiều sinh viên của chúng tôi vẫn còn nói ngọng, viết sai những lỗi chính tả sơ đẳng, thậm chí không viết được một câu văn cho hoàn chỉnh. Đây quả thật là một thực trạng đáng báo động”.
Theo các chuyên gia giáo dục, chất lượng tuyển sinh vào sư phạm giảm sút phải được xem là nguy cơ của nền giáo dục bởi chất lượng sinh viên giảm dẫn tới sự xuống cấp về chất lượng giáo viên. Quan trọng hơn, điều đó khiến cho nhiều chủ trương, dự án cải cách, đổi mới trong ngành giáo dục không thực hiện được hoặc hiệu quả không cao.
Nguyên Minh / Lao Động